Nếu xét về lợi thế thì Huế có quá nhiều so với rất nhiều tỉnh, thành phố khác về di sản, tài nguyên, danh lam thắng cảnh, môi trường, ẩm thực… Song, vì sao Huế chưa là lựa chọn hàng đầu của du khách? Nguyên nhân được chỉ ra một phần là do công tác quảng bá chưa tốt. Có vẻ như khâu này chúng ta còn yếu nên rất nhiều du khách đã bỏ qua Huế.
Có nhiều năm được giao “chủ công” hoạt động này cho cơ quan báo, tôi cũng nhận thấy công tác quảng bá Festival Nghề truyền thống Huế dù luôn được tổ chức, song dường như vẫn “chưa tới”, gần như mới chỉ ở xung quanh việc họp báo giới thiệu ở trong tỉnh, trong nước mà thiếu kịch bản quảng bá chuyên nghiệp và quy mô. Riêng Festival Huế năm chẵn thì công tác quảng bá tốt hơn. Song nếu xét một cách tổng thể về việc quảng bá cho các điểm đến trên địa bàn thì vẫn còn thiếu sự đầu tư đúng mức.
Một nguyên nhân khác cũng khiến cho Huế chưa nằm trong nhiều lựa chọn của du khách về điểm đến cũng như thời gian lưu trú chưa dài là do sự cạnh tranh về giá phòng và các dịch vụ khác chưa tốt. Đại diện Vietravel Chi nhánh Đà Nẵng phân tích: So với Hội An, Đà Nẵng, giá phòng khách sạn từ 4-5 sao của Huế dù đã giảm nhưng cũng khá cao, gần như là gấp đôi so với hai địa phương nêu trên. Lợi thế về giá phòng đã giúp Đà Nẵng, Hội An tăng hơn 20% lượng khách so với năm trước dịp 14/2 và 8/3, đại diện Vietravel Chi nhánh Đà Nẵng thông tin.
Theo Sở Du lịch, vài điểm nghỉ dưỡng, khách sạn ở Huế cũng đạt con số này trong các dịp lễ đầu năm nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ là giảm giá dịch vụ mà phải đi kèm nâng cao chất lượng phục vụ và các dịch vụ bổ trợ khác. Khi đã xây dựng được thương hiệu thì việc giảm giá nếu không kèm tăng chất lượng dịch vụ có khi còn bị tác dụng ngược. Do đó, cùng với giảm giá, các cơ sở lưu trú cũng cần tính toán, triển khai thêm các dịch vụ mà khách muốn tham gia, trải nghiệm để vừa làm phong phú cho điểm đến, vừa có thêm nguồn thu nuôi bộ máy và các chi phí vận hành, quản lý...
Phát biểu tại hội nghị này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng cho rằng, đã đến lúc cần vực dậy ngành du lịch và ngành này cần “bình minh trở lại” trong trạng thái bình thường mới. Tất nhiên, tỉnh sẽ xem xét về những cơ chế, chính sách hỗ trợ về điện, nước, thuế… Song, quan trọng vẫn là bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải đổi mới, tính toán hướng đi phù hợp, phải tự “cứu mình” trước khi chờ Nhà nước “cứu”.
Khủng hoảng do COVID-19 là câu chuyện chung, nhưng tại sao nhiều doanh nghiệp ở tỉnh thành khác vực dậy được, chúng ta lại vẫn khó? Câu chuyện này cần được doanh nghiệp trên địa bàn nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng nhìn nhận thấu đáo và tính toán hướng đi phù hợp để tìm cho mình giải pháp tối ưu trong khi chờ đợi thị trường phục hồi và sự hỗ trợ từ Nhà nước.
TÂM HUỆ