Khách du lịch tham quan di sản Huế trong năm 2019
Đến dự còn có ông Nguyễn Thái Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; nguyên lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch Huế qua các thời kỳ.
Đạt kế hoạch nhưng còn nhiều nỗi lo
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, tổng lượt khách đến Huế trong năm 2019 đạt 4,817 triệu lượt, tăng 11,18% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 2,186 triệu lượt, tăng 12,06%; khách lưu trú đạt 2,247 triệu lượt, tăng 7,3%, doanh thu từ cơ sở lưu trú năm 2019 đạt 4.945 tỷ đồng, tăng 10,54%; tổng thu từ du lịch đạt 11.300 tỷ đồng.
Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu các thị trường khách quốc tế đến Huế trong năm 2019, chiếm 19,9%. Trong khi đó, khách du lịch Thái Lan quay trở lại Huế và tăng mạnh, chiếm 12,9% và đứng vị trí thứ hai trong năm 2019. Một số thị trường truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, đóng góp ở mức cao về thị phần khách du lịch đến Huế.
Có được kết quả như kế hoạch đề ra, trong năm 2019, ngoài các sản phẩm du lịch được khai thác những năm qua, ngành du lịch đã phát triển và đa dạng hóa thêm nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, như tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá chương trình tour du lịch trải nghiệm “Một ngày làm người Pa Cô” tại làng du lịch cộng đồng A Nôr, huyện A Lưới; chương trình du lịch tại Cầu ngói Thanh Toàn; chương trình tham quan Không gian lưu niệm Lê Bá; chương trình tham quan tại Làng du lịch sinh thái Về Nguồn và khu nghỉ dưỡng Sankofa Village Hill resort and Spa... Các sự kiện, lễ hội được tổ chức dày đặc, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, tạo ra những tuần, tháng văn hóa, lễ hội phục vụ du lịch.
Dù thế, theo ông Lê Hữu Minh, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tại một số điểm du lịch vẫn còn thiếu và chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phục vụ và phát triển. Tiến độ triển khai một số tuyến đường quan trọng kết nối các điểm du lịch về biển, Thủy Biều, lăng Gia Long,… vẫn còn chậm; các bến thuyền sông Hương, đầm phá vẫn còn tạm bợ, chưa đảm bảo yêu cầu phục vụ… Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch còn thấp do chưa có chiến lược đầu tư đồng bộ và hiệu quả. Hình ảnh đặc trưng, nổi trội cho sản phẩm của du lịch chưa được khai thác và phát huy có hiệu quả. Một số sản phẩm du lịch truyền thống thiếu sức cạnh tranh do chưa nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý chất lượng dịch vụ, quản lý kinh doanh bất cập, làm giảm sức thu hút du lịch, đầu tư so với một số địa phương trong vùng và cả nước.
Hạ tầng vẫn được cho là yếu điểm của du lịch Huế (Trong ảnh: Khách đến Huế bằng đường hàng không)
Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư, khai thác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn yếu, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, dẫn đến năng lực khai thác còn hạn chế về thu hút khách cũng như phát triển các sản phẩm mới. Vấn đề khai thác khách du lịch của Huế vẫn đang phụ thuộc vào các đơn vị lớn đầu cầu Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng cũng như các đơn vị khai thác trực tuyến.
Tư duy mới, cách làm mới
Trong năm 2020, ngành du lịch Huế đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm, trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực gắn với phát huy giá trị đô thị di sản trên nền tảng văn hóa, theo hướng xanh và thông minh; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Huế là Kinh đô ẩm thực, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Theo đó, trong năm 2020 phấn đấu đạt 5 - 5,2 triệu lượt khách, tăng khoảng 7,5% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%; khách lưu trú ước đạt khoảng 2,4 triệu lượt, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú dự kiến đạt khoảng 5.300 – 5.400 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 12.000 tỷ đồng.
Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, lãnh đạo ngành du lịch cho biết, sẽ triển khai một cách hiệu quả hơn đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” nhằm hình thành các thiết chế, các điểm đến về ẩm thực phục vụ phát triển du lịch. Đầu tư, nâng cấp các tuyến phố đi bộ, phố đêm, phố ẩm thực gắn với các hoạt động vui chơi, giải trí và mua sắm ở trung tâm đô thị Huế và khu vực xung quanh Đại Nội. Khai thác có hiệu quả tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu kết nối với không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi, cầu đi bộ trên sông Hương, cầu Trường Tiền, cồn Dã Viên. Nâng cao chất lượng dịch vụ ca Huế, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc của Huế về du lịch về đêm trên sông Hương. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Festival 4 mùa, tiến đến việc hình thành những sản phẩm du lịch định kỳ thường niên của Huế…
Đông Khuyết đài là điểm đến mới được đưa vào khai thác trong năm 2019
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, du lịch Huế phát triển chưa ngang tầm với tiềm năng, lợi thế luôn là câu hỏi được đặt ra suốt nhiều năm qua. Vì vậy, có giải pháp hiệu quả hơn nữa để giải quyết câu hỏi trên là yêu cầu phải được đặt ra.
Bước vào năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54 về phát triển Huế đến 2030, định hướng đến năm 2045. Huế sẽ thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản, bản sắc hóa Huế. Phát triển đô thị Huế với văn hóa di sản, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Yêu cầu được đặt ra là phát triển Huế nhanh trên nền tảng tri thức, bền vững trên nền tảng văn hóa; trong đó, lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là định hướng xuyên suốt và trong năm 2020 Huế sẽ tiến đến xây dựng cơ chế riêng cho phát triển đô thị di sản.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu ngành du lịch cần phải có tư duy mới để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và phát triển du lịch thông minh, bền vững trên nền tảng văn hóa, di sản. Du lịch Huế phải tăng nguồn thu, tăng thời gian lưu trú của khách; sức chứa của đô thị di sản Huế là bao nhiêu; định hướng về thị trường khách cần rõ ràng hơn, cơ chế phối hợp trong kinh doanh với doanh nghiệp cũng được cần được xác định… Tư duy này không chỉ đặt ra cho ngành du lịch mà những người làm du lịch.
Tại hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn cùng chung tay, chung sức với tỉnh để xây dựng Huế xanh, sạch, sáng, sang trọng và thông minh trong thời gian đến.
Bài, ảnh: Đức Quang