ClockThứ Hai, 25/12/2017 16:18

Liên kết để phát triển du lịch Bình - Trị - Thiên

TTH - Qua hai năm cùng nhau liên kết phát triển du lịch giữa ba tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, kết quả đạt được chưa như mong đợi.

Thực hiện cam kết ngay từ đầu năm 2018Tổng kết liên kết phát triển du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Các doanh nghiệp tham quan gian hàng sản phẩm quà lưu niệm tại hội nghị liên kết du lịch tại Quảng Trị đầu tháng 12 vừa qua

Liên kết chưa sâu

Đầu tháng 12, hội nghị tổng kết liên kết du lịch ba địa phương Huế - Quảng Trị - Quảng Bình trong năm 2017 được tổ chức tại Quảng Trị. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nhận định, năm qua, sự liên kết phần nào được thể hiện khi các đơn vị lữ hành Huế đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp của Quảng Bình và Quảng Trị khảo sát điểm đến, xây dựng các tour du lịch liên tuyến; phối hợp xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương bạn thông qua các hội chợ du lịch trong và ngoài nước, website ngành du lịch ba địa phương. Cũng trong năm qua, một số chương trình đào tạo bồi dưỡng giữa các trường du lịch ở Huế cho hai địa phương bạn được thúc đẩy.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành du lịch của cả ba địa phương đánh giá, sự liên kết này chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân là trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước về du lịch, chưa thống nhất được các đầu việc cụ thể từ đầu năm nên quá trình thực hiện công tác quảng bá không đạt hiệu quả cao. Các doanh nghiệp có khảo sát tour tuyến, nhưng chưa có được sản phẩm chung để cả ba địa phương cùng kích cầu.

Đại diện ngành du lịch ba địa phương ký biên bản hợp tác trong năm 2018

Sự liên kết chỉ đạt hiệu quả khi có chiều sâu, giữa doanh nghiệp các địa phương cùng liên kết xây dựng tour tuyến chung. Điều này phần nào được chứng minh trong liên kết giữa Huế - Đà Nẵng và Quảng Nam. Thời gian đầu cũng thiếu hiệu quả vì liên kết chỉ về mặt quản lý Nhà nước. Sau này, dần hiệu quả khi doanh nghiệp cùng tham gia.

Sau khi khảo sát các điểm du lịch ở ba địa phương, việc xây dựng sản phẩm chung cũng gặp không ít trở ngại. Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội tại Huế phân tích, nếu chỉ liên kết giữa Huế và Quảng Bình sẽ đơn giản vì cả hai đều có nhiều sản phẩm để hỗ trợ cho nhau. Riêng với Quảng Trị, sản phẩm có tính đặc thù chỉ phù hợp với các dòng khách chọn về nguồn hoặc tâm linh gắn với thế mạnh các di tích lịch sử. Lâu nay, trong hành trình của một số tour, Quảng Trị chỉ là điểm đến, chưa đủ hấp dẫn để giữ khách lưu trú. Trong liên kết, cần có sự cân bằng về lợi ích mới lâu dài được.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam - Huế nhận định, nếu các cơ quan quản lý muốn liên kết có hiệu quả thì trong hội nghị vừa qua, cần có thêm một diễn đàn để các doanh nghiệp ba địa phương cùng ngồi lại và thảo luận để xây dựng sản phẩm và tính đến sự liên kết chung.

Xây dựng tour tuyến chung

Năm 2018, Huế sẽ đảm nhận trưởng nhóm liên kết. Ông Nguyễn Văn Phúc cho hay, theo kế hoạch, ngành du lịch ba tỉnh tăng cường phối hợp trong việc tiếp cận và phát triển các thị trường khách, nâng cao hiệu suất của đường bay quốc tế và nội địa đến Huế và Đồng Hới; đồng thời, duy trì và phát triển tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” và xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, như tuyến du lịch viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Hang 8 Cô và đường 20 Quyết Thắng - Bến phà Long Đại -Nghĩa trang Trường Sơn - Cầu Hiền Lương - Địa đạo Vịnh Mốc - Thành cổ Quảng Trị - Quần thể di tích Cố đô Huế.

Tại hội nghị, đại diện ngành du lịch 3 tỉnh ký kết biên bản chương trình hợp tác du lịch với 5 nội dung chính: Hợp tác về xây dựng cơ chế quản lý Nhà nước về du lịch; hợp tác về phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch; hợp tác về phát triển nhân lực du lịch và hợp tác về quy hoạch, kêu gọi đầu tư.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết, trong năm 2018, ba địa phương sẽ cùng nhau tham gia một số hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản… Quảng bá hình ảnh điểm đến chung của ba địa phương trên một số trang mạng du lịch quốc tế TripAdvisor, Traveloka… trên các phương tiện truyền thông; tổ chức một số đoàn famtrip mời các doanh nghiệp lữ hành ở hai đầu đất nước và quốc tế đến khảo sát chung điểm đến 3 tỉnh.

Dù liên kết trên nhiều lĩnh vực, mà không xây dựng được sản phẩm chung thì vẫn chưa đạt hiểu quả. “Theo tôi, xây dựng tour chung vẫn có tính khả thi khi ba địa phương đều có thế mạnh riêng. Có thể xây dựng tour 4 ngày 3 đêm, cụ thể điểm đầu là ở Huế tham quan di sản và ở lại một đêm, ngày thứ hai tham gia sản phẩm về nguồn, tham quan di tích lịch sử cách mạng và ngủ lại Quảng Trị, ngày thứ 3 đến Quảng Bình khám phá thiên nhiên và ở lại Quảng Bình thêm một đêm. Khi đã hình thành được tour thì cơ quan quản lý có thể hỗ trợ quảng bá để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Vũ Văn Chương góp ý.

Bà Dương Thị Công Lý nhận định, nếu không có sản phẩm thì liên kết sẽ không thành công. Bây giờ, các hiệp hội du lịch cùng ngồi lại và mỗi tỉnh chọn vài đại diện lữ hành để xây dựng sản phẩm chung, nếu chỉ giao một doanh nghiệp khảo sát và báo cáo lại sản phẩm thì rất khó.

Về xây dựng và thúc đẩy sản phẩm chung, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định, định hướng của ba địa phương là xây dựng sản phẩm chung “Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại”. Tour sẽ xuất phát ở Quảng Bình tại Phong Nha, đến Quảng Trị ghé Khe Sanh, Huế sẽ ghé A Lưới và có sự kết hợp với cả Quảng Nam. Với vai trò trưởng nhóm liên kết, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ chủ động tổ chức để các doanh nghiệp khảo sát và sớm hình thành tour.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh

Doanh nghiệp (DN) Huế đang và sẽ có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế địa phương để phát triển. Tuy nhiên, DN cũng cần quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và hoạch định chiến lược phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo để có được lợi thế cạnh tranh. Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Tấn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị DN LEADMAN. TS. Nguyễn Tấn Bình cho biết thêm:

Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Return to top