ClockThứ Ba, 09/05/2017 05:51

Biển vào mùa du lịch

TTH - Du lịch biển là một loại hình du lịch quan trọng, thu hút du khách đến với Huế. Năm nay, các bãi tắm hứa hẹn có một mùa “ăn nên làm ra”.

Các bãi tắm lớn nhỏ hứa hẹn hút khách

Hút khách

Trái với cảnh đìu hiu vào thời điểm này năm trước, năm nay, rất đông du khách về biển để tắm và nghỉ dưỡng. Những ngày cuối của dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thời tiết nắng nóng, tắm biển là lựa chọn của nhiều người sau thời gian dài “thèm”… vị mặn. Tại một số bãi biển Thuận An, Phú Thuận (huyện Phú Vang), Lăng Cô, Cảnh Dương (huyện Phú Lộc) có hàng nghìn lượt khách đổ về. Du khách không còn dè dặt, e ngại khi tắm biển. Anh Nguyễn Thành Chiến (du khách Đà Nẵng) chia sẻ: “Mặc dù Đà Nẵng có nhiều bãi biển nhưng tôi lựa chọn biển Cảnh Dương để nghỉ dưỡng cùng bạn bè trong dịp lễ bởi nơi đây còn khá hoang sơ, tổ chức được nhiều trò chơi mới lạ, thú vị.” Việc chọn bãi tắm ở Huế góp phần chứng minh du lịch biển của Huế đang trở lại.

Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, dịp lễ vừa rồi, 1.000 phòng lưu trú ở địa phương kín chỗ. Ước tính, lượng khách có tham gia tắm biển vào khoảng 4.000 - 5.000 lượt/ngày. Nhờ lượng khách tăng mạnh, các dịch vụ kèm theo cũng đã hoạt động trở lại. Tại các bãi biển vùng ngoại ô thành phố mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách. Đỉnh điểm tại bãi biển Thuận An, trong 2 ngày cuối của dịp lễ 30/4 và 1/5 đón hơn 10.000 lượt khách/ngày. Các bãi tắm có quy mô nhỏ hơn, như Phú Thuận, Phú Diên cũng đón vài ngàn lượt khách/ngày. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho hay: “Hiện, du lịch biển đã trở lại. Mặc dù bãi tắm Phú Thuận có quy mô nhỏ nhưng mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách. Vào dịp lễ, lượng khách đổ về biển đến vài ngàn người”.

Theo anh Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty Du lịch Đại Bàng, sản phẩm du lịch biển là một trong các sản phẩm chính thu hút khách. Trong các tour, doanh nghiệp luôn sắp xếp biển là điểm kết thúc trong hành trình. Với việc du lịch biển trở lại, chắc chắn rằng tour tuyến mà doanh nghiệp Huế tổ chức sẽ đa dạng hơn và khách đến Huế cũng sẽ tăng.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch nhận định, dù văn hóa – di sản vẫn là sản phẩm chính, song sản phẩm biển hỗ trợ tích cực, tạo nên sự đa dạng cho du lịch Huế. Biển hút khách du lịch trong thời gian qua đủ để thấy người dân và du khách đã yên tâm. Ngoài những bãi truyền thống, các bãi mới ở huyện Phong Điền và Quảng Điền cũng đã đón lượng lớn du khách.

Việc các bãi biển đón hàng ngàn lượt khách mỗi ngày không chỉ là tín hiệu vui cho ngành du lịch mà còn “gỡ khó”, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân mưu sinh dọc các bãi tắm. “Năm nay, chỉ trong các ngày lễ, lượng khách đônghơn so với mùa du lịch biển năm ngoái. Sau một năm kinh doanh không hiệu quả do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, năm nay hứa hẹn một mùa kinh doanh khấm khá”, một chủ nhà hàng tại bãi tắm Thuận An chia sẻ.

Cần đa dạng hơn các dịch vụ

Vào mùa du lịch biển, công tác đảm bảo an toàn cho du khách cũng như môi trường biển được các địa phương đặc biệt quan tâm. Huyện Phú Vang cũng đã mở lớp tập huấn về cứu hộ, cứu đuối cho lực lượng của các bãi tắm. Ông Đặng Tiến Tùy cho biết: “Ngoài lực lượng cứu hộ cứu nạn được trang bị đầy đủ các phương tiện và được tập huấn bài bản, chúng tôi còn cắt cử lực lượng dân quân tự vệ và công an xã đảm bảo an toàn tại các bãi tắm. Đồng thời, phối hợp với bộ đội biên phòng, công an huyện để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”.

Về biển Thuận An vào đầu tháng 5, chúng tôi vào gửi xe máy lúc 17 giờ. Theo giá niêm yết chỉ thu của khách 4.000 đồng/xe máy, nhưng nhân viên lại thu tất cả các xe vào thời điểm đó là 7.000 đồng.

Ông Lê Hữu Minh thông tin, sở đã có công văn gửi các địa phương đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo giá cả, tránh tình trạng chặt chém khi lượng khách đổ về biển quá đông; trong đó, đảm bảo an toàn cho du khách được chú trọng nhất. Các bãi tắm phải có các phao ranh giới, có lực lượng cứu hộ; vệ sinh môi trường ở các bãi tắm phải sạch sẽ, không để rác thải bừa bãi; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; niêm yết giá cụ thể và công khai, tránh tình trạng nâng giá. “Để thực hiện tốt những công việc trên, sở đã có kế hoạch phối hợp với các địa phương, liên ngành ra quân đồng loạt và thường xuyên trong suốt mùa du lịch biển năm nay. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ xử lý mạnh”, ông Minh nhấn mạnh.

Du lịch biển đang hút khách, song các sản phẩm hỗ trợ dường như chưa được đầu tư, các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí ở các bãi tắm hiện nay rất nghèo nàn. “Đa số các bãi tắm ở Phú Vang chỉ phục vụ ăn uống và tắm biển còn các hoạt động vui chơi giải trí khác không có. Dự kiến trong mùa du lịch biển năm nay, địa phương sẽ tổ chức các trò chơi thể thao bãi biển, một mặt giúp người dân địa phương gắn kết với nhau, mặt khác để du khách khi đến bãi tắm Phú Thuận có thể thưởng thức những hoạt động giải trí phong phú hơn”, ông Đặng Tiến Tùy nói.

Theo ông Lê Hữu Minh, các sản phẩm trên biển đa số do các nhà đầu tư thực hiện. Thời gian qua có khá nhiều nhà đầu tư vào để khai thác các dịch vụ, như lướt ván, dù lượn, ca nô… nhưng khó khả thi do thời tiết ở Huế khá khắc nghiệt. Các nhà đầu tư khó có thể bảo quản cơ sở vật chất, thu hồi vốn và sinh lợi. Dù biết khó, song Sở Du lịch và các cơ quan liên quan, các địa phương tiếp tục kêu gọi đầu tư. Vì về định hướng lâu dài, du lịch biển phải có những dịch vụ này.

Đức Quang - Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

TIN MỚI

Return to top