ClockThứ Sáu, 11/06/2010 11:37

“Gió Kinh kịch” thổi trên đất Huế

“Kim Tiền Báo” là tiết mục mà đoàn đang diễn trên sân khấu. Dẫu “Tây Du Ký” đã quá quen với khán giả Việt Nam qua màn ảnh nhỏ, nhưng câu chuyện kể về thầy trò Đường Tăng vượt khó qua Tây Thiên thỉnh kinh đang được kể trên sân khấu lại có sức hấp dẫn kỳ lạ, đặc biệt đối với những khán giả nhí.
 
Không có thuyết minh, nhưng khán giả vẫn nhận ra diễn tiến của câu chuyện và thể hiện qua tiếng cười hưởng ứng. Có bà mẹ trẻ còn bị níu chân đến nỗi, mặc đêm muộn, mặc con ngủ, vẫn ôm con ngồi xem diễn. Anh Hoàng Thanh San (Tp Huế), tham gia với nhiệm vụ tháp tùng 2 khán giả nhỏ nhà mình nhưng vẫn bị cuốn theo nhất cử, nhất động của các nhân vật đang diễn trên sân khấu. Anh bảo, mình không hiểu nhiều về kinh kịch Trung Quốc, thấy giống như tuồng của Việt Nam nhưng vẫn thích. Thích cách họ diễn tâm trạng trên nét mặt và cách họ múa, đẩy lời hát...”.
 
Ở đất nước Trung Quốc, kinh kịch là một nghệ thuật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử cận đại, cũng là một hệ thống biểu diễn độc đáo nhất trên thế giới. Trong quá trình phát triển hơn hai trăm năm, kinh kịch đã hấp thụ những tinh hoa của ca hát, múa, âm nhạc, hội hoạ, văn học của Trung Quốc, từ dân gian đi vào cung đình, từ vua chúa phổ biến đến dân chúng, được coi là Quốc kịch.
 
Chẳng biết, với “Kim Tiền Báo”, “Quý Phi tuý tửu”, “Khổng Tước phi lai”... Đoàn nghệ thuật Vân Nam đã giúp người dân Huế cảm nhận được bao nhiêu về kinh kịch, nhưng cảm ơn thật nhiều vì Đoàn đã đưa loại hình nghệ thuật đặc sắc này đến đất Cố đô.
 
Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Return to top