ClockThứ Năm, 11/10/2018 13:45

Từ hồ Thác Bà nhớ phá Tam Giang

TTH - Hồ Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái được hình thành khi đắp đập ngăn dòng sông Chảy để xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà đầu tiên của miền Bắc, hoàn tất vào năm 1970. Đến năm 1996, Hồ Thác Bà đã được công nhận là di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia.

“Sáng Thủy Biều – Chiều Tam Giang”Ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang

Thuyền tham quan hồ Thác Bà

Đây là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, bao phủ hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ. Diện tích vùng hồ trải rộng 23.400ha, diện tích mặt nước đạt 19.050ha, kéo dài khoảng 80km. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có các nhánh sông lớn, như ngòi Hành, ngòi Cát... đổ về, bồi lắng phù sa quanh năm, tạo điều kiện cho hệ động-thực vật phát triển phong phú.

Chuyến du ngoạn lòng hồ

Tôi đến hồ Thác Bà vào dịp cuối thu vừa rồi, khung cảnh vùng Đông Bắc mùa này trời êm dịu, nắng nhẹ rất nên thơ. Dạo chơi lòng hồ Thác Bà là điểm nhấn cho chuyến ngao du lên miền Đông Bắc.

Cùng với người bạn là dân bản địa Phan Thế Hiền, chúng tôi thuê một chiếc thuyền dạo quanh hồ Thác Bà. Thuyền đưa chúng tôi dạo quanh mặt hồ yên ả, cảm nhận bầu không khí mát lành từ làn nước trong xanh dịu gió, ngắm nhìn những vạt rừng xanh mượt trên những hòn đảo trập trùng, nhấp nhô dưới mây trời vời vợi, đảo nọ nối tiếp đảo kia tưởng chừng như bất tận. Rồi thuyền đưa chúng tôi đến điểm tham quan trên lòng hồ, đó là động Thủy Tiên. Khi chúng tôi đến, có rất nhiều đoàn khách từ khắp nơi đổ về tham quan. Động Thủy Tiên đẹp, huyền ảo, lung linh nhũ đá, và gắn với truyền thuyết dân gian nơi chín nàng tiên xinh đẹp xuống vui chơi chốn trần gian. Leo tiếp đến cửa động cao, chúng tôi được thả hồn khi được ngắm nhìn dòng sông Chảy như dải lụa mềm uốn lượn theo triền núi, cạnh những bản làng trù mật với ruộng nương tươi tốt, thấp thoáng nếp nhà sàn mộc mạc của đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... sinh sống ven hồ.

Du thuyền trên Phá Tam Giang với thuyền nhỏ bằng gỗ

Mất khoảng gần 3 tiếng dạo quanh hồ Thác Bà, nhưng chúng tôi chỉ ghé thăm những nơi chính, còn nếu đi hết lòng hồ này phải mất cả tuần lễ, bởi hồ quá rộng. Hồ Thác Bà quá đẹp, nước xanh biếc, không bị ô nhiễm, và nhất là cách quy hoạch bài bản trong phát triển du lịch, dịch vụ. Do mặt hồ rộng, nước sâu, nên những chiếc du thuyền trên hồ phải được đóng bằng vỏ sắt, thuyền lớn, phòng chống được gió bão. Hiện nay, đội thuyền du lịch lòng lồ lên đến hơn 300 chiếc, một vòng du thuyền như vậy, khách phải trả 2 triệu đồng/thuyền.

Anh Minh Nguyên, chủ thuyền du lịch đưa chúng tôi đi nói rằng: “Trung bình mỗi ngày, thuyền chúng tôi đi được 2 đoàn khách, sau khi từ chi phí bến bãi, xăng dầu, phụ thuyền, chúng tôi cũng thu được 1,5 triệu đồng/ngày. Đây là nguồn thu nhập khá lớn đối với người dân chúng tôi”. Còn tại một số hòn đảo trên hồ, hiện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương nghiệp (ITD) xây dựng Khu nghỉ dưỡng An Bình trên khu vực hồ Thác Bà. Khi chúng tôi đến, dự án này đang chuẩn bị hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2018 này. Còn Tập đoàn ALPHANAM hiện đã được tỉnh phê duyệt dự án để đầu tư xây dựng khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà.

Hiện nay, mỗi ngày, hồ Thác Bà đón vài chục đoàn khách đến tham quan, mỗi năm con số du khách lên cả triệu người. Đây là một con số không hề nhỏ. Theo tính toán của tỉnh Yên Bái, vùng hồ Thác Bà trong tương lai sẽ trở thành một điểm đến mang tầm quốc tế với quần thể các hạng mục, hoạt động hấp dẫn như: du thuyền, cáp treo, khu nghỉ dưỡng với hệ thống nhà hàng, khách sạn, resort, công viên, thế giới nước, trung tâm mua sắm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, xây dựng làng văn hóa và phát triển hệ thống đô thị.

Nghĩ về phá Tam Giang

Tuy xét về diện tích mặt nước thì phá Tam Giang tương đương với hồ Thác Bà, tuy nhiên, nói về quy mô thì phá Tam Giang của Huế lớn gấp nhiều lần khi phá trải dài trên diện tích rộng, qua nhiều huyện và thông thương ra biển.

Với tiềm năng và lợi thế so sánh, song đến nay chưa có động tĩnh nào lớn để thúc đẩy phá Tam Giang phát triển về du lịch, dịch vụ. Bến thuyền chưa được đầu tư một cách hoàn chỉnh, thuyền chở khách du lịch chủ yếu bằng gỗ và nhỏ khó mà chống chọi được với sóng to gió lớn nên chủ yếu đi sát bờ, du khách ít có cảm nhận về vẻ đẹp hùng vĩ của phá Tam Giang. Các dịch vụ bổ trợ khác như dù lượn, mô tô lướt sóng… vẫn chưa có. Mỗi năm, phá Tam Giang chỉ vỏn vẹn đón hơn trăm khách tham quan .

Ông Lê Quang Hào, Giám đốc Huetourist chia sẻ: “Công ty chúng tôi đã triển khai tour du lịch trên phá Tam Giang hơn 5 năm nay, song hiệu quả chưa cao do hạ tầng phục vụ du lịch trên phá Tam Giang còn yếu và thiếu. Để phát triển du lịch, tỉnh cần ban hành chính sách để thu hút các doanh nghiệp lớn và tạo cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư du thuyền phục vụ khách du lịch, lúc đó mới thu hút được khách đến phá Tam Giang”.

Nhiều du khách tâm sự: “Chúng tôi rất muốn một lần để trải nghiệm trên phá Tam Giang, muốn đi từ điểm đầu cho đến điểm cuối bằng du thuyền và nghỉ lại trên đó, vừa được thư giãn, vừa được thưởng thức cá tôm nước lợ thì còn gì bằng”.

Bài và ảnh: Hoàng Trọng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo
Return to top