ClockThứ Hai, 01/05/2017 12:40

Đánh thức kho báu du lịch đầm Cầu Hai

TTH - Cùng với phá Tam Giang, đầm Cầu Hai là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho Thừa Thiên Huế. Biết cách khơi dậy và phát triển, vùng đầm Cầu Hai sẽ là điểm nhấn, làm phong phú hơn bức tranh du lịch vốn đa dạng và nhiều sắc màu của vùng đất núi Ngự, sông Hương.

Đầm cầu Hai, nhìn từ cửa Tư Hiền

Năm 2008, bên đầm Cầu Hai cạnh khu vực Mũi Né thuộc thị trấn Phú Lộc, dự án du lịch sinh thái Vedana Lagoon mang tầm quốc tế được khởi công xây dựng. Chỉ hơn một năm sau, dự án đã đi vào hoạt động. Vedana Lagoon được nhắc đến với tư cách là khu resort đầu tiên ở Việt Nam có các villas được xây dựng trên nước và là dự án mang ý nghĩa đánh thức tiềm năng du lịch vùng đầm Cầu Hai.

Vedana Lagoon là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Khách đến đây chủ yếu là để nghỉ ngơi, ngắm nhìn cảnh đẹp Cầu Hai nổi tiếng. Thực tế, Cầu Hai còn có rất nhiều tiềm năng khác để khai thác du lịch, không chỉ thỏa mãn cái sự nhìn hay thư giãn mà còn để trải nghiệm khám phá và thưởng thức (ăn, chơi…) mà xem ra, lâu nay còn đang ngủ yên. Nhớ cách nay không lâu, có dịp hầu chuyện vị sư ở chùa Chánh Giác (xã Vinh Hưng, Phú Lộc), tôi được ông chia sẻ về ý định xây dựng một bến thuyền du lịch ở đây để hình thành tour du lịch bằng đò khám phá vùng đầm Cầu Hai.

Câu chuyện khiến tôi nhớ đến những ngôi chùa bên đầm Cầu Hai. Bên kia Diêm Trường - Phụng Chánh (Vinh Hưng) có chùa Chánh Giác, bên này Cao Đôi Xã (thị trấn Phú Lộc) có chùa Cảnh Phước, có chức năng như một đình làng và được biết có một gian long trọng để thờ 5 vị tiền hiền và lưu giữ hòm bộ với 5 sắc phong những người có công khai phá vùng đất Cao Đôi (Cầu Hai). Chưa kể ở phía trên còn có chùa Hà Trung nổi tiếng, ngôi cổ tự của Phật giáo Huế, từng được thiền sư Thích Đại Sán của Trung Quốc ghé thăm vào thế kỷ VII và ghi chép lại trong bộ sách nổi tiếng “Hải ngoại kỷ sự”. Còn ở vùng cửa biển Tư Hiền, nơi tiếp giáp giữa đầm Cầu Hai và Biển Đông, là ngôi Quốc tự Thánh Duyên. Một tour du lịch bằng thuyền khởi đầu từ Huế, Đá Bạc hay có thể ở cả Vinh Hưng khám phá các chùa bên đầm Cầu Hai sẽ là một ý tưởng hay và thú vị. Nó có nét phảng phất và tương đồng với lễ hội chùa Hương ở ngoài Bắc nhưng lại có nhiều điểm đến.

Trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nếu phá Tam Giang và đầm Thủy Tú như một con sông lớn thì đầm Cầu Hai là hồ nước mênh mông. Bao quanh Cầu Hai là những xóm làng với rất nhiều điểm đến thú vị. Bên cạnh những ngôi chùa nổi tiếng, vùng quanh đầm Cầu Hai còn có những điểm cao ở Lộc Bình hay Vinh Hiền, ở đó có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng đầm đẹp đến nao lòng khi bình minh ló dạng cũng như lúc chiều tà. Nó cần được chú ý xây dựng để tạo điểm đến và thú vui vọng cảnh Cầu Hai cho du khách.

Gần đây, bãi tắm Hải Bình ra đời. Đây là nơi gặp gỡ giữa đầm Cầu Hai và Biển Đông. Xưa cũng nơi này là cửa biển Tư Dung nổi tiếng. Đến Hải Bình, tôi được biết trong khu vực bãi tắm có nhiều dấu tích lịch sử, như am ngói, miếu Công thần và hang Thần. Miếu Công thần gắn với giai thoại vua Gia Long tấn công vào phòng tuyến Linh Thái - Tư Dung của triều Tây Sơn. Do đêm tối và mưa gió, từ biển nhìn vào vua tôi chỉ thấy hai đốm sáng. Phát hiện đó là mắt hai con rái cá ở hai bên cửa biển, cho là điềm lành, bèn thốc quân tiến vào và thắng lớn. Sau này lên ngôi, vua Gia Long phong tặng cặp rái cá là “Lang lại nhị đại tướng quân” và cho lập miếu thờ. Biết khai thác tốt những giá trị lịch sử văn hóa đó, Hải Bình sẽ được biết đến không chỉ là bãi tắm bình thường như hiện nay.

Một đề án phát triển du lịch vùng đầm Cầu Hai đã được huyện Phú Lộc xây dựng. Theo đó, huyện sẽ chọn 21 cụm để xây dựng các nhà hàng dịch vụ có kiến trúc phù hợp, thuộc của 7 xã, thị trấn nằm ven đầm để đón khách du lịch từ bình dân đến cao cấp. Khách đến đây, ngoài ăn uống nghỉ dưỡng còn được tham gia các dịch vụ vui chơi giải trí trên mặt nước đầm phá, như: bơi thuyền, lướt ván, câu cá, hoặc làm quen cách thức đánh bắt thủy sản rất hấp dẫn của cư dân sông nước. Du khách cũng có thể tham gia các tour, tuyến khám phá các di tích văn hóa lịch sử, các làng quê, miệt vườn, các bãi biển đẹp dân dã ở Vinh Mỹ, Vinh Hiền, Lộc Bình...

Tôi thích đề án này. Nó đã chạm được kho báu du lịch vùng đầm Cầu Hai với những khám phá đầy mới lạ và đặc sắc. Nhớ cách nay hơn 20 năm, tôi và nhà văn Nguyễn Quang Hà có dịp được anh Võ Văn Dự, bấy giờ là Hạt trưởng Kiểm lâm Phú Lộc mời đi đò dạo chơi trên đầm Cầu Hai. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc bắt đầu chuyến đi khám phá Cầu Hai. Đêm tối, đầm Cầu Hai mênh mông và huyền ảo với bao ánh đèn xa gần thấp thoáng xung quanh. Ghé thăm các trộ sáo trên đầm và đặt mua cá kình để nấu cháo, người gặp nhau trong đêm không nhìn rõ mặt chỉ nghe giọng nói vang xa. Thế rồi, những con cá kình tươi rói, nhảy lóc bóc.. và nồi cháo cá kình nóng hổi được nấu ngay trên mạn đò chòng chành sóng nước.

Cá kình mỏng tang với bộ ruột có vị đăng đắng. Cháo cá kình là thứ thuốc ngủ kỳ diệu. Hàng chục năm rồi đã trôi qua vẫn không quên cái cảm giác thật đặc biệt của tô cháo cá kình đó, cho dù buổi tối hôm ấy ham chơi tôi đã không ngủ được. Không chỉ có cá kình, đầm Cầu Hai còn có tôm đất, cua gạch, cá đối… Cua gạch nổi tiếng là món ăn xưa dành “tiến vua”, còn cũng như cá kình, thêm một món ăn nổi tiếng của đầm Cầu Hai là cá đối qua câu “Bán ruộng đầu cầu, ăn đầu cá đối” với ngụ ý so sánh hai việc phải nên làm: ruộng đầu cầu nhiều đá, đất xấu nên bán đi cũng như đầu cá đối mềm ngon ngọt, người sành điệu phải biết thưởng thức. Không còn nghi ngờ, cá tôm là đặc sản của du lịch ven đầm Cầu Hai.

Đi dọc theo con lộ 49 từ trên này Diêm Trường - Phụng Chánh, qua cầu Tư Hiền, rồi vòng lên Tân An, Phước Tượng, ngược lên Đá Bạc, Mũi Né, nhìn ra phía đầm Cầu Hai vẫn thấy mênh mông một màu sóng nước. Ngót nghét cũng đã hơn 7 năm kể từ ngày Cầu Hai có Vedana Lagoon và cũng đã nhiều năm rồi trôi qua kể từ khi dự án du lịch kia hình thành. Đáng tiếc, từ chuyển động ấy cho đến nay, đầm Cầu Hai vẫn yên lặng, chưa có thêm những bổ sung và chưa tạo dựng được một thương hiệu du lịch đúng nghĩa. Kho báu du lịch vùng đầm Cầu Hai, do thế vẫn đang chờ có thêm sự đánh thức…

Bài, ảnh: ĐÌNH NAM 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia

Ghi nhận khảo sát trong thời gian gần đây cho thấy, du khách Ấn Độ đang có nhu cầu du lịch ngày càng cao. Điều này thể hiện rõ khi nhiều người rất háo hức trải nghiệm du thuyền Disney Adventure của Disney Cruise Line, lần đầu tiên có mặt tại châu Á tại Singapore và mong muốn tàu khởi hành sớm hơn so với dự kiến vào tháng 12/2025. Thậm chí, một số gia đình đã lên kế hoạch du lịch đến những nước châu Á khác như Nhật Bản trong thời gian chờ đợi tàu khởi hành.

Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

TIN MỚI

Return to top