Đi thuyền ngắm cảnh thiên nhiên là trải nghiệm thú vị của du lịch cộng đồng ở Lộc Bình
Mỗi khách phải đóng 10 USD
Dự án “Sáng kiến và Phát triển địa phương thích ứng biến đổi khí hậu” tại xã Lộc Bình, thường được gọi là dự án du lịch cộng đồng được Chính phủ Luxembourg tài trợ với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, địa phương đối ứng bằng hỗ trợ mặt bằng, một số cơ sở vật chất có sẵn và doanh nghiệp (DN) Huế Của Ta đầu tư các dịch vụ du lịch với tổng mức khoảng 2 tỷ đồng. Dự án được triển khai vào tháng 3/2016 và theo kế hoạch, đến tháng 11/2017 sẽ đưa vào hoạt động chính thức.
Dự án triển khai tại hai thôn Hòa An và Mai Gia Phường của xã Lộc Bình, được người dân rất kỳ vọng sẽ tăng thu nhập khi tham gia làm du lịch. Đó là lý do mà có đến 15 hộ dân mạnh dạn đăng ký tham gia dự án, dù trước đó theo đề xuất của các bên chỉ có 6 hộ.
Có mặt tại khu vực xây dựng các công trình, cơ sở vật chất để phục vụ khách du lịch, chúng tôi thấy vẫn chưa có gì, dù chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là hoàn thành dự án. Thắc mắc sao đến thời điểm này mà các công trình vẫn chưa được xây dựng, đại diện DN Huế Của Ta cho biết, có quá nhiều vướng mắc phát sinh khi triển khai khiến DN không dám đầu tư với số vốn lớn như dự kiến ban đầu.
Ông Nguyễn Đình Ân, Giám đốc DN Huế Của Ta lý giải, khi DN bắt đầu lên kế hoạch quảng bá thu hút khách và đưa khách về thì mới biết, Lộc Bình là khu vực biên giới ven biển, địa giới hành chính do Quốc phòng quản lý. Theo quy định của “bên quốc phòng”, mỗi khách muốn đến lưu trú ở Lộc Bình phải đóng 10 USD. Chưa kể đến tiền thuế và các chi phí dịch vụ khác. Với giá dịch vụ homestay hiện nay, dao động khoảng 80 – 120 ngàn đồng/ người/đêm, bây giờ, khách chưa ở mà đã đóng phí gấp đôi thì rõ ràng DN phải chịu lỗ. Đối với du lịch cộng đồng, chỉ ngủ homestay thì rất khó tăng giá tour, mà có tăng giá thì chắc chắn khách cũng sẽ không lựa chọn nữa.
Vướng mắc này được các bên liên quan đưa ra bàn luận, giải pháp là sẽ hỗ trợ cho cho DN một năm không thu phí lưu trú. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Ân cho rằng, cần một giải pháp và thời gian hỗ trợ dài hơn. Thời gian bắt đầu miễn thu phí là từ tháng 3/2017 - 3/2018, nhưng đến tháng 11/2017 du lịch cộng đồng Lộc Bình mới chính thức hoạt động. Như thế chỉ có hơn 4 tháng để DN kinh doanh, với thời gian này không thể thu hồi vốn.
Nguy cơ “chưa đánh đã thua”
Một vướng mắc nữa được DN cho biết, việc xây dựng các chòi ngắm cảnh cho khách được xem là một trong điểm nhấn chính để thu hút khách về Lộc Bình. Theo thống nhất ban đầu là được xây dựng điểm ngắm cảnh ở gần khu vực Gành Lăng. Mới đây, điểm ngắm cảnh này phải dời đến vị trí khác, cách đó 200m. Với điểm mới này sẽ không có “view” ngắm cảnh bình minh hay hoàng hôn đẹp trên đầm phá. Lý giải về sự thay đổi vị trí, ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc cho hay, điểm xây dựng ban đầu nằm trong Khu Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản. Theo quy định không được xây dựng bất kỳ công trình nào trên khu vực. Do đó, bắt buộc phải dời điểm ngắm cảnh ra khu vực khác.
Đai diện của Huế Của Ta cho rằng, hiện tại DN đang nằm trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Sau một năm được hỗ trợ miễn đóng phí lưu trú, những năm sau liệu còn có được hỗ trợ nữa. Mà để được hỗ trợ mỗi lần như thế DN phải lập hồ sơ, nhiều công đoạn giấy tờ khác mới có thể xin được. Trong khi đó, DN đã đầu tư một số hạng mục tại dự án thì không thể ngưng đầu tư được nữa. “DN vẫn sẽ tiếp tục đầu tư nhưng thực tế không thể mạo hiểm. DN sẽ tính toán một phương án phù hợp hơn, quy mô nhỏ lại và khó có thể tính toán phương án phát triển quy mô hơn trong tương lai”, ông Nguyễn Đình Ân khẳng định.
Phía DN cũng cho biết, đáng lẽ khi lên kế hoạch cho dự án, các cơ quan chức năng phải quy hoạch trước, nghiên cứu các quy định và thông tin cho DN biết ngay từ lúc ban đầu kêu gọi đầu tư dự án. Do không biết các quy định này, giờ mới là những vướng mắc và dẫn đến các bên khó tìm được tiếng nói chung.
Ông Phạm Hữu Chung cho hay, DN Huế Của Ta cần làm các văn bản kiến nghị để gửi UBND huyện Phú Lộc và UBND tỉnh để cùng nhau tìm giải pháp gỡ khó tiếp theo. “Nói miệng” với nhau rất khó để tìm cách giải quyết hiệu quả. Riêng các vướng mắc mà DN đề cập, có cơ chế hỗ trợ lâu dài hay không thì vượt thẩm quyền của cấp huyện mà thuộc quyền quyết định của cấp tỉnh.
Dự án du lịch cộng đồng ở Lộc Bình rất được kỳ vọng giúp người dân có sinh kế ổn định và bền vững. Tuy nhiên, các vướng mắc và một số vấn đề chưa được đồng thuận giữa các bên liên quan đang khiến dự án đứng trước nguy cơ “chưa đánh đã thua”.
ĐỨC QUANG