ClockThứ Bảy, 14/11/2020 06:30

Công nghệ số là tương lai, du lịch cần nắm bắt

TTH - Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị ngành du lịch các địa phương, trước diễn biến của dịch bệnh và thiên tai, tương lai của du lịch là công nghệ. Do đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch.

Đào tạo theo cơ chế đặc thù: Cơ hội việc làm cao hơn

Tại Diễn đàn Du lịch Huế 2019 với chủ đề “Phát triển du lịch Huế thông minh và bền vững”

Tiết kiệm và tiện dụng

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại dịch COVID-19 gây thiệt hại lớn tới tất cả các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ và liên quan. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh để có thể sớm phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát.

“Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ một cách toàn diện sẽ là một phần của chiến lược kinh doanh giai đoạn mới. Với chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Hơn thế, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của mọi doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Tại Huế, việc áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch đã được đẩy mạnh được một thời gian. Đặc biệt, từ năm 2018, Huế đã triển khai đề án phát triển du lịch thông minh, gắn với đô thị thông minh dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hiệu quả nhất là trong quảng bá hình ảnh du lịch Huế bằng công nghệ số. Chỉ trong một thời gian ngắn mà ngành đẩy mạnh “chạy” quảng bá trên các nền tảng Facebook, TikTok, Instagram… đặc biệt là Facebook, trong vòng 1 tháng (tháng 8/2020), đã tiếp cận được hơn 1 triệu người dùng. Có những điểm đến mới, như hồ Sơn Thọ (xã Hương Thọ, TX. Hương Trà) được giới thiệu đã nhận được sự tương tác cao.

“Quan trọng hơn, việc áp dụng công nghệ số giúp ngành thu thập được những con số thống kê chính xác, nhất là các thị trường khách có mức độ quan tâm đến Huế. Dựa vào những con số đó, đánh giá và xây dựng chiến lược kích cầu du lịch phù hợp với từng đối tượng khách”, ông Trần  Hữu Thùy Giang thông tin.

Tại hệ thống di sản, những năm qua, bước đầu đã triển khai được các dịch vụ gắn với công nghệ số. Có thể kể đến hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) sử dụng 12 ngôn ngữ khác nhau tại khu vực Đại Nội và các lăng tẩm; sử dụng công nghệ mã QR code trong ứng dụng VN Guide để nâng cao trải nghiệm tham quan của du khách. Trước đó, du khách đến với Đại Nội Huế cũng có thể trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR “Đi tìm Hoàng cung đã mất”.

Ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận định, dù vẫn còn những ý kiến khen, chê về công nghệ thực tế ảo, song về góc độ của đơn vị quản lý và khai thác di sản, dịch vụ giúp du khách hình dung đầy đủ hơn về Hoàng cung. Đây là những dịch vụ đòi hỏi phải phát triển mạnh hơn, nhất là nhiều di tích chưa được phục dựng đầy đủ.

Thêm dịch vụ

Sở Du lịch thông tin, ngoài nguồn lực trong tỉnh, thời gian qua, ngành du lịch Huế nhận được nhiều sự hỗ trợ của các đối tác trong quảng bá du lịch bằng công nghệ số. Lăng Tự Đức nằm trong 30 di tích, từ 13 quốc gia được Google số hóa 3D, giúp tăng hiệu quả trong quảng bá. Tháng 9/2020, lăng Tự Đức tiếp tục nhận được những đánh giá có giá trị to lớn về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử và được Google lựa chọn cùng với các kỳ quan, danh lam khác của thế giới được tìm kiếm bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR).

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cùng với đó là nguồn lực bắt buộc phải cắt giảm phù hợp với tình hình mới, việc đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số là điều bắt buộc và là kênh quảng bá chủ lực trong giai đoạn sắp đến. Trong số các giải pháp công nghệ đang phát triển, ngành sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá, xây dựng sản phẩm bằng ứng dụng tích hợp với mobile (điện thoại thông minh).

Để tạo dựng nền tảng cho các sản phẩm du lịch thông minh, việc cần làm là xây dựng hệ thống dữ liệu chuẩn, gồm dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các cơ sở lưu trú, chuẩn hóa nội dung giới thiệu về các điểm đến tiêu biểu… nhằm cung cấp thông tin về các điểm tham quan, văn hóa lịch sử, ẩm thực và các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao đến với du khách và cộng đồng.

Điều khả quan là thời gian qua, có khá nhiều doanh nghiệp về công nghệ mong muốn đầu tư, hợp tác phát triển dịch vụ gắn với công nghệ số ở Huế. Như Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn đang đầu tư dịch vụ tham quan ảo 4D/VR, chụp thực tế 3D bằng việc sao chép không gian đi thăm quan ở các điểm di sản và một số điểm đến mới.

Ông Mai Xuân Minh thông tin, Công ty Vietshop đang tiếp tục hoàn thiện dịch vụ trải nghiệm thiết triều và các hoạt động ở Hoàng cung vào ban đêm bằng công nghệ thực tế ảo. Nếu không có dịch bệnh, dự kiến dịch vụ đã được thử nghiệm tại Festival Huế 2020 nếu không bị hoãn tổ chức và tiến tới đưa vào khai thác khi Đại Nội về đêm hoạt động trở lại. Với nguồn lực và thực tiễn khai thác, công nghệ tham quan thực tế ảo, phần nào giúp du khách chiêm ngưỡng và hòa vào đời sống về đêm trong cung đình xưa.

Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2020 diễn ra từ ngày 18-21/11/2020 tại Hà Nội có chủ đề là “Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam”. Ngành du lịch tỉnh cho biết, sẽ giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ có áp dụng công nghệ đang được khai thác nhằm thu hút khách đến Huế trải nghiệm; đồng thời giới thiệu, thông tin những dịch vụ được dự kiến khai thác để thu hút thêm nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Bài, ảnh: QUANG SANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á - Thái Bình Dương: Đảm bảo tương lai an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với tăng trưởng, cơ sở hạ tầng và sinh kế ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khu vực này có thể cải thiện khả năng bảo vệ tài chính trước các rủi ro khí hậu nghiêm trọng và hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách giải quyết các khoảng cách về khả năng chi trả bảo hiểm, khả năng tiếp cận và nhận thức.

Châu Á - Thái Bình Dương Đảm bảo tương lai an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương
Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

TIN MỚI

Return to top