Nhiều tiềm năng, lợi thế
Dương Hòa là địa phương được thiên nhiên ưu đãi
Dương Hòa có 5 thôn: Hạ, Buồng Tằm, Hộ, Thanh Vân và Khe Sòng. Theo đánh giá, đây là nơi có tiềm năng, lợi thế để xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng cả đường sông lẫn đường bộ khi có tài nguyên thiên nhiên phong phú, núi rừng hùng vỹ; các thác Đá Dăm, thác Chín Chàng, công trình thủy điện hồ Tả Trạch; hệ thống các di tích: chợ kháng chiến, bia chiến tích Dương Hòa, đình làng Dương Hòa; cánh đồng mẫu thanh trà với diện tích lên đến 80.000m2; các hộ làm nghề truyền thống như chẻ tăm hương, chổi lồ ô…
“Dẫu vậy, do tiếp cận với du lịch còn mới mẻ, lượng khách du lịch chủ yếu tự phát; hoặc đi theo tour tuyến nhưng không dừng chân tham quan và quay trở lại thành phố Huế, vì thế ngành du lịch và các ngành dịch vụ bổ trợ chưa thể tồn tại và phát triển, dẫn đến không có nguồn thu để tái đầu tư phát triển du lịch; không tạo được các sản phẩm bài bản, chuyên nghiệp phục vụ du khách và phát triển du lịch tại đây”, ông Huỳnh Tấn Phấn – Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa nêu thực trạng.
Với mục đích định hướng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã trong thời gian tới, hội thảo nhằm trưng cầu, tìm ra những giải pháp tháo gỡ những khó khăn; không những phục hồi, thu hút khách đến với Dương Hòa mà còn xây dựng phương án để tạo ra sản phẩm du lịch địa phương chất lượng phục vụ khách tham quan và quảng bá thương hiệu “Du lịch cộng đồng” Dương Hòa đến với đông đảo công chúng.
Theo bà Ngô Thị Ái Hương – Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy, thực hiện mục tiêu kép vừa tiếp tục đầu tư phát triển du lịch cộng đồng xã Dương Hòa, vừa khai thác và phát triển sản phẩm du lịch thu hút khách đến với Dương Hòa, đây là thời điểm thích hợp để khởi động, chuẩn bị các phương án, giải pháp nhằm phục hồi và đưa du lịch Dương Hòa phát triển từng bước với mục tiêu chung của thị xã.
Cụ thể, từ nay đến năm 2025 có thêm 1-2 điểm được công nhận điểm du lịch, trong đó có điểm du lịch cộng đồng thôn xã Dương Hòa; khởi công, đầu tư, khai thác khuôn viên khu vực cầu ngói Thanh Toàn; bia chiến khu Dương Hòa, chợ kháng chiến kết nối tham quan vườn cây thanh trà trên địa bàn xã Dương Hòa; đến năm 2025, du lịch Hương Thủy thu hút khoảng 250.000 lượt khách (trong đó du lịch cộng đồng khoảng 150.000 lượt khách), doanh thu từ du lịch đạt khoảng 400 tỷ đồng (du lịch cộng đồng đạt khoảng 200 tỷ đồng); hoàn thiện chương trình, tour tham quan, trải nghiệm giữa điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn với du lịch cộng đồng xã Dương Hòa…
Để Dương Hòa trở thành một điểm du lịch hấp dẫn
Ông Nguyễn Xuân Hoa góp ý tại hội thảo
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh đánh giá, Dương Hòa là địa phương thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng khi hội tụ nhiều cảnh quan, thác suối, di tích, cánh đồng mẫu cây đặc sản thanh trà…
Từ những lợi thế trên, ông Minh cho biết sẽ phối hợp các DN, công ty lữ hành xây dựng tour, tuyến, hỗ trợ nhân lực và đào tạo nhân lực, hỗ trợ truyền thông để “kéo” khách đến Dương Hòa. Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng Dương Hòa thật sự phát triển và bền vững, trước mắt cần đầu tư hạ tầng, nhất là đường vào thác Chín Chàng – một trong những thác đẹp nhất trên địa bàn xã. “Nếu giao thông thuận lợi, tôi tin nguồn thu từ thác Chín Chàng rất lớn”, ông Minh chia sẻ.
Ở góc độ khác, một số đại diện đến từ Công ty Du lịch Hương Thủy, HTX Thông xanh cùng một số đơn vị lữ hành nêu ý tưởng tổ chức tour tham quan gắn liền với tìm hiểu di tích lịch sử trên địa bàn xã cho học sinh; tour du lịch xanh… Tuy nhiên, cần đầu tư thêm không gian cây xanh tại khu vực bia chiến tích Dương Hòa, chợ kháng chiến; nơi nghỉ chân, không gian ẩm thực, lưu trú…
Theo ông Nguyễn Xuân Hoa – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, xu hướng du lịch cộng đồng, du lịch xanh kết hợp trải nghiệm, về nguồn… là xu thế tất yếu. Nếu làm tốt sẽ tạo ra sản phẩm, giúp sản phẩm du lịch cua Thừa Thiên Huế ngày càng đa dạng, phong phú.
Nhưng thực tế, số khách mua các tour du lịch nói trên không nhiều, và tiêu tiền chỉ ở mức độ nhất định. Vậy làm thế nào để du lịch Dương Hòa phát triển song song với nguồn thu?
“Phải kết hợp giữa du lịch về nguồn, về chiến khu xưa với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trong đó, tạo ra những hoạt động hấp dẫn ngay từ lợi thế của địa phương, như: tái hiện lại không gian chiến khu xưa, chợ kháng chiến cùng một số hoạt động để du khách tham gia, trải nghiệm, như: đào hầm, đào hào, ăn cơm kháng chiến và trưng bày, bày bán các sản phẩm gắn liền; kết hợp với các đơn vị lữ hành gắn kết tuyến Dương Hòa vào các tour du lịch; đổi mới quảng bá…, có như vậy mới thu hút được khách du lịch đủ mọi giới tính, lứa tuổi, thành phần”, ông Hoa đề xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hoa, chiến khu Dương Hòa từng có thời gian tập trung nhiều tờ báo kháng chiến của tỉnh, như: báo Công đoàn, Chiến đấu, Đoàn kết, Giết giặc…, trong đó, báo Giết giặc là tờ báo kháng chiến tầm cỡ cả nước. “Theo tôi, nên xây một nhà lưu niệm báo chí cách mạng của Huế và phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế để sưu tầm, trưng bày những ấn phẩm đó cùng với các thiết bị liên quan đến in ấn, xuất bản…, qua đó làm phong phú thêm hình ảnh chiến khu xưa”, ông Hoa nói.
Bài, ảnh: Hàn Đăng