Loay hoay tìm “áo mới”
Nhìn vào thực tế, ngành du lịch Huế buộc các doanh nghiệp phải tạo thêm các sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng du lịch văn hóa - di sản đã quá cũ. Bây giờ phải làm mới, khoác lên du lịch văn hóa - di sản chiếc áo nhiều sắc màu hơn. Nhưng làm mới như thế nào thực sự là vấn đề rất khó và cần sự chung tay của nhiều bên liên quan.
Chùa Thiên Mụ, một trong những điểm đến nổi tiếng. Ảnh: Lê Tấn Thanh
Huế thiếu quá nhiều dịch vụ vào ban đêm, nhất là các sản phẩm văn hóa - di sản. Nếu ai đã đến Ca Huế thính phòng (tại Bảo tàng Văn hóa Huế) thì ít nhiều thấy “chạnh lòng”. Được mở ra với nhiều mục đích ý nghĩa, nhưng lâu nay, các nghệ sĩ vẫn hoạt động cầm chừng, thiếu sự quảng bá. Không có sự nhiệt huyết của các nghệ sĩ yêu văn hóa Huế, không biết điểm thưởng thức nghệ thuật này đã chấm dứt hoạt động từ khi nào.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) là đơn vị quản lý và khai thác các sản phẩm du lịch ở các di tích cũng gặp không ít khó khăn. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ cho biết, tuy đã triển khai được một số hoạt động dịch vụ mới, nhưng nhìn chung quy mô triển khai ở diện hẹp, chưa thu hút được các dự án có tâm; nguồn vốn tự có của Trung tâm Dịch vụ để đầu tư vào hoạt động dịch vụ còn rất hạn chế, công tác huy động xã hội hóa lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, xây dựng các sản phẩm ở các di tích cũng là vấn đề rất nhạy cảm, dễ gây ra phản ứng của dư luận... Dẫn đến các nhà đầu tư rất ngại nhắm các dự án phát triển dịch vụ có quy mô lớn trong các khu di sản.
Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch (Sở Du lịch), chiến lược xây dựng các sản phẩm du lịch mới ở Huế còn yếu. Hầu như các doanh nghiệp đợi người khác làm ra sản phẩm rồi “bắt chước”. Trong khi đó, trách nhiệm làm sản phẩm mới thuộc các doanh nghiệp. Sở chỉ có trách nhiệm định hướng, để các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm phù hợp. “Du lịch Huế đang gặp khó, chúng ta không thể đổ lỗi cho ai. Tất cả phải cần chung tay, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả cộng đồng”, ông Lực bày tỏ.
Nền tảng vẫn là văn hóa - di sản
Một giám đốc có tiếng đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho rằng, du lịch Huế đang lao dốc. Lao dốc ở đây có hai nghĩa, tốc độ phát triển du lịch của Huế chững lại là đã lao dốc; thứ hai, các địa phương xung quanh có tốc độ phát triển nhanh quá, bỏ Huế lại phía sau.
Lượng khách đến Huế tăng 5% so với cùng kỳ. Ảnh: Đức Quang
Sự chững lại không chỉ ở những con số thể hiện tốc độ phát triển mà ở cả nhu cầu của khách. Những năm trước, khách Thái Lan luôn dẫn đầu trong thị phần khách đến Huế. Nhưng khoảng hai năm trở lại, mọi sự đã thay đổi. Phải chăng khả năng quảng bá của ta còn thấp?. Trong chuyến đến Huế khảo sát hợp tác du lịch gần đây, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket (Thái Lan) cho rằng, đối với du khách ở Phuket, khi nói đến Huế, họ hoàn toàn không biết. Thương hiệu riêng của du lịch Huế ở Phuket gần như là con số không.
Ông Michal Zite, Giám đốc điều hành Laguna Lăng Cô, Chủ tịch tổ chức quảng bá du lịch vùng Duyên hải Miền Trung chia sẻ, khi nói đến phát triển du lịch, có ba vấn đề phải được giải quyết: Làm sao thu hút được khách; định dạng thương hiệu riêng; chất lượng dịch vụ. Trong những chuyến làm việc, tôi có trao đổi với nhiều du khách, khi nhắc đến Huế thì họ không biết rõ lắm. Ngay cả một doanh nghiệp như Laguna, ngoài những sản phẩm của doanh nghiệp thì rất cần thêm những sản phẩm đặc trưng của Huế khi đi quảng bá. Nhưng hiện chúng tôi chưa biết mục tiêu, hay thương hiệu chính mà ngành du lịch Huế muốn hướng đến là gì?.
Thế mạnh của du lịch Huế là văn hóa - di sản, nhưng có hạn chế là không giữ khách được lâu và đa số khách chỉ đến một lần. Ngoài ra, trong khâu quảng bá, nhiều doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm mới mà đôi khi bỏ qua quảng bá cho sản phẩm mang tính cơ bản là du lịch văn hóa - di sản. Vây nên, cần một nhận định đúng hơn và trả lại sự “công bằng” cho sản phẩm du lịch văn hóa – di sản. “Sự cố môi trường biển vừa qua, trong khi nhiều địa phương gặp khó thì khách đến Huế vẫn ổn định, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Có được con số đó là nhờ thế mạnh của Huế (du lịch văn hóa - di sản). Đây là nền tảng cho sự phát triển của du lịch Huế. Phải khẳng định lại một điều rằng, định hướng phát triển của du lịch Huế vẫn trên trục chính là các sản phẩm gắn với văn hóa – di sản”, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch khẳng định.
Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết, ngoài những sản phẩm đã được khai thác, thời gian đến sẽ triển khai nhiều sản phẩm mới: Dịch vụ cơm chay tại Trai Cung (đàn Nam Giao); quy hoạch và triển khai dịch vụ tại khu Phủ Nội vụ (Đại Nội); mở tuyến tham quan Thượng Thành, kết nối các hoạt động trải nghiệm tại không gian văn hóa Lục Bộ (79 Nguyễn Chí Diểu); tuyến du lịch Thượng Thành mặt Nam (từ cửa Thượng Tứ đến Quan Tượng Đài); kết hợp với Công ty cổ phần Dịch vụ Cafe Cao Nguyên (Cafe Highlands) triển khai dịch vụ tại 46 Đinh Công Tráng, lăng Tự Đức, cung An Định…
|
Đức Quang