Những ghi nhận bước đầu về Festival Huế 2010 đã cho thấy dấu hiệu vui. Không còn sự thờ ơ như ngày nào. Ở tất cả các sân khấu, năm nay lượng khán giả đến xem dù khuya nhưng vẫn khá ổn định, có nơi rất đông. Sân khấu cung An Định những năm trước vắng vẻ nay đông vui hẳn lên. Khán giả như cùng “cháy lên” với các nghệ sĩ đến từ Úc, từ Cuba, từ Senegal hay Ixraen.
Đã như không còn có sự cách biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Ở các huyện, công chúng hoan nghênh nhiệt liệt khi các đoàn về diễn, do vậy có đoàn phải tăng thời lượng gấp đôi vì lý do đơn giản là công chúng không chịu…về. Các lễ hội cộng đồng như “Hơi thở của nước” hay “Cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn” có hàng người tham dự. Các họat động triển lãm, festival thơ…cũng thu hút đông đảo người xem. Những lễ hội như “Chợ quê ngày hội”, “Hương xưa làng cổ” khách và bà con từ các nơi xa về dự rất đông.
Nét đẹp huyền bí của Đêm phương đông
Không chỉ tham gia trong vai trò dự khán, người dân còn đóng vai trò là người chủ đích thực của các họat động lễ hội. Những nhà dân vẫn tiếp tục được mở cửa để đón khách. Không dừng lại ở mục tiêu kiếm sống, những người đạp xích lô, đi xe ôm hay lái xe taxi cũng tự xác định cho mình nhiệm vụ phục vụ tốt hơn các đối tượng khách hàng. Tôi về Phú Mậu dự khai mạc lễ hội “Sắc màu Thanh Tiên” mới hay họa sĩ Thân Văn Huy và bà con trong vùng đã chuẩn bị cho ngày hội tại ngay chính xóm thôn mình bằng sự đam mê, khả năng sáng tạo và còn bằng cả bầu nhiệt huyết cháy bỏng. Ở tận trên Huế, nhưng trong những ngày khai hội “Hương xưa làng cổ”, anh Lê Trọng Cáp đã liên tục về quê để đón tiếp bạn bè thân hữu và khách du lịch đến làng di sản Phước Tích quê hương, nơi anh có ngôi nhà cổ 125 năm tuổi trong ngày hội lớn.
Người dân Huế những ngày này cũng đã biết điều chỉnh cho mình lối sống. Họ xuống phố vào ban đêm; văn hóa, lịch thiệp, cởi mở và thân thiện trong ứng xử; xứng mặt là chủ nhân của cuộc chơi lớn Festival Huế, chủ nhân đích thực của thành phố Festival duy nhất của Việt Nam.
Đinh Nam