ClockThứ Ba, 13/06/2017 05:51

Môi trường du lịch phải “làm sạch” thường xuyên

TTH - Có một thực trạng là mỗi khi các lực lượng chức năng tăng cường thanh kiểm tra thì môi trường du lịch được đảm bảo, nhưng chỉ cần một thời gian giảm tần suất kiểm tra là các hình ảnh không đẹp lại tái diễn.

Các đối tượng bán hàng rong hoạt động vào chiều 6/6

Đừng để “đâu lại vào đó”

Thời gian qua, những hình ảnh đeo bám, chèo kéo khách ở một số điểm du lịch như khu vực quanh Đại Nội, một số lăng tẩm, chợ Đông Ba, quanh phố Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An... được cải thiện rất nhiều. Ở khu vực quanh Đại Nội, từ cửa Hiển Nhơn đến bến xe Nguyễn Hoàng trước đây luôn có một “đội ngũ” bán hàng rong, người chụp ảnh dạo, xích lô… bám lấy khách, tạo nên những hình ảnh vô cùng phản cảm. Có được những thành quả đó là sự ra quân quyết liệt, thường xuyên của các cơ quan chức năng.

Nhưng khoảng một tuần, mười ngày trở lại, tình trạng hàng rong đeo bám khách lại xuất hiện tại khu vực bên ngoài Đại Nội. Quan sát vào ngày 6/6, thời gian hoạt động của những người bán hàng rong chỉ diễn ra khoảng 11 giờ đến 1 giờ trưa và sau 4 giờ chiều. Đây cũng là khoảng thời gian mà đa số du khách kết thúc tham quan Đại Nội và cũng là khoảng thời gian các cơ quan chức năng ít khi đi kiểm tra. Khi ngang qua đường Đoàn Thị Điểm, có khoảng 5-7 người bán nước, trái cây, đồ lưu niệm đang ngồi bên vỉa hè. Thấy đoàn khách đến, quan sát không thấy cơ quan chức năng là những người này liền tiếp cận khách để chào mời.

Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch UBND phường Thuận Thành, TP. Huế xác nhận, từ đầu tháng 6 đến nay tình trạng chèo kéo của những người hàng rong diễn ra trở lại tại khu vực bên ngoài Đại Nội. Hình thức bán của những người này linh hoạt hơn trước rất nhiều, gây ra khó khăn cho lực lượng chức năng khi thanh kiểm tra. Qua kiểm tra, xác minh có vài đối tượng chuyên đi trên xe máy, không thấy lực lượng chức năng thì xuống bán, lúc thấy lực lượng đến là lên lại xe bỏ trốn. Các đối tượng này không phải là người trong phường nên càng khó kiểm soát.

Tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu nhiều ngày qua tình trạng bán hàng rong bắt đầu có chiều hướng hoạt động mạnh trở lại. Ngay dưới chân cầu Trường Tiền, hàng chục người chen chúc trải bạt bán đủ thứ giày dép, đồ trang sức, phụ kiện điện thoại, đồ ăn vặt cùng một nhóm phụ nữ túc trực trên phố đi bộ mời khách lên thuyền với giá bèo (10.000 đồng/người)...

Chuyện “chém” khách du lịch bằng tăng giá diễn ra ở Huế mà mãi chưa có một giải pháp nào để khắc phục hiệu quả. Chỉ cách đây mấy hôm, tôi có dịp ngồi với ông Hồ Xuân Đài (hộ kinh doanh du lịch cộng đồng ở Thủy Biểu) để trao đổi về tình hình kinh doanh. Ông tỏ ra khá bức xúc, chuyện là vừa rồi ông đi ăn sáng cùng nhóm bạn từ TP. Hồ Chí Minh ra, vào ăn một quán bún ở đường Nguyễn Huệ. Ăn xong, mỗi tô bún bị “chém đẹp” 50 nghìn đồng. “Ngay cả những người dân ở Thủy Biều cũng có suy nghĩ du khách đến một lần nên tăng giá để kiếm thêm. Thường ngày người dân địa phương ăn có 15 nghìn/tô, nhưng với khách du lịch ghé ăn thì lấy lên 25 nghìn đồng. Góp ý lắm mà họ chẳng nghe”, ông Đài thở dài.

Cần giải pháp lâu dài

Trong nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã chỉ đạo, giao trách nhiệm chính trong công tác đảm bảo môi trường du lịch cho các chính quyền địa phương. Theo đó, điểm du lịch nằm trên địa phương nào thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm chính. Để môi trường du lịch trên địa bàn TP. Huế thực sự sạch, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng phường, nếu địa phương nào không làm hiệu quả thì những cán bộ lãnh đạo của phường đó phải chịu trách nhiệm. Nếu để tình trạng kéo dài thì có thể bị kỷ luật. Đó là cách làm cứng rắn, thể hiện sự quyết tâm cao.

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch, tăng cường thanh kiểm tra là giải pháp đạt hiệu quả cao. Song sẽ khó để có thể ngày nào cũng ra quân. Trong khi đó, không thường xuyên kiểm tra thì dễ tái diễn các hiện tượng chèo kéo, đeo bám khách. Để hiệu quả lâu dài và kiểm soát tận gốc, các phường cần nắm rõ lý lịch, nơi ở của những người chuyên đi bán dạo. Sau đó đến tận nhà vận động, có thể tư vấn và tạo một số điều kiện để họ chuyển đổi nghề.

Bà Hoàng Thị Như Thanh cho biết, để giải quyết lâu dài, vừa rồi UBND phường Thuận Thành có xin ý kiến của cấp trên để bố trí những người bán hàng rong này vào một địa điểm bán tập trung (đoạn gần quán cà phê Highlands), tạo điều kiện cho họ dùng một cái tủ để bán trái cây. Tuy nhiên, qua một số ngày họ đã dùng dù che và bạt để bán, rất thiếu thẩm mỹ. Dù đã được tạo điều kiện như thế, nhưng một số đối tượng không thực hiện và chuyển sang dùng xe máy để đi bán. UBND phường xác nhận được các đối tượng này và đã gửi giấy mời đến làm việc để chốt phương án dứt điểm. Theo đó, chỉ có hai phương án, một là người dân được tạo điều kiện buôn bán nhưng sẽ theo vị trí được sắp xếp, dùng tủ để có tính thẩm mỹ; hai là phải chấm dứt bán nếu không đồng ý phương án một. Sau buổi  làm việc này, nếu còn tái diễn thì sẽ dùng các chế tài để xử lý.

Cũng theo ông Nguyễn Thái Hòa, ngành du lịch rất hoan nghênh tất cả người dân khi thấy hình ảnh chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” du khách có thể chụp ảnh, quay phim lại và cung cấp cho các cơ quan chức năng. Chỉ khi có sự vào cuộc của cả cộng đồng thì môi trường du lịch mới được làm sạch kịp thời và thường xuyên.

Bài, ảnh: Đức Quang

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

TIN MỚI

Return to top