Nếu Vọng ngàn năm dồn vang hào khí Hoa Lư trong đêm khai mạc đưa cả Festival Huế 2010 vào hội trong niềm háo hức dâng tràn, thì lời chia tay dung dị được cất lên ở bãi bồi cầu Gia Hội, lung linh với bóng cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp đổ xuống dòng Hương lãng đãng chất thơ, lại là những nốt trầm xao xuyến trong đêm giã bạn.
Khép lại 9 ngày đêm rộn rã với các chương trình nghệ thuật sôi động, hấp dẫn, Festival Huế 2010 đã để lại nhiều tiếc nuối trong lòng du khách và người dân Cố đô.
Đến dự lễ bế mạc đêm 13-6 có các ông: Hồ Xuân Mãn, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Phùng, Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, lãnh đạo sở, ban, ngành trong tỉnh, lãnh đạo các huyện và thành phố Huế; các vị khách quý đến từ nhiều quốc gia, các vùng lãnh thổ cùng đông đảo nhân dân tỉnh nhà...
Huế những ngày qua không còn là Huế trầm mặc, xưa cũ với đền đài, thành quách mà thực sự đã có bước chuyển mình rộn rã. Các sân khấu từ Cung An Định đến Đại Nội, hễ sáng đèn là đầy ắp khán giả đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật.
Tiếp tục với chủ đề “Di sản văn hoá, hội nhập và phát triển” hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Festival Huế 2010 đã hội tụ tinh hoa của 70 đơn vị nghệ thuật đến từ nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam và 28 quốc gia anh em của 5 châu lục. Lòng say mê cùng tài năng thăng hoa, hơn 6.500 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, nghiệp dư và cả quần chúng đã đem đến cho Festival Huế 2010 hàng trăm chương trình biểu diễn nghệ thuật và các lễ hội dân gian, cung đình, cùng các hoạt động hưởng ứng; thu hút hơn 3 triệu lượt người tham dự, hơn 120.300 khách lưu trú.
Tại buổi lễ, ông Ngô Hoà, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BTC Festival Huế 2010 phát biểu: “Đến thời điểm này, người dân Huế và du khách - chủ nhân của Festival vui mừng khẳng định, Festival Huế 2010 có quy mô lớn nhất, đặc sắc nhất qua 6 kỳ Festival, đã thành công tốt đẹp và được công chúng đánh giá là một Festival truyền thống, hiện đại, hoành tráng, ấn tượng và an toàn. Các nền văn hoá hội tụ về đây, mỗi quốc gia mang một nét riêng nhưng đều toát lên tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển. Tất cả đã đem lại cho Thừa Thiên Huế, Cố đô Huế một diện mạo mới, sức sống mới và khẳng định vị thế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”.
Phục vụ cho chương trình nghệ thuật của đêm bế mạc là khán đài có sức chứa 4000 người, với sân khấu chính là 2 xà lan cỡ lớn nổi trên mặt nước được dàn dựng thành hình dáng của 2 mũi thuyền. Khoảng giữa là một chiếc cầu có thể ẩn, hiện theo từng tiết mục biểu diễn. Mở đầu là Dòng sông nỗi nhớ của Nhà hát Ca kịch Huế; tiếp đến các tiết mục múa, hát đậm âm hưởng dân gian như Quê hương, Gánh hàng hoa của Nhà hát Bông Sen; Bonjour Vietnam của nhóm Cỏ Lạ; độc tấu Piano Tẩu mã của Phó An My và các nghệ sĩ tuồng; múa Giấc mơ trưa của Long Phi - Linh Nga; hợp xướng Dòng sông nghiêng của nhạc sĩ Dương Bích Hà và các sinh viên Học viên Âm nhạc Huế… lần lượt là những cung bậc cảm xúc đầy lưu luyến trong đêm giã bạn.
Ông Ngô Hoà, thay mặt lãnh đạo tỉnh và Ban Tổ chức Festival Huế 2010, xúc động bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ; cảm ơn Đại sứ quán, đoàn nghệ thuật của 28 quốc gia và các đạo diễn, đoàn nghệ thuật trong nước đã đến với Festival Huế 2010; các nhà tài trợ... đã góp phần cùng Huế làm nên một Festival thành công.
Giã bạn. Thời gian như ngừng trôi. Dòng Hương cũng dùng dằng không chảy. Những thác pháo hoa rực trời đến lộng lẫy cả quãng sông cũng không khoả được nỗi niềm da diết, lưu luyến. Rồi Huế lại là Huế của ngày thường thôi. Thêm một lần mượn ánh hoa đăng gửi lời hẹn bạn: Hẹn gặp lại vào ngày 7 - 4 - 2012, ngày tiếng nhạc khai hội của Festival Huế 2012 sẽ lại được cất lên trong tiết thanh minh của mùa xuân Nhâm Thìn.
Bài và ảnh: Đồng Văn - Võ Đại Nhân
Một số hình ảnh Huế lộng lẫy và quyến rũ trong đêm Bế mạc Festival Huế 2010