Đêm qua 5-6, tại Quảng Trường Ngọ Môn, Festival quốc tế Huế 2010 chính thức khai mạc. Với chủ đề “Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 còn là một hoạt động nằm trong chương trình Quốc gia hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, 50 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn.
Ông Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Các ông: Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQVN; Hoàng Tuấn Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Hồ Xuân Mãn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tỉnh Thừa Thiên Huế; lãnh đạo các Bộ, Ngành, Trung ương và tỉnh; lãnh đạo các địa phương bạn;các bậc lão thành cách mạng; các vị khách quý quốc tế cùng hàng vạn công chúng đã đến dự.
Ông Nguyễn Văn Cao, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Festival quốc tế Huế 2010 quy tụ nhiều chương trình nghệ thuật tiêu biểu, tái hiện các sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc, các đặc trưng của những vùng văn hóa Việt Nam và các chương trình nghệ thuật đậm sắc thái văn hóa của 28 quốc gia đến từ 5 châu lục trên thế giới.
Festival quốc tế Huế 2010 tổ chức rộng mở từ TP Huế đến các huyện, thị xã; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế trong tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương...”.
Ngay sau lời phát biểu, cả sân khấu sôi động như chìm trong âm hưởng bi tráng của “Vọng ngàn năm” - liên khúc các tác phẩm ngợi ca khí phách của cha ông, khát vọng thống nhất non sông dựng nên nghiệp lớn, từ Hoa Lư đến Thăng Long muôn đời tỏa sáng, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Liên khúc “Hào khí Hoa Lư - Dời đô ngàn năm vang mãi” gợi cho người xem về quá khứ của cố đô đầu tiên nước Đại Việt bằng những “mảng, miếng” ánh sáng đan cắt tạo nên ảo ảnh trầm mặc. Trong tiếng nhạc oai hùng, tiếng hò reo vang vọng của trẻ mục đồng tay cầm cờ lau, 100 lá cờ suý tung bay trong tiếng nhạc, tiếng trống, kèn rộn rã, thúc dục, khắc hoạ khí phách khát vọng của Đinh Bộ Lĩnh thuở thiếu thời cùng một Cố đô Hoa Lư rạng rỡ.
Kết thúc “Hào khí Hoa Lư”, một bức tường thành trầm mặc được kết bởi hàng trăm diễn viên, vây quanh là rừng lau sậy trắng muốt. Trong trống rền vang, những chiến thuyền lướt sóng về Đại La, đất trời như rực sáng bởi pháo hoa. Tiếng Chiếu lệnh “Dời đô” vang vọng khắp non sông.
Xuyên suốt đêm khai mạc, những tiết mục nghệ thuật như hoà tấu đàn tranh “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, nhã nhạc, múa hoa đăng, hầu văn, ca trù, múa dâng hương...hay những âm sắc ngọt đến nao lòng của quan họ “Tứ hải giao tình” với hàng chục liền anh, liền chị; tiếng cồng, chiêng bập bùng, rộn rã của những người con Tây Nguyên mộc mạc mà căng tràn nhựa sống giúp công chúng mãn nhãn với bữa tiệc ngập tràn sắc màu và âm thanh.
Chuyển tiếp nhịp nhàng, phần hai với chủ đề “Hội ngộ Cố đô” được thể hiện bởi những nghệ sỹ tài hoa đến từ Pháp, Hàn Quốc, Nga, Bỉ, Senegal, Cuba, Trung Quốc...Những tiết mục múa rồng Thê Hà Nam Kinh, pháo hoa rồng lửa, cà kheo tung hứng, pháo hoa hay tiết mục múa vọng nguyệt do 3 nghệ sĩ Solit của nhà hát Ca múa nhạc Việt nam thực hiện với khả năng biểu diễn tinh tế, điêu luyện đã khắc hoạ được chủ đề “Hội ngộ và phát triển”, Hà Nội-Huế-Sài Gòn cùng cả nước và bạn bè năm châu hân hoan trong ngày vui hội ngộ tại Cố đô.
Bữa đại tiệc nghệ thuật đặc sắc của gần 1.500 nghệ sỹ, diễn viên, kỹ thuật viên chuyên nghiệp của 35 đoàn nghệ thuật đến từ những vùng, miền khắp 5 châu đã thể hiện tầm vóc của một đại lễ hội tầm quốc gia hoành tráng, bề thế, chất lượng và mang tính chuyên nghiệp cao. Bên cạnh đó, hình ảnh hàng ngàn khán giả vẫn nán lại trong cơn mưa cho đến khi chương trình kết thúc chính là sự sẽ chia, động viên cũng như lời cảm ơn thiết thực nhất đến những lực lượng tham gia tại lễ khai mạc nói riêng và Festival quốc tế Huế 2010 nói chung.
Bài, ảnh: Võ Nhân