Nhiều điểm du lịch cộng đồng ở Huế thu hút khách, nhưng chưa nhiều
Mạnh ai nấy làm
Trên trang facebook cá nhân của ông Hồ Xuân Đài (phường Thủy Biều, TP. Huế) ngày nào cũng chia sẻ hình ảnh phục vụ khách. Có những hôm ông đưa lên 2-3 trạng thái, có nghĩa là nhà vườn đón chừng đó đoàn khách du lịch. Khách chủ yếu là quốc tế, với số lượng mỗi đoàn dao động từ 2 - 10 khách.
Gặp ông Đài, đùa rằng DLCĐ tại nhà vườn Hồ Xuân Đài đang “làm ăn” được quá... Ông cười, đúng là sau khi du lịch trở lại bình thường, lượng khách đến rất tốt, nhờ thế mà gia đình ông cũng đang “sống tốt” với nghề phục vụ du lịch. Nhưng ông lại trăn trở, du lịch như ông hiện tại không thể gọi là DLCĐ. Nếu là DLCĐ phải là một cụm các hộ dân trong làng cùng làm, mỗi gia đình là một dịch vụ khác nhau để bổ sung cho nhau. Đằng này chỉ mình nhà ông Đài là có phục vụ khách, còn lại các nhà khác không đón được khách.
“Tôi đã vào Hội An học hỏi một số mô hình DLCĐ. Tôi thấy DLCĐ ở đó được duy trì và đạt hiệu quả. Lý do là có sự dẫn dắt, vai trò điều phối của Nhà nước. Như ở làng rau Trà Quế, họ tạo thành một cộng đồng dựa trên lợi ích như nhau. Khi khách đến làng rau, lần lượt vào sử dụng dịch vụ tại các thành viên theo phương án xoay vòng. Khách đến chỉ trải nghiệm, còn rau khi thu hoạch vẫn được tiêu thụ ở các chợ. Như thế, họ có hai nguồn thu nhập. Nhưng Thủy Biều, thật buồn khi “mạnh ai nấy làm”, cạnh tranh nhau. Các hộ triển khai dịch vụ quá giống nhau. Vì vậy, cơ sở nào có dịch vụ tốt, biết kết nối với doanh nghiệp lữ hành mới duy trì nguồn khách”, ông Hồ Xuân Đài thẳng thắn.
Ông Hồ Xuân Đài chia sẻ lợi ích ngâm chân bằng thảo dược đến với du khách
Ông Trần Quang Hào, Chủ tịch Chi hội Du lịch Cộng đồng tỉnh đánh giá, riêng với Thủy Biều, tiềm năng để phát triển mô hình DLCĐ được đề cập nhiều, nhu cầu của khách cũng có rất nhiều. Nhưng quá trình phát triển đang cho thấy những hạn chế. Hạ tầng cơ sở từ đường bộ đến đường sông chưa thuận lợi, mùa mưa đường làng bị ngập. Điện đường chưa được đầu tư đầy đủ, nhiều khu vực còn quá tối vào ban đêm. Các bảng biển hướng dẫn, quảng cáo thiếu sự quan tâm bảo vệ…
Lãnh đạo Sở Du lịch cũng đánh giá rằng, nhiều điểm DLCĐ trong cả tỉnh hiện chưa thu hút được khách. Nhiều điểm chất lượng dịch vụ chưa tốt, tính hấp dẫn chưa được cao. Các điểm đến DLCĐ như là bản sao của nhau, chưa mang nét đặc trưng riêng. Thiếu đi mô hình quản lý và hoạt động đảm bảo các tiêu chí lợi ích đồng đều của DLCĐ.
Cần giải pháp mới
DLCĐ được xác định là một trong những loại hình nằm trong xu hướng lựa chọn của du khách khi du lịch trở lại bình thường. Với DLCĐ, người dân vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm, giúp phát triển kinh tế địa phương bền vững, tạo sinh kế của người dân và bảo tồn văn hóa bản địa. DLCĐ còn giúp tăng tính đa dạng cho du lịch Cố đô. Vì vậy, tạo ra các dịch vụ chất lượng, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước là điều cần phải làm.
Ông Trần Quang Hào thông tin, từ những yêu cầu mới của thị trường du lịch, Chi hội đang phối hợp với các chuyên gia du lịch tiến hành khảo sát, đánh giá toàn bộ các điểm DLCĐ trong toàn tỉnh. Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, cách làm và phương án triển khai đang là hạn chế lớn nhất của các điểm DLCĐ. Do đó, khâu đầu tiên phải tập trung là quy hoạch tổng thể, tìm mô hình và thống nhất có sự cam kết của các bên khi được xác định tham gia vào DLCĐ.
Trong chuyến kiểm tra DLCĐ ở một số điểm trên địa bàn tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã yêu cầu ngành du lịch, các địa phương cần tập trung rà soát quy hoạch chi tiết, quy hoạch quỹ đất để xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng các sản phẩm DLCĐ đặc thù, phát triển sản phẩm theo chuỗi, có thương hiệu. Ngoài ra, yêu cầu chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho DLCĐ dựa trên việc mở rộng các loại hình đào tạo, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng về du lịch, kỹ năng nghiệp vụ, thái độ phục vụ khách du lịch, giao tiếp ngoại ngữ.
Sở Du lịch cho biết, từ 2018 UBND tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ DLCĐ, mỗi năm chọn 1-2 điểm đến để hỗ trợ hạ tầng, xây dựng sản phẩm cụ thể, hình thành các homestay. Đã có nhiều điểm DLCĐ mới được hình thành, như ở thượng nguồn Ô Lâu, Hương Thủy, TP. Huế… Một nguồn lực khác được ngành du lịch tận dụng tốt hơn nữa là sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, các dự án. Như vừa qua, Viện Phát triển du lịch châu Á - ATI, Hội DLCĐ Việt Nam - VCTC đồng hành cùng dự án VFBC do Tổ chức Helvetas của Thụy Sĩ triển khai hỗ trợ du lịch cộng đồng ở thôn Dỗi, Thượng Lộ, Nam Đông. Đây là điểm đến được định hướng, nhiều giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa phát triển.
Bái, ảnh: ĐỨC QUANG