ClockThứ Ba, 28/02/2017 08:52

Huế chưa đủ sáng về đêm

TTH - Là thành phố du lịch, song Huế về đêm thật tối và buồn. Các trục đường chính của trung tâm thành phố đèn điện chiếu sáng yếu ớt khiến cho tâm lý người đi đường, nhất là khách du lịch e ngại dạo bộ.

Trước cửa Ngọ Môn, một công viên thoáng đãng và đẹp, là nơi lý tưởng cho người dân Huế cũng như du khách đến đây tản bộ dạo chơi, ngắm sông Hương, kinh thành Huế và chụp ảnh lúc về đêm, song nhiều năm qua, hệ thống đèn chiếu sáng nơi này chưa đáp ứng được như mong đợi của bao người. Hệ thống đèn điện thưa thớt, ánh sáng thì yếu ớt, điện cao áp tại cửa Ngọ Môn khi bật khi tắt khiến cho khu vực này yên ắng và buồn thiu.

Du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Phụng nói: “Đi đến đâu về đêm mà thiếu ánh đèn là người ta có cảm giác sợ. Tôi đến Huế lần đầu, thành phố yên bình, tĩnh lặng rất đẹp và thơ mộng, muốn dạo chơi ở kinh thành Huế về đêm nhưng hơi ngại do hệ thống chiếu sáng còn tối quá. Huế cần phải sáng đèn về đêm nhiều hơn nữa để thu hút du khách đến đây dạo chơi, nếu vẫn còn tình trạng thiếu ánh sáng về đêm như thế này thì Huế khó mà thu hút được du khách vì đa phần người ta sợ bóng tối”.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh, du khách đến từ Hà Nội cho rằng: “Đi rất nhiều nước trên thế giới và rất nhiều địa phương du lịch trong nước, đến bất cứ đâu, chúng tôi thích đi dạo phố đêm, bởi đêm về thành phố mới yên bình và lung linh nhờ ánh hào quang của đèn điện. Chẳng hạn như thành phố Las Vegas (Mỹ) hầu như không có đêm vì đêm về cả thành phố đều rực sáng ánh đèn khiến du khách rất thích thú và ưa dạo chơi. Hoặc ngay gần Huế thôi, Đà Nẵng, Hội An người ta rất quan tâm về đèn chiếu sáng. Đêm về cả Đà Nẵng, Hội An thật sự lung linh với ánh đèn điện sáng chói. Điều này, không chỉ giúp kích thích cho du khách thích đi dạo chơi ngắm phố phường mà còn giúp người ta cảm giác an toàn hơn”.

Nhiều người Huế nói với tôi: “Đèn điện thành phố chưa đủ sáng, đặc biệt là ở những nơi công cộng. Hơn nữa, nếp sống của người Huế hơi trầm lắng, về đêm người ta thường tắt điện sớm để đi ngủ. Vì thế, Huế về đêm càng tối hơn. Điều này đã phản ánh du lịch Huế về đêm còn nghèo nàn, chưa thật sự hấp dẫn du khách. Là một thành phố du lịch, khi các nhà quản lý biết khai thác thế mạnh về đêm của một thành phố với ánh đèn điện lung linh, các dãy phố sáng đèn đón khách, các dịch vụ giải trí về đêm phát triển thì sẽ khắc phục được tình trạng Huế về đêm thiếu ánh sáng”.

Chuyện Huế thiếu ánh sáng về đêm cũng đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Tôi nhớ vào giữa tháng 8/2016, khi UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để bàn về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh 2016 – 2020, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã chỉ đạo: “Huế về đêm rất thiếu ánh sáng. Tôi đề nghị ngành du lịch cùng với thành phố Huế nghiên cứu việc chiếu sáng về đêm cho thành phố Huế. Chúng ta không nên tiết kiệm, Huế phải sáng đèn lên, lúc đó nội lực mới tăng lên. Đồng thời, xem xét đề xuất nơi nào cho hoạt động sau 12 giờ đêm, rồi kiểm tra lại hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP. Huế”.

Để giúp cho thành phố về đêm sáng đèn, vừa qua, UBND TP. Huế đã có công văn vận động các cơ quan và người dân tổ chức chiếu sáng mặt tiền trụ sở, nhà ở vào các đêm cuối tuần và dịp lễ, tết; làm cho thành phố đẹp và sáng hơn. Tuy nhiên, theo thiển ý cá nhân tôi, đó chỉ là giải pháp tạm thời, bởi việc chiếu sáng cho thành phố cần tập trung ở những nơi công cộng, các công sở nằm trung tâm thành phố và ở các trung tâm thương mại, các trụ đèn điện với hệ thống chiếu sáng mỹ thuật; còn với nhà dân thì ánh điện nhà có hắt ra đường cũng chưa đủ sáng cho một thành phố du lịch...

Gia Hân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

TIN MỚI

Return to top