Phong trào hiphop tại Việt Nam đang phát triển và lan rộng, một số nhóm nhảy và cá nhân đã xuất sắc dành được các giải thưởng trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Thế nhưng các chương trình và giải đấu lớn mang tính chuyên nghiệp và chất lượng cao tại Việt Nam vẫn còn ít hoặc chưa được quan tâm đúng mức, điều đó phần nào làm hạn chế sự phát triển chuyên môn của các bạn trẻ đang tham gia bộ môn này. Từ sự giúp đỡ từ UBND tỉnh cùng Trung tâm Festival Huế, hy vọng lễ hội lần này sẽ tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng các bạn trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật đường phố, thu hút số lượng lớn du khách tham gia, góp phần tạo nên sự thành công cho Festival Huế 2016.
Anh có thể nói rõ hơn về quy mô và mục đích của Lễ hội Hiphop lần đầu tiên được tổ chức tại Huế?
Mục đích của Lễ hội Hiphop lần này tạo một điểm đến mới đối với giới yêu nghệ thuật đường phố để họ có thể thể hiện được niềm đam mê, định hình lại được môn nghệ thuật lành mạnh này. Đến thời điểm này, chương trình đã nhận được đăng ký tham gia từ 50 đội nhóm nhảy với gần 200 thành viên trên cả nước. Do chương trình mang tầm quốc gia nên việc chọn lựa, mời ban giảm khảo cũng rất quan trọng. Ngoài hai giám khảo trong nước là Hà Lê và Việt Max (2 biên đạo nổi tiếng từng tham gia đánh giá các cuộc thi và chương trình lớn tại Việt Nam) chương trình đã mời được 4 Dancer quốc tế: Way (Đài Loan), Krazy Bones (Đài Loan/Canada), Groovy (Đan Mạch), Cheno (Thái Lan). Bên cạnh đó còn nhận được sự hỗ trợ của DeeJay Slowz - Nguyễn Chính Dũng (từng tham gia các giải đấu tại Malaysia, Đức, Đan Mạch…).
Hiphop luôn có sức hút với những người trẻ năng động
Các đội sẽ thi theo hình thức thi đấu, biểu diễn giao lưu giữa các cá nhân, nhóm nhảy trên toàn lãnh thổ Việt Nam và các khu vực lân cận, với các thể loại: Hiphop 1vs1; Poppin 1vs1; Freestyle 2vs2; Breaking 4vs4; Street dance team Battle; Freestyle online (Phụ). Đội dành giải Nhất thể loại Hiphop 1vs1 sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự giải đấu Quốc tế Lion City Throwdown 2016 tổ chức tại Singapore.
Anh đánh giá như thế nào về loại hình nghệ thuật đường phố nói chung và Hiphop nói riêng ở Huế?
Có một thời gian vào khoảng năm 2010, những môn nghệ thuật đường phố, trong đó có hiphop khá phát triển, thu hút được giới trẻ vì nó mới du nhập vào mảnh đất vốn được xem là trầm lắng này. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, hiphop bị chững lại vì không có sân chơi, môi trường phù hợp giao lưu bị bó hẹp. Bên cạnh đó, các phụ huynh còn định kiến với môn nghệ thuật này vì cho rằng tụ tập vô bổ, mất thời gian. Phải mất khá nhiều thời gian, giới trẻ mới Huế mới có thể chứng minh được đây là một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe, giúp con người năng động, thoát ra khỏi những tệ nạn khác trong cuộc sống. Một lần nữa, khi lễ hội này được tổ chức sẽ khẳng định được điều đó.
Để duy trì được một sân chơi sôi động về vùng trầm tĩnh như Huế, theo anh, cần những tiêu chí gì?
Trước tiên, theo tôi cần sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị chức năng, có chuyên môn đến những lĩnh vực hoạt động thể thao, giải trí lành mạnh. Chính các đơn vị này phải thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động giao lưu, thi thố định kỳ để giới trẻ xem đó như là một thói quen, từ đó sẽ tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Riêng về phụ huynh, cũng nên có suy nghĩ tiêu cực hơn đối với con em mình đang tham gia môn nghệ thuật này.
Là lễ hội mang tính nghệ thuật đường phố, vậy không gian biểu diễn sẽ đóng vai trò quan trọng như thế nào để phù hợp với người diễn lẫn người xem?
Chúng tôi đã tham khảo nhiều địa điểm tổ chức. Và cuối cùng đã đi đến chọn lựa sân khấu sẽ là sân trước Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh bởi không gian rộng, dễ dàng cho việc thi tài cũng như để phục vụ một lượng lớn khá giả vào xem miễn phí. Ngoài ra, cũng chính ở không gian này, các gian hàng, ấn phẩm liên quan đến Hiphop sẽ được trưng bày để giới thiệu đến người yêu nghệ thuật.
Các sân chơi văn hóa nghệ thuật cho giới trẻ Huế được đánh giá còn hiếm hoi. Vậy theo anh cần làm gì để những sân chơi tương tự được tổ chức tạo nên bữa ăn tinh thần đều đặn cho giới trẻ Huế?
Đúng như vậy, các sân chơi dành cho giới trẻ trên địa bàn chúng ta còn khá nghèo, từ sân chơi cho đến môi trường, cách chơi. Bởi lẽ, các đơn vị tổ chức chưa nắm được giới trẻ hiện nay đang cần gì. Theo tôi, ngoài tham khảo ý kiến giới trẻ, các nhà tổ chức cần phải thường xuyên duy trì các sân chơi mang tính thể thao, giải trí lành mạnh bổ ích. Điểm lưu ý là đừng tổ chức kiểu “đến hẹn lại lên” vào các mùa lễ hội, mà cần duy trì đều đặn, thường xuyên hơn, và phải thay đổi cách tổ chức để tránh bị nhàm chán.
PHAN THÀNH (Thực hiện)