Huế là điểm đến nổi bật với cảnh quan thiên nhiên đẹp
Định hướng mới
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa làm việc với ngành du lịch Huế để triển khai quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Quy hoạch mới này có nhiều điểm mới, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng, có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh; cơ cấu lại ngành du lịch, định hướng về không gian, định hướng và giải pháp phát triển.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, trong quá trình phát triển, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Huế còn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập. Mặc dù rất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Các vùng, các địa phương chưa kết nối tốt và vẫn còn những cạnh tranh, thay vì hỗ trợ nhau phát triển. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch cần thiết phải được định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với nhu cầu phát triển của một giai đoạn mới. Đồng thời, làm cơ sở cho các định hướng phát triển du lịch tại các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để các địa phương có “kim chỉ nam” cho việc hoạch định, quản lý du lịch.
Tại buổi làm việc với du lịch Huế, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, quy hoạch nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Khai thác tốt khách quốc tế, đồng thời với khai thác có hiệu quả du lịch nội địa. Phát huy tiềm năng, lợi thế, gắn với không gian biển, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc; gắn kết chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực; nâng cao hiệu quả liên kết giữa các vùng, địa phương và với quốc tế. Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Phát triển du lịch bền vững, sáng tạo; ứng phó linh hoạt và hiệu quả với rủi ro thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Văn hóa di sản là thế mạnh của du lịch Huế, là 1 trong 4 sản phẩm trụ cột của quy hoạch du lịch quốc gia
Đại diện đơn vị phối hợp lập quy hoạch thông tin, với quy hoạch mới, sẽ chia làm 6 khu vực động lực phát triển, gồm có vùng trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam bộ; đồng bằng sông Cửu Long. Quy hoạch đề xuất du lịch; 3 hành lang du lịch; phát triển du lịch không gian biển theo 4 vùng; 71 địa bàn phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Về sản phẩm du lịch, quy hoạch xác định 4 dòng sản phẩm chủ đạo trên cơ sở khai thác thế mạnh, tạo thành thương hiệu quốc gia, gồm: du lịch biển, đảo (nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch tàu biển, phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp; từng bước phát triển ra các vùng biển, đảo xa); du lịch văn hóa (di sản, lễ hội, tham quan, tìm hiểu văn hóa, lối sống, ẩm thực…, đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên công nghiệp văn hóa); du lịch sinh thái (phát huy giá trị nổi bật của vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng ngập mặn, miệt vườn, hang động, sông hồ… gắn kết với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ cao cấp, sinh thái nông nghiệp…); du lịch đô thị (văn hóa, lối sống, sự kiện, mua sắm, công viên chuyên đề… chú trọng phát triển kinh tế ban đêm).
Tránh xung đột
Ông Nguyên Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, theo quy hoạch mục tiêu đến năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn; trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển cao. Đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu. Tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định vai trò động lực kinh tế của du lịch Việt Nam; trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quy hoạch này trùng với thời gian triển khai của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, các định hướng cơ bản phù hợp và Huế đang có lợi thế. Trong quy hoạch mới cũng định hướng khu vực Huế ở khu vực Bắc Trung bộ, các sản phẩm cơ bản Huế đang có thế mạnh, vì vậy, du lịch của Huế sẽ chủ động gắn với quy hoạch du lịch mới của quốc gia.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng cũng yêu cầu cần xác định khu vực động lực trong quy hoạch, quan tâm phát triển các khu du lịch quốc gia để tạo thành động lực, đòn bẩy kinh tế du lịch ở địa phương. Làm rõ nội hàm của các dòng sản phẩm chủ đạo, không gian du lịch, từ đó thấy được sự đa dạng, đặc biệt là sự gắn kết giữa các vùng, miền trong phát triển, liên kết du lịch và phù hợp với các quy hoạch khác; sản phẩm du lịch có tính bổ sung cho nhau tránh cạnh tranh, vai trò liên kết trong phát triển du lịch.
Quy hoạch đánh dấu một chặng đường phát triển mới, dựa trên những nền tảng sẵn có. Theo các chuyên gia, với quy hoạch, định hướng phát triển trong giai đoạn mới này, phải đặt trong quy hoạch chuỗi, gắn Huế với các tỉnh trong khu vực, dựa trên những thế mạnh để bổ sung, tránh cạnh tranh. Với du lịch Huế, trong giai đoạn trước mắt cần xác định cạnh tranh dựa trên lợi thế so sánh.
Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành phân tích, nói để tránh cạnh tranh điểm đến là rất khó, chỉ mang tính tương đối. Ngay cả trong một hội nghề nghiệp, một cộng đồng dân cư, một địa phương cũng có những cạnh tranh. Cạnh tranh cũng là động lực cho phát triển, quan trọng là cạnh tranh lành mạnh, bằng sản phẩm có chất lượng, chứ không phải bằng giá và hạ thấp chất lượng. Trong xây dựng sản phẩm, các địa phương cần có những cái “bắt tay” và cam kết để các sản phẩm hạn chế tối đa cạnh tranh. Mỗi điểm đến tập trung 1-2 sản phẩm cốt lõi và tập trung tối đa, các sản phẩm khác vẫn hình thành, nhưng chỉ mang tính bổ sung. Các địa phương, doanh nghiệp cần chia sẻ mới có thể hạn chế được sự cạnh tranh.
PGS.TS. Bùi Thị Tám, nguyên Hiệu trưởng Trường Du lịch, Đại học Huế góp ý, quy hoạch du lịch chịu tác động trực tiếp từ những thay đổi có tính chiến lược chung của tỉnh, tự và phương pháp xây dựng quy hoạch du lịch của tỉnh cần gắn với quốc gia. Khi triển khai xây dựng quy hoạch du lịch cần gắn quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị Huế phù hợp với tình hình mới. Hơn nữa, trong điều kiện còn nhiều hạn chế về nguồn lực đầu tư, vấn đề quan trọng là phải sử dụng các nguồn lực hiện có một cách khôn ngoan, tránh tư duy rập khuôn, máy móc.
Một thực tế được chỉ ra là sự năng động của du lịch Huế. Lấy ví dụ như quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương được Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2018, đây cũng là nơi được định hướng khu vực động lực cho Huế và khu vực trong quy hoạch du lịch mới của quốc gia. Nhưng đã bốn năm trôi qua, “hình hài” của khu du lịch quốc gia chưa được định hình. Mục tiêu đến năm 2025, trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của tỉnh và khu vực miền Trung, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là khu du lịch quốc gia là rất khó.
Bài, ảnh: Đức Quang