Tế Giao là lễ tế trời, đất và các vị thần linh quan trọng nhất trong bờ cõi quốc gia. Bởi vậy, trong chế độ quân chủ, đây là lễ tế được tiến hành hoành tráng, trang trọng nhất - hàng Đại tự. Vì những ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng như vậy nên lễ hội cung đình này đã được nghiên cứu và phục dựng từng phần trong 5 kỳ Festival trước, từ năm 2002. Tuy nhiên, khác với những lần phục dựng trước, lễ tế Nam Giao lần này là một lễ tế thuần túy tâm linh, không còn những yếu tố mang tính sân khấu.
“Vua” trong lễ tế Giao 2010 – Những hình ảnh sẽ không còn thấy ở lễ tế sắp đến
Quan niệm của người xưa, đất nước là của vua nên lễ tế Giao được tổ chức là để vua tế Trời trong tư thế “con Trời”, nhằm kiểm điểm lại bản thân đã làm tròn trọng trách hay chưa. Từ đó, cúi xin sửa đổi thân tâm hoàn thành trách nhiệm chăn dân, cầu mong phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. Ngày nay, đất nước là của dân nên tổ chức Tế giao là để cho những người đại diện cho nhân dân đứng ra làm lễ tế, cũng không ngoài niềm mong là cầu cho mưa thuận gió hòa, dân an quốc thái. Vì những lẽ này, nên Ban Tổ chức quyết định dàn dựng một lễ tế Giao uy nghi hoành tráng thuần túy tâm linh. Chọn lọc giữ lại một số hình thức trang hoàng như đèn đuốc, cờ xí, nghi trượng, lễ phẩm…
Giảm bớt những nghi lễ không cần thiết hoặc không còn phù hợp trong tế Giao của Thiên tử; đồng thời, tăng thêm thành phần dâng hương cúng tế, đều là những đại biểu của nhân dân.
Lễ tế Giao sẽ tiến hành 2 phần: Tổ chức một đám rước để rước 34 bài vị từ Trai cung sang Đàn tế để đưa lên các bàn án ở Đàn, gồm bài vị thờ trời đất, núi sông, các vị thần linh, lịch đại đế vương, lịch đại nhân kiệt… Tổ chức một lễ tế tại đàn gồm 3 bước: Nghênh thần tại Phương đàn; Tế tại Viên đàn; Tống thần tại Phương đàn. Do tính chất tâm linh của lễ, nên lễ tế sẽ được tổ chức vào thời gian phù hợp với lịch sử là sau 12h00 đêm. Với lực lượng được huy động khoảng 1.000 người tham gia.
Đồng Văn