ClockThứ Bảy, 01/10/2022 06:30

Chuẩn bị mùa cao điểm khách quốc tế

TTH - Với việc chủ động hơn các giải pháp, tích cực kết nối các thị trường mới, ngành du lịch kỳ vọng vào sự phục hồi tốt của khách quốc tế trong giai đoạn tiếp theo.

Nhu cầu du lịch nước ngoài của khách châu Á sẽ phục hồi vào năm 2024Thời điểm để “rắc” lại dịch vụKhó đạt chỉ tiêu đón khách quốc tế

Du khách quốc tế trải nghiệm mặc áo dài ngũ thân và đi xích lô

Dự báo khả quan

Số liệu từ Sở Du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2022, du lịch Huế đón được khoảng 1,5 triệu lượt khách; trong đó, khoảng 95 ngàn lượt khách quốc tế. Đây là con số chưa đạt như kỳ vọng mà ngành đã đặt ra từ đầu năm. Sự cẩn trọng hơn khi đi du lịch của du khách, nhiều thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… phụ thuộc vào chính sách mở cửa của nước sở tại, là những nguyên nhân chính được chỉ ra.

 Dù thế, từ nhiều phân tích, cũng như từ đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, thị trường khách quốc tế rất được kỳ vọng phục hồi tốt trong 3 tháng cuối năm và đầu năm 2023. Trong khi một số thị trường ở Tây Âu, châu Úc, ASEAN đang cho thấy tiếp tục đà phục hồi, thì thị trường lớn của Huế ở khu vực Đông Á, các nước này cũng đã tiến hành nới lỏng hơn các quy định xuất nhập cảnh, tiền đề để du khách trở lại.

Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Hà Nội – Chi nhánh Huế thông tin, bắt đầu từ tháng 10 trở đi, công ty sẽ đón và phục vụ khách quốc tế nhiều hơn. Cụ thể trong 3 tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng chi nhánh sẽ đón được 15-20 đoàn khách. Các thị trường khách chủ yếu là Pháp, Ý, Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha.

Đoàn báo chí Ấn Độ tham gia trải nghiệm du lịch Huế

Ông  Nguyễn Hữu Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Huế cho biết, trong quý 4 năm nay, dự kiến công suất lưu trú tại hai khách sạn của công ty là Century và Mondial là khoảng 70%; trong đó, chủ yếu là khách đặt “seri” từ các thị trường châu Âu, như Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha… Hai khách sạn cũng dự kiến đón được lượng khách đáng kể từ Thái Lan trong giai đoạn cuối năm và đầu năm sau.

Theo Tổng cục Du lịch, báo cáo của Ban hỗ trợ chính sách APEC (PSU), Việt Nam là quốc gia duy nhất trong 21 nền kinh tế APEC không đưa ra hạn chế nào về đi lại, không yêu cầu chứng nhận tiêm phòng COVID-19, không yêu cầu xét nghiệm COVID-19, không yêu cầu cách ly, không yêu cầu khai báo y tế. Đó là cơ sở để Việt Nam cạnh tranh về điểm đến trong khai thác du lịch.

Điều này càng có cơ sở khi công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights hiển thị sự gia tăng mạnh mẽ lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ du khách quốc tế. Theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 8/2022 đã tăng gần 7 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022. Trong khi đó, lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam đã tăng hơn 3 lần. 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Pháp, Anh, Malaysia. Các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất đều là các trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam; trong đó Cố đô Huế nằm trong danh sách điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất.

Kết nối thị trường mới

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, cùng với những tín hiệu phục hồi khả quan của khách quốc tế, thời gian qua, ngành du lịch tập trung vào hai giải pháp quan trọng để thu hút khách quốc tế. Thứ nhất là chủ động kết nối các thị trường khách truyền thống, mở rộng kết nối các thị trường mới có tính thay thế. Thứ hai là rà soát, kiểm tra lại các dịch vụ, bổ sung các sản phẩm mới phù hợp với từng thị trường khách. Điều này giúp ngành chủ động hơn trong đón và phục vụ khách đối với các thị trường mới.

Ấn Độ là thị trường mới của Huế. Trong khoảng 2 tháng trở lại, du lịch Huế có rất nhiều hoạt động để xúc tiến thị trường tỷ dân này. Để chủ động kết nối, các doanh nghiệp du lịch Huế đã trực tiếp sang Ấn Độ để tìm kiếm đối tác và tìm kiếm thị trường. Ngay sau đó, đoàn doanh nghiệp du lịch Ấn Độ cũng đã đến Huế khảo sát các điểm du lịch, làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch Cố đô. Hiện tại, doanh nghiệp hai bên đã “tung” ra thị trường để bán sản phẩm cho nhau. Riêng với các tour từ Ấn Độ sang Huế sẽ bắt đầu từ tháng 10.

Để việc khai thác khách từ Ấn Độ tốt hơn trong thời gian đến, từ ngày 19 – 20/9 vừa qua, Sở Du lịch phối hợp Hội Lữ hành tỉnh và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet tổ chức đón đoàn báo chí Ấn Độ đến khảo sát, trải nghiệm các sản phẩm du lịch nổi bật của Huế. Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Ấn Độ là thị trường tỷ dân, tuy nhiên, hình ảnh du lịch Huế gần như chưa xuất hiện ở Ấn Độ. Vì thế, thông qua những hình ảnh quảng bá từ các cơ quan báo chí, truyền thông, những hình ảnh của Huế được giới thiệu, quảng bá đến với đông đảo du khách, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và nhà đầu tư Ấn Độ. Vì quảng bá luôn là giải pháp bước đầu khi khai thác một thị trường khách nào đó.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, trước đây, du lịch Huế còn khá lo lắng về các dịch vụ cung ứng khi khách Ấn Độ sang. Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, hệ thống nhà hàng, dịch vụ bổ trợ để phục vụ khách Ấn Độ đã được hình thành. Đặc biệt là dịch vụ ăn uống, với dòng khách này yêu cầu rất khác biệt, nay đã có nhà hàng ở đường Nguyễn Thái Học, TP. Huế có thể phục vụ vài trăm khách Ấn Độ trong một ngày.

Ông  Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh chia sẻ, sau 2 năm sau bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Hội Lữ hành tổ chức chuyến famtrip nhằm xúc tiến, kết nối, khảo sát tuyến Lào - Đông Bắc Thái  Lan; gồm 30 doanh nghiệp lữ hành ở Huế và 6 doanh nghiệp lữ hành Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng. Kết quả rất khả quan, ngay trong tháng 10 tới, hai bên sẽ bắt đầu khai thác, đưa khách đến cho nhau.

Cấp tập tuyển nhân viên

Theo Hội Lưu trú tỉnh, để chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại trong thời gian đến, nhiều cơ sở đã và đang tiếp tục tuyển dụng nhiều vị trí việc làm. Tập trung nhiều vào các cơ sở lưu trú chuyên về phục vụ khách quốc tế. Trong các kỹ năng, một yêu cầu quan trọng của các cơ sở khi tuyển dụng là về ngoại ngữ.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

Trong 2 ngày 19-20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tham vấn quy trình thí điểm, các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm chương trình GDMN. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

TIN MỚI

Return to top