ClockChủ Nhật, 24/04/2016 19:43

Xuất bản sách về nhà triết học Trần Đức Thảo

TTH - Trong không khí chào mừng Festival Huế 2016, Nhà xuất bản Đại học Huế phát hành cuốn sách Triết gia Trần Đức Thảo - Di cảo, Khảo luận, Kỷ niệm - do nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Kiên sưu tầm và biên soạn.

Sách dày 1.799 trang, khổ 13x2 cm, được in 2.000 bản; giới thiệu 20 tác phẩm quan trọng của Giáo sư Trần Đức Thảo và hơn 50 bài báo, bài nghiên cứu, tham luận của các nhà triết học, học giả, nhân sĩ, trí thức của Việt Nam, Pháp, Mỹ… về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng triết học của ông.

Giáo sư Trần Đức Thảo vốn là học sinh xuất sắc của Trường trung học Pháp Albert Sarraut (Hà Nội),  sau khi đỗ xuất sắc tú tài, ông theo học Trường Luật Hà Nội. Năm 1939, Trần Đức Thảo thi đỗ vào Trường cao đẳng Sư phạm phố d’ Ulm (thủ đô Paris) - một trường nổi tiếng ở Pháp về truyền thống tư tưởng tân tiến, văn hoá và khoa học hiện đại. Đến năm 1945, ông tốt nghiệp thủ khoa, nhận học vị thạc sĩ triết học về luận án Phương pháp hiện tượng luận của Husserl.

Từ cuối năm 1942, Trần Đức Thảo nhiệt tình tham gia các hoạt động yêu nước tại Pháp. Trong buổi họp báo vào giữa tháng 9/1945, một nhà báo hỏi: “Bây giờ, quân đội Leclerc sắp đổ bộ vào Đông Dương, thế thì người Việt Nam sẽ tiếp đón như thế nào?”. Trần Đức Thảo trả lời: “Bằng tiếng súng!” (à coups de fusil!). Sự việc này gây tiếng vang và được ghi nhận trên báo chí ngày ấy. Nó cũng đã khiến ông bị bắt và bị giam ở nhà tù Prison de la Santé 3 tháng vì nhà cầm quyền Pháp quy tội ông đã “tấn công vào sự ổn định của Nhà nước Pháp trong những lãnh thổ mà nước Pháp nắm quyền”. Tình hình khách quan cùng sự đối nghịch sâu sắc giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân đã hướng ông đến chủ nghĩa Marx. Năm 1951, Trần Đức Thảo xuất bản tác phẩm Phénoménologie et Matérialisme Dialectique (Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng) gây tiếng vang lớn trong giới triết học tại Pháp và trên thế giới, đồng thời nhanh chóng trở thành tác phẩm kinh điển của triết học châu Âu.

Năm 1952, ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, dấn thân phụng sự Tổ quốc với tư cách của một trí thức yêu nước. Năm 1953, ông tham gia sáng lập Ban Văn–Sử–Địa (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Năm 1954, sau khi về tiếp quản thủ đô, Giáo sư Trần Đức Thảo tham gia tiếp quản Trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1955, ông giảng dạy lịch sử cổ đại tại Đại học Sư phạm (Hà Nội), là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa; Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời gian này, ông công bố nhiều bài viết giá trị về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Từ năm 1956, Giáo sư Trần Đức Thảo tham gia dịch sang tiếng Việt các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx–Lenin tại Nhà xuất bản Sự thật và khởi thảo các công trình về nguồn gốc loài người và ý thức của con người, sự hình thành tiếng nói, động tác chỉ dẫn… bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành khoa học. Những nghiên cứu mới của ông được công bố trên các tạp chí triết học uy tín của Pháp.

 Năm 1986, Giáo sư Trần Đức Thảo chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sống và làm việc. Năm 1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử Giáo sư Trần Đức Thảo sang công tác tại Cộng hòa Pháp. Tại đây, ông công bố hai tác phẩm kết tinh sự nghiệp nửa thế kỷ nghiên cứu triết học của mình: Recherches Dialectiques (Những nghiên cứu về các mối liên hệ biện chứng) và La Logique du Présent vivant (Sự logic của thời Hiện tại sống động). Qua hai tác phẩm này, ông đã thống nhất logic hình thức và logic biện chứng thành logic hình thức –biện chứng, góp phần khẳng định rằng duy vật và duy tâm chỉ là hai mặt của một vấn đề.

Giáo sư Trần Đức Thảo qua đời tại Paris ngày 24/4/1993. Ngày 27/4 /1993, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Giáo sư Trần Đức Thảo, vì “đã có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc”. Năm 2000, Giáo sư Trần Đức Thảo được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình Những nghiên cứu về nguồn gốc của tiếng nói và ý thức.

Đến nay, tác phẩm của ông vẫn được giới triết học cùng đông đảo công chúng tìm đọc và đánh giá cao; đồng thời, tạo nhiều cảm hứng cho thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu và phát triển những tư tưởng triết học của ông trên tinh thần chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản mà ông khởi xướng. 

Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Trần Đức Thảo (26/9/1917 – 26/9/2017), NXB Đại học Huế đã xuất bản cuốn sách Triết gia Trần Đức Thảo - Di cảo, Khảo luận, Kỷ niệm là một công trình có ý nghĩa để tri ân Nhà Triết học với nhân cách lớn và đăng tải những công trình khảo luận đầy tâm huyết viết về ông.

PHAN CÔNG TUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Festival Huế 2018 sẽ diễn ra trong 6 ngày, đêm

Chiều 1/9, UBND tỉnh tổ chức tổng kết Festival Huế 2016. Các ông: Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự.

Festival Huế 2018 sẽ diễn ra trong 6 ngày, đêm
Thân thuộc

Là tôi muốn nói về điều mình đã bắt gặp hôm ấy, trong một ngày nắng ở làng cổ Phước Tích. Đó là những ngày đầu tiên của Festival Huế 2016.

Thân thuộc
Hào hứng nhập cuộc

“Bước chân ra ngõ là gặp hội”, không khí ấy khiến Huế rộn ràng suốt mấy ngày qua và người dân cũng không còn thờ ơ với festival như những kỳ đầu. Họ đã nhập cuộc một cách hào hứng.

Hào hứng nhập cuộc
Festival Huế và hơn thế nữa

Festival Huế 2016 đã kết thúc, trong những ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ công chúng. Thừa Thiên Huế Cuối tuần số này xin giới thiệu góc nhìn về Festival Huế của bà Tạ Thị Ngọc Thảo - một doanh nhân thành đạt gắn bó với Huế.

Festival Huế và hơn thế nữa
Return to top