Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi làm việc chiều 28/4
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, chiều 28/4, diễn ra buổi làm việc nhằm bàn giải pháp kích cầu du lịch Huế trong thời gian đến.
Tập trung vào khách nội địa
Theo báo cáo của Sở Du lịch, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 4 tháng đầu năm 2020, lượng khách đến Huế ước đạt 940 nghìn lượt, giảm 60% so với cùng kỳ. Khách lưu trú ước đạt 426 nghìn lượt, giảm 44,95%. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 2.079 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ. Tổng thiệt hại về doanh thu từ du lịch 4 tháng đầu năm 2020 ước khoảng 2.250 tỷ đồng.
Trước tình hình dịch bệnh kéo dài thời gian qua và đang được kiểm dần trong nước, việc kích thích khách trở lại Huế là vấn đề cấp bách được đề ra. Bởi nếu tình trạng “đóng băng” kéo dài thêm một thời gian nữa, các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản ngày càng tăng.
Theo đó, để chủ động thu hút khách trong thời gian tới, ngoài việc triển khai đảm bảo điểm đến an toàn, ngành du lịch cho biết sẽ tổ chức hội nghị lữ hành toàn quốc trong tháng 5/2020 hoặc đầu tháng 6/2020 để kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch; công bố các gói kích cầu của tỉnh tại hội nghị này, đồng thời giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới của địa phương… Tổ chức các lễ hội, sự kiện để thu hút du khách. Tập trung vào Festival Huế 2020; lễ hội Huế - Kinh đô ẩm thực; lễ hội Huế - Kinh đô Áo dài; Vnexpress Marathon Huế 2020 và một số lễ hội khác, như lễ hội Lân quốc tế Huế; lễ hội Diều Huế, lễ hội Sen Huế…
Trong các giải pháp được đưa ra, công tác xúc tiến quảng bá được xác định quan trọng hàng đầu với thông điệp “Huế - điểm đến an toàn và thân thiện”, thông qua truyền thông, báo chí, các ứng dụng du lịch thông minh. Chú trọng quảng bá có hiệu quả qua các kênh của mạng xã hội, các fanpage… Tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip, blogger, người nổi tiếng đến Huế du lịch, quay clip quảng bá, khẳng định Huế thật sự đã trở lại vị trí là điểm đến an toàn, tin cậy hàng đầu trong khu vực.
Tặng hoa và quà cho khách đến Huế nhưng không may phải cách ly do tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID-19
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, cần phải xác định được mục đích và đối tượng kích cầu là ai, thời gian kích cầu trong bao lâu. “Theo tôi, đối tượng chính cần được xác định là khách nội địa, cụ thể là khách công vụ, khách doanh nghiệp. Về thị trường khách quốc tế, trước diễn biến mới của dịch bệnh như hiện nay, sẽ rất khó để khách truyền thống ở châu Âu, Bắc Mỹ đến Huế trong năm 2020. Trước mắt có thể kích cầu khách Nam Á, Tây Á, duy trì khách Bắc Á và Đông Nam Á”, ông Đinh Mạnh Thắng nhận định.
Ông Lê Hữu Minh, Q. Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, trong gói kích cầu, ngành du lịch Huế sẽ tập trung hoàn toàn vào khách nội địa từ nay đến cuối năm 2020. Về sản phẩm, ngoài di sản, ngành sẽ tập trung khai thác mạnh du lịch hội nghị, hội thảo, cộng đồng, sinh thái để khai thác dòng khách lẻ, đi theo nhóm gia đình.
Gói kích cầu phải đủ “mạnh”
Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh thông tin, hiện nay, các hãng hàng không đã có chính sách kích thích hành khách cho đến giữa năm 2021 bằng hình thức mua vé nguyên năm với mức giá rất thấp. Do đó, khả năng khách cá nhân sẽ di chuyển nhiều trong thời gian đến. Huế cần có chiến lược khai thác đường bay tốt, để tận dụng kích thích dòng khách nội địa từ các hãng bay.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cho rằng, để thu hút khách, Huế cần có gói kích cầu mạnh hơn so với đề xuất của ngành du lịch, nhất là với vé tham quan di tích (ngành du lịch đề xuất giảm giá vé di tích 30%, hoặc mua 3 vé tặng 1 vé). Bởi di tích là điểm hút quan trọng cho Huế. Trong giai đoạn này, thu hút khách trở lại được xác định quan trọng hơn là doanh thu.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm phục hồi, nên các giải pháp phải đồng bộ, đã mang tính hỗ trợ thì đừng nhỏ giọt mà phải “đến nơi đến chốn”. Trong thời gian đến, du lịch phải có một sự kích cầu đủ “mạnh”, xứng đáng, có tiếng vang để xây dựng hình ảnh du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thống nhất phương án sẽ giảm 50% giá vé tham quan các điểm di tích từ tháng 6 đến cuối tháng 8/2020, thời điểm diễn ra Festival Huế. Sau thời gian đó, sẽ tính toán lại cho phù hợp. Nếu khách đến Huế chưa ổn định có thể duy trì gói kích cầu mạnh đó đến cuối năm 2020. Trong thời gian đến, chính sách này sẽ được trình Thường trực HĐND tỉnh xin ý kiến thông qua.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu ngành du lịch và các ngành liên quan sớm triển khai sâu rộng các tiêu chí an toàn. Đẩy mạnh du lịch thông minh, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt; trong đó, tăng cường tập trung triển khai đăng ký lưu trú qua phần mềm HueS.
Về phía Hiệp hội Du lịch cam kết, cùng với chính sách giảm giá sâu của di tích, phía các doanh nghiệp lưu trú sẽ triển khai chương trình ngủ 3 đêm tính tiền 2 đêm. Nếu khách ở 2 đêm sẽ có chính sách riêng, nhưng sẽ hấp dẫn tương ứng để tạo ra một gói kích cầu hấp dẫn nhất có thể.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông báo, sẽ mở cửa lại Đại Nội vào ngày 30/4 thay vì ngày 5/5 như dự kiến trước đó. Đồng thời, trong tuần đầu tiên mở cửa trở lại, Đại Nội sẽ miễn phí cho khách nội địa, để đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân và du khách trong dịp lễ 30/4 và 1/5.
Bài, ảnh: Đức Quang