Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, việc khánh thành và tổ chức đưa vào hoạt động thử nghiệm hệ thống chiếu sáng Kỳ Đài và bắn súng thần công phục chế là điểm nhấn ở khu di sản bên cạnh các hoạt động khác.
Du khách đến Huế qua sân bay Phú Bài. Ảnh: Đức Quang
Ở một phạm vi rộng hơn, thống kê của Sở Du lịch cho thấy, đã có hơn 110.000 lượt khách đến Huế. Tổng khách lưu trú tại Huế đạt con số 60.254 và 51.434 trong số này là khách quốc tế (trên 85%). Ước tính, doanh thu du lịch đạt trên 66,280 tỷ đồng và 166 tỷ đồng là ước tính của doanh thu xã hội từ du lịch.
Bên cạnh điểm nhấn và các hoạt động khác như lễ đổi gác tại Ngọ Môn; múa Lân Sư Rồng tại sân trước điện Thái Hòa; trình diễn thư pháp; trình tấu Đại nhạc tại Thế Miếu, chương trình nghệ thuật “Âm sắc cung đình”, trình diễn võ thuật cổ truyền, trình tấu tiểu nhạc - đại nhạc, các trò chơi cung đình và dân gian… lượng khách đến Khu di sản văn hóa Huế đông còn vì tại đây có 3 ngày mở cửa miễn phí (từ 30 tết đến mùng 2 âm lịch). Số lượt khách vào cửa không phải mua vé đã vào khoảng trên 55.000 lượt (trong đó có 20.077 lượt khách quốc tế). Cập nhật thông tin vào chiều mùng 5 âm lịch, số khách quốc tế mua vé vào khu di sản này cũng gần 27.000 lượt và điều này cần được phát huy.
Tự bản thân những con số đã mang đến những thông tin phấn khởi ngay từ những ngày đầu năm mới Mậu Tuất. Khởi động đã có, và hy vọng đó cũng là một chuyển động tốt trên lĩnh vực du lịch – dịch vụ của năm 2018, với chỉ tiêu cụ thể là thu hút 4 đến 4,2 triệu lượt khách tham quan (tăng 10-12%); trong đó khách lưu trú đạt từ 2,1-2,2 triệu lượt, tăng 15-20% và doanh thu lưu trú vào khoảng 1.630 tỷ đồng (tăng 15%); doanh thu du lịch cũng tăng khoảng 15% với mức thu từ 4.100 đến 4.200 tỷ đồng.
Điều chúng tôi quan tâm ở đây là lượng khách đặt phòng ở các khách sạn 4-5 sao trong kỳ nghỉ tết tại Huế nhích hơn tết Đinh Dậu 5%; công suất bình quân mà Sở Du lịch cung cấp là 90%. Đã có sự thay đổi về tỷ lệ ở loại hình lưu trú khi công suất phòng bình quân ở khách sạn 5 sao là 92,7%; khách sạn 4 sao là 85% và 3 sao chỉ ở mức 55,5%. Việc chọn loại hình nghỉ dưỡng có chất lượng cao hiện đang có xu hướng tăng trưởng, với yêu cầu cao không chỉ đến từ các khách hàng truyền thống như Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á… mà ngay cả với khách hàng trong nước có mức chi tiêu cao.
Có thể thấy vấn đề, hay nói như cách mà người ta thường nói là “điểm rơi” trong dịch vụ lưu trú của Huế là số lượng khách sạn đẳng cấp từ 4-5 sao trở lên chưa nhiều (Thừa Thiên Huế hiện có 13 khách sạn 4 sao và 5 khách sạn 5 sao) với gần 2.500 phòng và mới chỉ gần bằng 1/4 tổng số phòng lưu trú hiện có của tất cả các cơ sở lưu trú.
Trong khi hệ thống các khách sạn từ 3 sao trở xuống đang phải cạnh tranh rất áp lực để thu hút nguồn khách, kể cả giảm giá dịch vụ lưu trú thấp hơn các địa phương bạn và thấp hơn giá chuẩn thì ở các khách sạn cao cấp, điều được chăm chút nhất vẫn là chất lượng dịch vụ. Đó cũng là lý do mà cho dù số lượng phòng lưu trú trong các khách san cao cấp ở Huế không nhiều, nhưng chất lượng doanh thu ở phân khúc này vẫn tốt nhất và ổn định nhất.
Về mặt lâu dài, đây cũng là thị trường có nhiều tiềm năng khi du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đang được quan tâm. Mặt khác, thay vì du lịch đại trà, lấy doanh thu từ số đông, hoạt động du lịch trên thế giới đã có sự thay đổi và chuyển hướng sang du lịch số ít, du lịch có chất lượng để không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cao mà còn bảo vệ, cân bằng hệ sinh thái và môi trường vốn đang bị tác động, thậm chí là biến dạng khi vượt quá ngưỡng chịu đựng.
Ít lại để nhiều hơn chính là một cách đặt vấn đề trong xu hướng này và cần được đặt ra như một tiêu chí cho phát triển để ngành công nghiệp không khói thực sự không có “khói”.
Minh Hà