Biểu diễn nghệ thuật đường phố tại Festival Huế 2014. Ảnh: Đặng Văn Trân
Từ TP. Hồ Chí Minh, nhà văn U90 Xuân Đài điện ra hỏi: “Festival lần này có gì mới không? Chỗ nhà Ngô Minh còn phòng ngủ không?”. Hoàng Đình Quang, một nhà văn cùng cơ quan với tôi ở Báo Thương Mại cũng háo hức: 8 năm rồi chưa vui Festival với Huế lần thứ hai. Cứ hẹn rồi lại bận việc. Phải sắp việc viết lách để đi Festival Huế một chuyến. Festival lần này có gì mới không? Nôn nóng ra Huế lắm”.
Chả là năm 2008, hai nhà văn Xuân Đài và Hoàng Đình Quang từ Hà Nội trên đường vô TP Hồ Chí Minh đã ghé Huế để “Xem Festival cho biết”. Các anh không có tiền thuê khách sạn, tôi mời tá túc tại nhà. Hai nhà văn đi xem Festival không sót một chương trình nào. Sáng đi, chiều tối mới về. Xuống cả Cầu Ngói Thanh Toàn xem “Chợ quê ngày hội”. Các anh ở suốt 6 ngày liền. Khi chia tay, tôi hỏi: “Hai anh thích chương trình nào nhất?”. Nhà văn Xuân Đài nói ngay:” Festival Huế đáng yêu lắm. Theo tôi, những chương trình như Lễ tế Giao, Lễ hội áo dài, Đêm Hoàng Cung, Chợ quê ngày hội.. là hay nhất, nên tái hiện ở các Festival sau”.
Nhờ chương trình Festival 2016 đã công bố, nên tôi điện cho bác Xuân Đài: “Bác yên tâm, các chương trình bác thích ấy, Festival Huế nào cũng tái hiện. Festival Huế 2016 này vẫn có. Nghe tôi nói xong, nhà văn Xuân Đài cười khà khà: Ừ, mấy cái ấy là hồn của Huế, phải giữ lấy, đó là những lễ hội “không nơi nào có được!”.
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, một người rất thân thiết, từng sống với vợ con suốt 10 năm ở Huế, mấy lần gặp nhau ở Hà Nội đều hỏi về Fstival Huế 2016. Nhà văn- nhạc sĩ bảo: “Mình là người của Huế mà đã 3 cái Festival Huế chưa về rồi. Cứ nghĩ đến các chương trình là thích, nhất là những đêm dạ tiệc có trình diễn pháo hoa do nghệ sĩ Pháp điều khiển, thật ngon và thật đẹp. Dịp này phải về một chuyến!”. Nhớ cái Festival Huế đầu tiên năm 2000 (thực ra Festival Huế đầu tiên có tên là Festival Việt-Pháp được tổ chức năm 1992. Cho đến năm 2000 thì đổi tên là Festival Huế).
Tôi chở Nguyễn Trọng tạo bằng cái xe Honda 86 cà tàng của mình sang Quảng trường Ngọ Môn dự đêm khai mạc. Người đông chật kín các cửa vào Thành Nội. Không vào dự khai mạc được, cũng không thoát ra được, hai anh em dắt xe từng bước. Muốn quay về, cũng không về được... Cái đêm khai mạc Festival đầu tiên ấy, hai anh em không coi được gì, nhưng chứng kiến được cảnh tượng hoành tráng là ai ai cũng hăm hở, háo hức nhập cuộc với Festival Huế!
Đến Festival Huế 2012, hai anh em lại cùng nhau đi dự đêm Dạ nhạc tiệc ở sân Cần Chánh trong Hoàng Cung rất hoành tráng. Giá vé Dạ nhạc tiệc lúc ấy là 300.000đ cho người Việt Nam (30 USD cho người nước ngoài), quả là đắt so với túi tiền của nhà báo nghèo. Tôi và anh Nguyễn Trọng Tạo may mắn được anh Phùng Phu, lúc đó là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mời. Dạ nhạc tiệc ở sân Ðiện Cần Chánh là chương trình quy mô lớn thứ hai trong các nội dung hoạt động tại Festival Huế 2002. Đạo diễn Jean Luc Courcoult (Pháp) thực sự chinh phục được thực khách đông chật kín mấy dãy bàn , vì ông đã đưa chất thơ vào nghệ thuật ẩm thực một cách hài hòa, cuốn hút. Chúng tôi cùng những người tham dự dạ tiệc được chứng kiến một khung cảnh lãng mạn trong một không gian đầy màu sắc cổ xưa và những âm thanh sống động của ánh sáng nghệ thuật và thưởng thức những món ăn đặc trưng được làm nên từ sản vật của đất thần kinh và bàn tay khéo léo của con người xứ Huế. Công ty Du lịch Hương Giang - đơn vị phụ trách khâu ẩm thực trong đêm đại tiệc đầu tiên - đã chọn một đội ngũ phục vụ có tay nghề cao để làm các món: mực trộn thanh trà, cơm chiên bát bửu, cá hấp ngũ liễu, gà cuốn hoàng gia, vịt nấu đậu ngự, cơm sen Tịnh Tâm và tráng miệng bằng món bánh vả Kim Long, quýt Hương Cần. Người thưởng thức không chỉ được ăn mà còn được nghe giải thích vì sao mực khô lại được trộn với thanh trà, nước mắm, chanh, tỏi; trái vả vì sao lại phải lấy từ đất Kim Long và quýt phải từ đất Hương Cần...
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo xúc động nhất là được người đẹp Cố đô Huế ân tình phục vụ bữa tiệc. Sau này tôi mới biết, đêm Dạ nhạc tiệc đầu tiên ấy có tới 680 khách! Thật “đáng đồng tiền bát gạo”!
Ấn tượng nhất đối với tôi là đến với “Chợ quê ngày hội”. Cầu ngói Thanh Toàn giống như Chùa Cầu Hội An. Ở làng quê thuần nông mà có một chiếc cầu như thế thật lạ. Chiếc cầu là do một người phụ nữ giàu có tên là Trần Thị Đạo hơn trăm năm trước bỏ vốn ra làm để ghi nhớ công ơn của người làng đối với gia đình mình. Chợ quê ngày hội được tổ chức 5 kỳ Festival xung quanh cây cầu có mái này. Thế mà khách ta, khách Tây đến vẫn đông đúc lắm. Họ say mê nhìn ngắm, quay phim chụp ảnh những vật dụng gia đình nhà quê, như giỏ bắt cua, oi nơm cá, thúng, mủng, giần sàng, rổ rá, liềm, hái, lưỡi cày, cho đến cái guồng đạp nước, chiếc cối xay lúa, cối giã gạo... Điều lý thú là du khách có thể tham gia vào việc xay lúa, giã gạo, đập đe thợ rèn, hay làm nón, làm thợ mộc…Có bà mẹ Việt kiều ở Mỹ về, dắt theo hai con nhỏ đi “Chợ quê ngày hội”. Tôi thấy bà say mê chỉ cho những đứa con sinh ra ở xứ người những thứ nông cụ, dụng cụ mà cha mẹ bà đã sử dụng để làm ra hột lúa, bát canh nuôi sống mình. Hai đứa trẻ nghe mẹ giảng giải như nghe chuyện cổ tích. Rồi chúng cầm từng thứ một lên tay, bắt mẹ chụp ảnh kỷ niệm một ngày “Chợ quê ngày hội”.
Festival Huế đang đến gần. Tôi cũng náo nức như bao nhiêu bạn bè gần xa.
Ngô Minh