ClockThứ Bảy, 28/04/2018 23:10

Nhạc Trịnh về nguồn

TTH.VN - Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Tôi là đứa con của Huế. Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi”. Đêm qua, người con tài hoa của xứ Huế lại trở về với quê hương bằng ca từ, giai điệu thấm đẫm chất Huế trong đêm nhạc “Nguồn cội”.

Nghe nhạc Trịnh trong không gian Phật giáo“Vẽ nhạc Trịnh”

Trong khuôn khổ Festival Huế 2018, tối nay (28/4), đêm nhạc tưởng niệm 17 năm ngày mất Trịnh Công Sơn do gia đình nhạc sĩ tổ chức diễn ra tại công viên Phu Văn Lâu. Chương trình gồm những ca khúc bất hủ của Trịnh được thể hiện qua các giọng ca hàng đầu đã thỏa lòng người mộ điệu sau nhiều ngày chờ đợi.

Các ca sĩ, nghệ sĩ chia sẻ những kỷ niệm với nhạc Trịnh

Sức hút đặc biệt

Năm nào cũng vậy, chương trình nhạc Trịnh Công Sơn luôn có sức hút lớn. Sân khấu đến 15 nghìn chỗ ngồi nhưng vẫn không đủ. Không còn chỗ để ngồi, hàng trăm người đứng nghe, thậm chí không vào được bên trong vẫn kiên nhẫn đứng bên ngoài để nghe nhạc và hướng về sân khấu qua màn hình rộng. Nếu không vì tình yêu quá lớn với nhạc Trịnh, hẳn không ai kiên nhẫn để chen chúc trong biển người ấy.

Cũng vì tình yêu của mọi người dành cho người nhạc sĩ tài hoa mà 17 năm nay, gia đình nhạc sĩ cố gắng tổ chức những chương trình âm nhạc cộng đồng để đền đáp tấm lòng của người hâm mộ. Đó còn là nghĩa cử thực hiện tâm nguyện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời: đưa âm nhạc đến với mọi người bằng những chương trình cộng đồng. Miễn phí nhưng phải chất lượng, tâm niệm như vậy nên người thân của nhạc sĩ huy động mọi nguồn lực để tổ chức chương trình thật chuyên nghiệp.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh bày tỏ xúc động trước tình cảm khán giả dành cho anh trai - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn suốt thời gian qua

17 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lìa xa cõi tạm, nhưng những viên đá cuội ca từ của Trịnh đã đi vào đời người, chạm vào từng thân phận và ở lại mãi trong tim của những người dân Việt và bạn bè trên thế giới. Để rồi đêm nay, trong không gian thơ mộng bên Kinh thành Huế, bên dòng Hương êm đềm, những người yêu mến ông - cả nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu lẫn khán giả ngồi dưới khán đài cùng nhau tưởng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa. Họ cùng nhau nghe lời thiên thu gọi, nghe tiếng muôn trùng, nghe những tàn phai, cùng nhau sẻ chia, chiêm nghiệm niềm đau thân phận, thông điệp yêu thương, cảm nhận sâu hơn cái đẹp, chất triết lý, thiền tịnh có trong nhạc Trịnh.

Lại gần với Trịnh

Với chủ đề “Nguồn cội”, đêm nhạc Trịnh Công Sơn 2018 tại Huế hướng về quê hương, thân phận và tình yêu, với phố, ru, ca khúc da vàng, nhạc thiếu nhi và có cả trường ca với 13 đoản khúc. Tất cả được gói gọn đầy đủ nhất trong một chữ: “Thiền”. Theo ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, thiền của Trịnh không phải chạy trốn mà chính là lời kêu gọi con người thương yêu nhau, lại gần với nhau.

Với ý niệm đưa nhạc Trịnh về với cội nguồn, chương trình gửi đến khán giả những ca khúc đã đi vào lòng người của Trịnh, như: Cát bụi, Diễm xưa, Phôi pha, Ướt mi, Biết đâu nguồn cội, Mưa hồng, Tuổi đời mênh mông... với sự thể hiện của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng: Hồng Nhung, Đức Tuấn, Lệ Quyên, Trần Mạnh Tuấn, Lân Nhã… Tính tiếp nối của các thế hệ yêu mến nhạc Trịnh cũng được thể hiện trong chương trình với phần tham gia biểu diễn của An Trần, Tuấn Mạnh, Phi Phi. Trong chương trình này, nhạc Trịnh không chỉ thể hiện qua lời ca, khí nhạc mà còn được thể hiện qua ngôn ngữ múa.

Ca sĩ Lệ Quyên chia sẻ, chị rất vinh dự khi được hát nhạc của Trịnh trên chính quê hương ông

Sự ảnh hưởng của Phật giáo trong nhạc Trịnh cũng được thể hiện bằng tiếng chuông, kinh kệ trong ca khúc “Cát bụi” qua tiếng saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Trong đêm nhạc, khán giả không chỉ được thưởng thức tiếng kèn Saxophone điệu nghệ của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn mà còn thích thú với tiếng kèn của nghệ sĩ An Trần, cô con gái nhỏ mới 14 tuổi đầy tài năng của anh.

Trở lại Huế trong chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, ca sĩ Hồng Nhung gửi đến khán giả hai ca khúc từng được chị thể hiện thành công: “Diễm xưa” và “Này em có nhớ”. Tiếng hát gắn liền với nhạc Trịnh của chị vẫn vậy, mạnh mẽ, cao vút nhưng trong trẻo, hồn nhiên, đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Ca sĩ Đức Tuấn, người gắn bó với chương trình nhớ Trịnh Công Sơn qua nhiều năm mang tới đêm nhạc sự mới mẻ, tươi sáng như chính phong cách trẻ trung của anh qua các ca khúc “Em hãy ngủ đi”, “Xin cho tôi”.

Ca sĩ Lệ Quyên - nhân tố mới với nhạc Trịnh lần đầu ra mắt khán giả Huế góp mặt với ba ca khúc: Ướt mi, Sóng về đâu và Ru em từng ngón xuân nồng. Ca sĩ Lệ Quyên chia sẻ: “Lệ Quyên thật vinh dự khi lần đầu được hát nhạc Trịnh trên quê hương của ông. Dẫu đã được khán giả đón nhận với nhiều dòng nhạc nhưng hôm nay Quyên khá hồi hộp khi bắt đầu thử sức với nhạc Trịnh”.

Ngoài những ca sĩ chuyên nghiệp, chương trình còn thể hiện tính cộng đồng khi giới thiệu giọng ca KTS. Đào Trọng Nghĩa - gương mặt từng xuất hiện trong chương trình 10 năm nhớ Trịnh. Quê ngoại ở Huế, với KTS. Đào Trọng Nghĩa, đây cũng là sự trở về với cội nguồn. Anh bày tỏ: “Sau những bôn ba, tôi tìm thấy nơi trú ẩn an yên trong nhạc Trịnh, giúp tôi hóa giải phiền muộn, tìm thấy niềm vui và biết sống san sẻ với mọi người”.

Với khán đài chỉ đơn giản là những hàng ghế con và chiếu trải dưới đất, thậm chí là ngồi bệt giữa bãi cỏ, khán giả chìm đắm trong từng ca từ, từng nốt nhạc và không gian âm nhạc đậm chất hồi tưởng về người nhạc sĩ tài hoa. Trong không gian ấy, nhạc Trịnh cứ thế vang lên, lan tỏa, hòa quyện và để lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả, để rồi khép lại trong không khí thân tình, gần gũi của bài hát quen thuộc “Nối vòng tay lớn”.

Một số hình ảnh, clip tại chương trình:

Không khí nghe nhạc Trịnh gần gũi trong tinh thần ngồi chiếu nghe nhạc

Ca khúc "Cát bụi" qua tiếng saxophone của Trần Mạnh Tuấn

Nghệ sĩ saxaphone Trần Mạnh Tuấn luôn gắn bó với các chương trình nhạc Trịnh

Chất thiền trong nhạc Trịnh được thể hiện qua thanh âm của tiếng chuông chùa, kinh kệ

Ca sĩ Lân Nhã với ca khúc "Phôi pha" - bài hát giúp anh đoạt giải Nhất giọng hát nhạc Trịnh tại TP. Hồ Chí Minh

Ca sĩ Lệ Quyên thể hiện "Ướt mi"

Thành công của chương trình có sự góp sức lớn của ban nhạc

Bài, ảnh, clip: Minh Hiền - Thanh Toàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toán học Việt Nam bền vững

Chiều 22/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị sơ kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban điều hành Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030.

Phát triển toán học Việt Nam bền vững

TIN MỚI

Return to top