ClockThứ Bảy, 24/09/2016 13:31

Phượt ? - An toàn trước hết

TTH - Đăng ký tham gia một chuyến phượt, người dẫn đoàn yêu cầu tôi và những bạn trẻ khác tự mua ngay bộ giáp bảo hộ, kiểm tra lại xe. Tưởng đùa mà thật, sự chuẩn bị ấy đã bảo vệ cho 4 người tránh được chấn thương nặng trong hành trình khám phá.

Thoát nạn nhờ dụng cụ bảo hộ

Xuất phát từ trung tâm TP. Huế, tôi và các thành viên chọn cung đường đèo để tận hưởng cảm giác phiêu lưu. Đường từ Huế đến Đà Nẵng trải qua 3 đèo: Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân, với nhiều khúc uốn lượn. từ trên đèo, có thể nhìn khung cảnh tuyệt đẹp của núi, đồng bằng, đầm Lập An và biển mỗi khi ngang qua. Cảnh đẹp suốt hành trình phượt luôn là điều lôi cuốn những người thích “chủ nghĩa xê dịch” và nhóm phượt chúng tôi không nằm ngoài sở thích ấy.

Chuyến phượt của một nhóm bạn trẻ lên A Lưới

An toàn ở ba con đèo đầu tiên, những người bạn mới lần đầu chạy đèo tỏ ra phấn khích. Duyên, một bạn trẻ hét lớn: “chạy đèo sướng và đẹp thật”. Niềm vui chưa lâu, sau khi đổ dốc đoạn từ Hải Vân Quan xuống khúc cua thuộc địa phận Đà Nẵng, một chiếc xe trong đoàn tự ngã; áo quần, ba lô của hai người trên chiếc xe đều bị rách, may mắn nhờ có bộ giáp bảo hộ nên đầu gối, khuỷu tay vẫn lành lặn.

Nhìn những bộ giáp trầy xước, bào mòn sau lần ngã, tất cả đều nhẹ người cho rằng trong cái họa có cái may. Mai Hoàn, người vừa bị ngã sờ lên bộ giáp: “Nếu không có đồ bảo hộ, không biết giờ mình ra sao”.

khoảng 3 năm trở lại, phong trào phượt ở Huế phát triển mạnh. Đến cuối tuần, ngày nghỉ, họ cùng nhau lên phương án “rủ nhau đi trốn” (câu nói quen thuộc của dân phượt); nhiều bạn trẻ thành lập nhóm phượt, tổ chức các chuyến đi định kỳ theo tháng, hầu hết chọn cung đường đèo, có độ nguy hiểm để thỏa đam mê, phổ biến nhất là A Lưới, làng Vân, Bãi Chuối (dưới chân đèo Hải Vân), Đà Nẵng.... Không ít trường hợp bị tại nạn do thiếu dụng cụ bảo hộ. “Em có giáp bảo hộ, nhưng lần đi Quảng Bình quên mang theo. Không may tai nạn, bị chấn thương đầu gối, phải nghỉ làm đến 20 ngày để điều trị”, Nguyễn Thị Thu Hương, một thành viên nhóm Phượt Huế chia sẻ.

Theo một số nhóm phượt ở Huế, xe hỏng giữa đường cũng là một trong những nguy hiểm. Thực tế, trong chuyến phượt chúng tôi đi, một trong ba trường hợp tai nạn là do xe hỏng bất ngờ, người cầm lái không thể điều khiển được phương tiện đã dẫn đến gây tai nạn.

An toàn phải đặt lên hàng đầu

Bạn bè tôi có nhiều người mê phượt và hay tổ chức phượt. Họ đưa ra thực tế đáng buồn là phong trào phượt đang lan rộng nhưng tính an toàn chưa được chú trọng. Có những bạn trẻ đi xa với một chiếc mũ bảo hiểm mỏng dính, chỉ cần ngã nhẹ đã có thể dẫn đến thương tích. “Xác định đi phượt là đối mặt với nhiều nguy hiểm. Những lúc phải băng rừng lội suối, nếu không tính đến các biện pháp an toàn thì càng không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, Gia Hùng, người có kinh nghiệm đi phượt nhiều năm ở Huế chia sẻ.

Dụng cụ bảo hộ còn giúp cho người đi phượt bảo vệ chính mình khi vượt qua địa hình khó

Hai năm trước, thị trường đồ phượt chưa sôi động, mẫu mã thiết kế thiếu bắt mắt nên nhiều bạn trẻ không mặn mà. Những ai muốn trang bị phải vào tận Đà Nẵng để mua. Hiện nay, ở Huế xuất hiện khá nhiều dụng cụ bảo hộ trong các chuyến phượt, có thể kể đến như: giáp tay, giáp chân, găng tay bảo hộ, mũ bảo hiểm chất lượng… với mức giá không quá cao (một mũ bảo hiểm đạt chất lượng có giá 270.000 đồng, bộ giáp khoảng 250.000 đồng). Ngoài một số cơ sở bán tại chỗ thì dịch vụ đặt và giao hàng tận nơi cũng đã phát triển.  

Những năm tháng đi phượt, anh Trần Thanh Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xuyên Việt rút ra kinh nghiệm, trong mỗi chuyến phượt, bên cạnh những rủi ro khách quan thì tính an toàn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các nhóm phượt và mỗi thành viên. Ngoài dụng cụ bảo hộ, việc kiểm tra xe máy trước lúc lên đường là bước chuẩn bị khá quan trọng, cơ bản nhất là hệ thống đèn, tăng xích, kiểm tra máy. Sau đó, phải chuẩn bị sẵn săm lốp và dụng cụ vá xe, phòng trường hợp xe hỏng trên đường.

Một trong những nguy hiểm được nhiều người nhắc đến là phượt đêm. Mặc dù đây là sở thích của hầu hết phượt thủ, tuy nhiên, địa điểm nghỉ chân của các nhóm phượt thường là rừng núi, nguy cơ đối mặt với rắn và nhiều động vật nguy hiểm khá cao.

Mỗi chuyến phượt là một cơ hội học tập nhưng nếu điều đáng tiếc xảy ra thì nỗi đau không dừng lại chỉ riêng một người. Vì thế, đảm bảo an toàn trong những chuyến đi là chuyện phải đặt lên hàng đầu.

Theo các thành viên nhóm Phượt Huế, để đảm bảo an toàn chuyến phượt, người tham gia cần chuẩn bị các dụng cụ y tế, cây sả để chống rắn, thuốc chống muỗi. Lên phương án chạy xe hợp lý, có người dẫn đoàn và chốt đoàn. Xuyên suốt chuyến đi nên thường xuyên kiểm tra số lượng thành viên.

Minh Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy

Ngày 21/11, Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh do PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện CTQG Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thị ủy Hương Thủy về công tác cán bộ nữ.

Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy
An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Thanh niên với an toàn giao thông

Sáng 16/11, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Ban thanh niên Công an tỉnh, Công ty Honda Lộc Thịnh tổ chức Ngày hội “Thanh niên với an toàn giao thông” năm 2024 dành cho học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Huế.

Thanh niên với an toàn giao thông

TIN MỚI

Return to top