ClockThứ Năm, 22/06/2017 12:46

Lành mạnh hóa môi trường du lịch

TTH - Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất chuyên ngành du lịch theo hướng chất lượng cao thu hút du khách, cần đảm bảo môi trường, văn minh du lịch, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các điểm du lịch.

Cảnh sát đường thủy kiểm tra về an toàn cho khách khi đi thuyền rồng

Vẫn còn những “con sâu”

Các hộ kinh doanh lưu trú, ăn uống, quán bar ở các khu phố Tây Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu (TP. Huế)... kêu trời khi thời gian gần đây xuất hiện những hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng xấu đến công việc của họ. Đầu tiên là một nhóm đối  tượng phụ nữ làm nghề đổi tiền, bán hàng lưu niệm cho khách nước ngoài. Mỗi khi có khách đến, nhóm 3-4 phụ nữ trà trộn vào đoàn du khách để chèo kéo, ép khách đổi tiền, mua tranh ảnh. Lợi dụng khi chen lấn, những phụ nữ này lừa đảo hoặc ra tay trộm cắp tiền và tài sản của khách.

Chưa hết, hình ảnh những “cò du lịch” khi thấy xe chở khách đến luôn áp sát du khách để mời chào sử dụng dịch vụ lưu trú, đỗ xe; khi bị từ chối đã buông lời thóa mạ, chửi bới, thậm chí đánh đập du khách. Khi đêm đến có một đội ngũ xích lô dù sẵn sàng lừa chở khách đến những dịch vụ nhạy cảm, khi không được đồng ý hoặc bất đồng ngôn ngữ đã xảy ra xích mích, đánh nhau. Cá biệt, trong đêm khuya ở khu phố Tây còn xuất hiện một số đối tượng gạ gẫm khách nước ngoài để bán cần sa và dẫn đi đến những quán trá hình để sử dụng.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch cho biết, thời gian qua, du lịch của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy vậy, tốc độ phát triển vẫn chưa tương xứng như mong muốn. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân môi trường du lịch ở một số nơi chưa tốt; vẫn còn những “con sâu” làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Huế. Nếu như lâu nay tồn tại những hình ảnh xấu chủ yếu bằng các hoạt động chèo kéo, ăn xin, đeo bám du khách thì gần đây đã xuất hiện tình trạng lừa đảo, “sơn tiền”, trộm cắp tài sản của khách du lịch. Một số hãng lữ hành còn sử dụng hướng dẫn viên du lịch theo kiểu đối phó, sai phạm trong bố trí hướng dẫn viên. 

An toàn cho du khách

Tạo môi trường du lịch thông thoáng, an toàn:

Tại buổi làm việc mới đây về phát triển du lịch (ngày 16/6), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu Sở Du lịch tiếp tục hoàn chỉnh đường dây nóng, nghiên cứu để hoàn chỉnh cơ chế xử lý, phân công cụ thể các bộ phận để kịp thời xử lý khi có ý kiến phản ánh của du khách. Về môi trường du lịch, UBND các huyện, thị xã, TP. Huế chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách tại các điểm tập trung đông khách du lịch; Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương liên quan định kỳ hàng tháng tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý tình trạng chèo kéo, đeo bám, nâng ép giá, lừa đảo du khách tại các khu, điểm du lịch.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, để khắc phục những tồn tại như lâu nay, trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng công an cơ sở tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát các khu vực, tuyến đường trung tâm, các điểm du lịch, khu vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm, khu vực công cộng và các khu vực có nguy cơ xảy ra mất an toàn cho du khách nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử phạt các trường hợp vi phạm.

Mới đây, Sở Du lịch đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh những giải pháp như chấn chỉnh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè buôn bán, phối hợp xử lý tình trạng ăn xin, đeo bám, chèo kéo, sơn tiền; phối hợp với chính quyền địa phương xử lý rốt ráo, kịp thời những vi phạm về an ninh trật tự. Tại các điểm du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để du khách nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ người và tài sản...với tinh thần và thái độ phục vụ chuyên nghiệp, tận tình, văn minh, lịch sự, thân thiện trong mắt khách du lịch.

Sở Du lịch cũng đã mở Trung tâm Xúc tiến du lịch và Hỗ trợ du khách tại TP. Huế. Thành lập đường dây nóng do ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra sở với các số 0905165843 và 02343501111 hoạt động 24/24 giờ để du khách kịp thời phản ánh và tìm sự trợ giúp khi có sự cố xảy ra. Sở Du lịch cũng đang xây dựng đề án, tham mưu UBND tỉnh thành lập lực lượng phản ứng nhanh nhằm làm tốt hơn việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của du khách. 

Ngoài sự vào cuộc của ngành du lịch, lực lượng công an, chính quyền địa phương phải coi việc giữ gìn môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; phải chịu trách nhiệm chính trong công tác đảm bảo tình hình ANTT du lịch trên địa bàn quản lý. Có như vậy, du lịch mới phát triển theo hướng bền vững, gắn với gìn giữ và bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Cần lực lượng đảm bảo ANTT cho du khách

Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch DMZ (TP. Huế) nêu quan điểm, du lịch là ngành kinh tế liên ngành, liên vùng, tính xã hội hóa cao nên luôn xảy ra nhiều vấn đề như: cướp giật, trộm cắp, chèn ép khách, an toàn giao thông… Môi trường du lịch rất quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của địa phương, quốc gia, điều này phụ thuộc rất nhiều ở khía cạnh đảm bảo ANTT cho du khách. Do đó, cần thiết phải có một lực lượng chuyên trách đảm bảo ANTT cho du khách, dạng như cảnh sát du lịch nhằm phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn cho du khách, giữ gìn môi trường du lịch và trực tiếp xử lý các vụ việc tiêu cực liên quan đến phản hồi của du khách. 

THÁI SƠN (ghi)

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

TIN MỚI

Return to top