ClockThứ Hai, 10/06/2024 21:16

Đưa Festival đến với bệnh nhân

TTH.VN - Chiều 10/6 là một buổi chiều hè rộn rã hơn thường lệ đối với hàng trăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Họ được thưởng thức nét văn hóa độc đáo xứ sở hoa anh đào từ Đoàn nghệ thuật Múa trống Eisa Urakaji tham gia Festival Huế 2024.
Các tiết mục tạo nên sự sôi động, trẻ trung  

Háo hức từ sớm, bệnh nhân (BN) Hồ Bảo T. đang điều trị ở Khoa Phục hồi chức năng nhờ người nhà đẩy xe lăn tới trước 30 phút chờ đoàn. Anh T. cho biết đã nằm viện 7 tháng trời nên rất thèm được xem các chương trình văn nghệ, âm nhạc thay đổi không khí. “Mấy ngày chừ mình có theo dõi Festival Huế 2024 qua mạng xã hội thôi, ai dè hôm ni được coi biểu diễn trực tiếp. Vui quá”!

Cùng tâm trạng với anh T. nhiều bệnh nhân khác tìm đến điểm biểu diễn ở Trung tâm Sản phụ khoa BVTW Huế xem các tiết mục nghệ thuật. Ngay khi tiết mục đầu tiên mở màn, bên dưới một rừng điện thoại đưa lên ghi hình, phát trực tiếp. Một bệnh nhân lão khoa ngồi cạnh tôi chăm chú quay bảo rằng để lưu lại mấy tiết mục hay trong điện thoại. “Có mấy ông ưa xuống coi đoàn Nhật ni mà họ mệt đi không nổi. Mình quay về chia sẻ cùng nhau xem cho đỡ buồn”, người này nói.

Đoàn nghệ thuật múa Trống Eisa Urakaji được thành lập bởi Trường đại học Quốc tế Okinawa vào năm 2002, có nhiệm vụ xây dựng và thổi hồn vào các tiết mục mới kết hợp giữa trống và lân, nhưng vẫn giữ được phong cách biểu diễn và tính đặc trưng nghệ thuật truyền thống Okinawa.

Eisa là điệu múa truyền thống có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ một bài hát dân gian có nguồn gốc từ cách đây vài trăm năm, được duy trì và phát huy trên khắp Okinawa – tỉnh cực nam của Nhật Bản. Thông qua Eisa, người dân Nhật Bản bày tỏ lòng kính trọng với tổ tiên vào những lễ hội mùa hè sôi động. Các vũ công với vũ điệu chuyển động đẹp mắt đầy nhiệt huyết hòa theo tiếng trống Taiko tạo nên sự mạnh mẽ, trẻ trung tựa như cái tên “Urakaji” (làn gió sảng khoái tuyệt vời).

 Múa lân - biểu tượng của sức khỏe, may mắn tạo sự phấn khích cho nhiều bệnh nhân 

Mang đến các tiết mục từng biểu diễn ở các sân khấu quốc tế như trống, lân, múa dân gian... Nhật Bản, các nghệ sĩ có mặt tại BVTW Huế rất sớm để chuẩn bị. Tiếng trống hùng dũng, mạnh mẽ, sảng khoái trẻ trung hòa lẫn tiếng huýt sáo lanh lảnh vang lên trong âm hưởng những bài hát Okinawa vui tươi khiến mọi người vẫy tay hòa theo. Đặc biệt, phần xuất hiện của chú lân Shishi, biểu tượng may mắn và sức khỏe trong văn hóa Nhật Bản khiến nhiều bạn nhỏ phấn khích được sờ ngắm vuốt ve mong sẽ sớm mạnh khỏe, lành bệnh.

Đây là buổi biểu diễn cuối của đoàn tại Huế trước khi lên sân bay về nước chiều nay, thế nên các nghệ sĩ đều gắng sức truyền tải nét đẹp văn hóa trong từng tiết mục. Ông Oshiro Yuga, Trưởng đoàn nghệ thuật Múa trống Eisa Urakaji cho hay: “Lần đầu tiên tham gia Festival Huế, chúng tôi lại có hoạt động thiện nguyện khá đặc biệt. Đoàn chưa biểu diễn cho các bệnh nhân bao giờ. Mong mọi người sẽ khỏe mạnh, vui vẻ, thoải mái khi xem chương trình”.

Nghệ sĩ Kinjo Hideki chia sẻ: “Tôi thấy những đôi mắt cười của khán giả, đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Trong những ngày qua, chúng tôi được sống trong không khí lễ hội tươi vui, được ăn những món ăn ngon, ẩm thực khá giống với Okinawa quê nhà. Chúng tôi mong những mùa festival sau sẽ được tham gia, cống hiến hết mình vì nghệ thuật”

Phát biểu tại buổi biểu diễn, bà Đỗ Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nhật tỉnh hy vọng, các BN sẽ cảm nhận được nét đẹp văn hóa trong múa trống Eisa, múa lân Nhật Bản với tinh thần triết lý sâu sắc. Chương trình sẽ là món ăn tinh thần giúp cho các BN bớt lo âu, giải tỏa áp lực để yên tâm điều trị.

Dù chương trình kết thúc song bệnh nhi Dương T.H., quê ở Quảng Nam, đang điều trị tại Khoa Nhi Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy vẫn nán lại chờ đến phần giao lưu cùng các cô chú. H. chia sẻ: “Tiết mục mô con cũng thích hết. Con tiếc là chưa được sờ đầu lân để xem mình có may mắn hay không”. Mẹ bé H. thấy con hòa mình reo ca cũng vui lây: “Được đoàn nghệ thuật nổi tiếng ở Nhật Bản phục vụ các bệnh nhân là điều tôi không hề nghĩ tới. Có lẽ nhờ có Festival Huế. Ở bệnh viện mà cũng được xem festival thì thật là may mắn”!

 Một tiết mục múa trống của các nghệ sĩ trẻ

Theo lãnh đạo BVTW Huế, không có điều kiện ra ngoài trời hoặc đến những nơi đông đúc vì lý do sức khỏe, bệnh nhân rất mong muốn được hưởng thụ văn hóa. Chương trình như liều thuốc tinh thần ý nghĩa đối với bệnh nhân và người nhà, lan toả yêu thương, giúp các bệnh nhân được “chữa lành” về tâm hồn; giúp các y, bác sĩ có cơ hội thưởng thức nét đẹp văn hóa các quốc gia.

Nhiều kỳ Festival Huế trước đây, một số đoàn đã vào bệnh viện biểu diễn với các tiết mục chọn lọc phục vụ các khán giả đặc biệt. Năm 2012, nữ ca sĩ Mary McBride và ban nhạc đồng quê của cô, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, ban nhạc Cỏ lạ và đoàn nghệ thuật Raduga của Nga; năm 2014, ban nhạc The Amigos – Hoa Kỳ đã mang đến bữa tiệc âm nhạc đặc sắc động viên tinh thần người bệnh. Âm nhạc của họ vừa góp phần trị liệu, xoa dịu cơn đau và động viên người bệnh lạc quan hơn để chiến đấu với bệnh tật.

Năm ấy, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý gửi đến khán giả thông điệp “Mọi chuyện rồi sẽ ổn. Mong những vết thương sẽ chóng lành”! Thì nay, lời chia sẻ động viên tương tự cũng được các nghệ sĩ múa trống Eisa Urakaji mang đến bệnh viện. Nghệ thuật giúp cho người ta quên đi âu lo, khơi dậy tinh thần lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. Nhìn xa hơn nữa, đó còn là sự nhân văn và sự lan tỏa của không khí Festival Huế đến với cộng đồng.

Bài, ảnh, clip: LINH GIANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top