ClockThứ Năm, 08/03/2018 14:00

Đưa kinh doanh du lịch vào khuôn khổ

TTH - Luật Du lịch năm 2017 (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2018. Theo đó, nhiều điều khoản mới được đánh giá sẽ kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh du lịch hiện nay.

Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Du lịchLuật Du lịch sửa đổi: Lấy khách du lịch làm trung tâm, bảo vệ quyền lợi của khách

Du khách trải nghiệm ẩm thực Huế

Kiểm soát chặt hoạt động lữ hành

Trong các quy định mới của Luật Du lịch 2017, có nhiều thay đổi nhất là ở hoạt động lữ hành, lĩnh vực kinh doanh được cho là quan trọng nhất của ngành du lịch. Trước tiên là thay đổi về điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa. Trước đây, doanh nghiệp (DN) chỉ cần đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch và Đầu tư là đã có thể kinh doanh, không phải ký quỹ đặt cọc, không bắt buộc phải báo cáo về hoạt động kinh doanh. Quy định mới, bắt buộc lữ hành nội địa phải báo cáo hoạt động và nhất là phải ký quỹ để đảm bảo đền bù cho khách nếu DN vi phạm pháp luật.

Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch nhận định, lữ hành nội địa hiện nay quá nhiều, với quy định trước thì rất khó để quản lý, chủ yếu ở khâu hậu kiểm. Hoạt động lữ hành “chui” đối với khách quốc tế cũng xuất phát từ lữ hành nội địa. Việc “rắc” lại trước tiên sẽ đảm bảo sự công bằng giữa các DN lữ hành. Các đơn vị chức năng cũng sẽ dễ quản lý, bảo đảm an toàn hơn cho du khách. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho biết, với việc ký quỹ sẽ kiểm soát được những DN thiếu năng lực tài chính; từ đó, cũng sẽ hạn chế việc kinh doanh thiếu lành mạnh, hạ giá các dịch vụ để kéo khách về với DN của mình.

Trong khi Luật Du lịch 2017 “rắc” kinh doanh lữ hành nội địa thì lại đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ đối với lữ hành quốc tế. Theo đó, DN thay vì phải nộp hồ sơ đề nghị qua Sở Du lịch, cấp sở thẩm định rồi gửi đến Tổng cục Du lịch cấp phép, thì nay DN chỉ cần gửi trực tiếp đến Tổng cục Du lịch, không cần thông qua Sở Du lịch.

Một quy định khác được cho sẽ nâng cao hiệu quả của hoạt động lữ hành. Đó là đối với chức vụ giám đốc điều hành về kinh doanh lữ hành của DN bắt buộc phải có bằng cấp chuyên môn. Trước đây, giám đốc điều hành chỉ cần có kinh nghiệm từ 3-5 năm trong nghề là có thể giữ vị trí. Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch khẳng định, giám đốc điều hành có chuyên môn, nghiệp vụ tốt sẽ giúp kinh doanh hiệu quả, nắm những quy định tốt hơn so với một người “tay ngang”, tránh việc kinh doanh thiếu điều kiện.

Tuy vậy, vẫn còn có một số ý kiến trái chiều về Luật Du lịch 2017. Đó là điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên (HDV) du lịch được quy định chặt chẽ hơn. HDV muốn hành nghề cần đáp ứng một trong ba điều kiện: có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành; hoặc là có hợp đồng với lao động với DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch; hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Theo các nhà quản lý, quy định này cũng góp phần ngăn ngừa việc HDV “chui” trong thực tiễn, nâng cao chất lượng hướng dẫn. Nhưng nhiều HDV lại cho quy định sẽ làm khó họ.

Thêm thời gian

Ngoài lữ hành, một số quy định ở các lĩnh vực khác cũng được đánh giá sẽ giúp việc kinh doanh của DN thuận lợi hơn và cũng giúp cơ quan chức năng dễ quản lý hơn. Việc xếp hạng cơ sở lưu trú được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thẩm định. Theo phân cấp, Tổng cục Du lịch sẽ thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao và hạng 5 sao; cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch từ hạng 1 sao đến 3 sao.

Lãnh đạo Sở Du lịch đánh giá, quy định này lấy chất lượng dịch vụ làm tiêu chí hàng đầu, do đó DN sẽ được công nhận sao theo đúng chất lượng. Mặt khác, tưởng chừng khi DN đăng ký tự nguyện sẽ “bỏ ngỏ” việc quản lý, nhưng ngược lại việc quản lý sẽ đơn giản hơn. Chỉ các cơ sở đã được thẩm định mới được gắn hạng sao, còn chưa thẩm định mà gắn sao là sai quy định. Từ hồ sơ lưu trữ và soi chiếu thực tế, cơ quan quản lý dễ dàng phát hiện cơ sở đang gắn sao sai.

Theo ông Lê Ngọc Sanh, một số Nghị định và Thông tư hướng dẫn triển khai luật vẫn đang được ban hành. Khi có đầy đủ các văn bản hướng dẫn, ngành sẽ tiến hành tập huấn, triển khai đến các DN, các thành phần liên quan. Để luật thực sự triển khai sâu rộng ít nhất phải mất 6 tháng. Khi ngành đã tập huấn, triển khai Luật, nếu DN không thực thi sẽ tiến hành kiểm tra nhắc nhở. Sau đó, DN nào vẫn cố tình không thực hiện thì có chế tài xử phạt theo Luật định.

Ông Lê Ngọc Sanh cho hay, về điều kiện mới để công nhận khu du lịch quốc gia sẽ làm khó không chỉ Huế và nhiều địa phương khác. Cụ thể, khu du lịch phải có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đón tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; trong đó, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đón tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm. Với lượng khách lớn như thế, quả khó để đạt, nhất là về tiêu chí khách lưu trú.

“Điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của HDV du lịch quốc tế được điều chỉnh từ trình độ cử nhân đại hội thành trình độ cao đẳng để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của khách du lịch, của người lao động và yêu cầu của công tác quản lý. Việc quy định điều kiện cấp thẻ HDV quốc tế với trình độ cao đẳng sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu HDV du lịch, đặc biệt với một số ngôn ngữ hiếm”, ông Trần Đình Minh Đức chia sẻ.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh

Với lợi thế cách Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khoảng 40km, đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, có QL1A và đường sắt Bắc- Nam đi qua, đặc biệt có Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài và Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài nên Hương Thủy hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giao lưu thương mại với các vùng, miền trong nước cũng như quốc tế.

Phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

TIN MỚI

Return to top