Chỉ cần đến Thuỷ Thanh trong những ngày này, mới thấy hết được người dân ở đây đã sẵn sàng cho “Chợ quê ngày hội” như thế nào.
Tại Nhà trưng bày nông cụ, trong khi con gái, con rể và cháu trai đang phụ việc quét dọn hiên nhà, sân vườn, sắp xếp lại các nông cụ, thì bà Nguyễn Thị Háu (75 tuổi) lại lom khom bên chiếc cối xay lúa. Bà đang chuẩn bị lúa cho mẻ xay mới. “Thời gian ni khách về nhiều. Khách Tây, khách ta chi họ cũng thích hết, nên dù ít thôi, mình cũng xay cho khách xem”, bà Háu vui vẻ. Bà đã gắn với Nhà trưng bày nông cụ này 2 năm, nhưng với Festival Huế và “Chợ quê ngày hội” thì năm 2012 mới là lần đầu tiên. Bà không giấu cảm xúc: “Tui già rồi, những lúc khách đông, mệt đổ mồ hôi nhưng vui lắm. Vài hôm nữa vô hội, người buôn bán thì thêm khách, ai không buôn bán thì có nhiều trò chơi để tham gia. Vì rứa, ai cũng trông hết”.
Trên ngả đường rẽ vào chợ, bà Phan Thị Gái tuy đang tất bật với giỏ đồ ăn vẫn vui vẻ khi tôi vào chuyện. Bà bảo, trước đây, khi nhà còn gần bên cầu Ngói, mỗi ngày của “Chợ quê ngày hội” là một ngày hội của gia đình bà. Còn bây giờ, tuy nhà đã chuyển đến nơi xa hơn, nhưng không đêm nào của lễ hội, bà và con cháu lại vắng. “Mình già rồi, sức khoẻ không còn tốt nên nhờ mấy dịp ni mới có điều kiện vui chơi, được nghe hò, nghe hát. Chỉ nghĩ đến đó thôi đã thấy vui rồi”, bà Gái cười.
Cũng như bà Gái, bà Lê Thị Lo đang mong làng quê mình nhanh vào những ngày hội không phải để mua may bán đắt, mà chỉ là để được sống vui trong những trò chơi dân gian, được nghe hò, nghe hát và tất bật “chạy chợ” theo lời ca của những con bài chòi. Bên bến nước đầy gió, bà không ngần ngại cất lời hò về con Bồng trong bài chòi: “... Ra đi mẹ có dặn rồi/ Em mà có khóc, thì con bồng sang bác mà chơi”. Dứt lời, bà đưa tay khuẩy nước đẩy sóng ra xa, rồi tiếp: “Bình thường ri không nhớ hết được mô. Nhưng khi đã vô hội rồi, tự nhiên lại nhớ hết. Bài chòi có mấy con là nhớ bấy nhiêu câu thơ. Chơi mấy cũng không chán. Vui là vì rứa”.
Với “Chợ quê ngày hội”, thị xã Hương Thuỷ không chỉ hướng tới việc xây dựng thành công một hoạt động hưởng ứng 2 năm một lần cùng Festival Huế mà về lâu dài, còn muốn phát triển lễ hội này thành một sản phẩm du lịch bền vững do chính người dân địa phương làm chủ.
Đồng Văn