ClockThứ Bảy, 21/11/2015 17:43

“Tia nắng” miền cao

TTH - Học giỏi, hát hay, hòa đồng thân thiện, từng được tặng danh hiệu "vua phá lưới" và là MC có cách dẫn tự nhiên, lôi cuốn trong những chương trình biểu diễn văn nghệ, cô học trò Hồ Thị Hương Mai (lớp 9/1 Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện A Lưới) là niềm tự hào của bạn bè, thầy cô.
 

Không muốn phụ lòng cha mẹ

Gương mặt rạng rỡ của Mai khiến chúng tôi nghĩ ngay đến “phía sau” em là một gia đình hạnh phúc. Quả thật, cô Hiệu trưởng Trần Thị Lệ “suýt xoa” rất nhiều khi kể, đó là một gia đình thuộc diện khó khăn, nhưng rất quan tâm đến việc học hành của con. Vào những mùa thu hoạch lúa ngô, học sinh ở đây “mất tích” ba, bốn ngày thậm chí cả tuần, mươi ngày để phụ giúp gia đình, hoặc trong quá trình học, nhiều em đột ngột bỏ luôn. Khi giáo viên tìm đến vận động học trò trở lại lớp, bố mẹ các em thường “giãi bày” lý do “không có ai đi làm việc cô ơi”, “không có tiền cô ơi”. Thế nhưng đối với gia đình Mai, dù nhiều năm liền cái ăn cái mặc còn eo hẹp, “giật gấu vá vai”, bố mẹ vẫn nhất quyết không để các con bỏ học dù chỉ một buổi, còn mình chưa lần nào vắng mặt trong các buổi họp phụ huynh.
Sau 5 tiết học, đạp xe về đến nhà ở cuối thôn Cân Te, xã Hồng Thượng đã trưa đứng bóng, cô con gái “út ít” vội vã nhóm bếp. Khi bữa cơm trưa đạm bạc với món rau rừng và chén muối giã lẫn ớt vừa lên mâm cũng là lúc bố mẹ Mai cõng chiếc gùi trĩu củi trên lưng trở về. Quẹt mồ hôi lấm tấm, người cha tươi cười chia sẻ, ông chỉ học đến lớp hai, còn vợ không biết chữ. Cái chữ ít ỏi nên cuộc sống vất vả lắm. Ngày trước nghèo quá phải quây phên, lấy lá mía lợp mái nhà, mưa dột suốt. Vợ chồng suốt ngày cắm cúi làm nương làm rẫy và “theo chân” mấy con trâu, gần hai chục năm mới sửa được căn nhà cho chắc chắn. Nghe theo lời Đảng, Nhà nước sinh hai con, vợ chồng ông quyết phải để anh em Mai không đói cái chữ. “Việc chưa xong, mình và vợ có thể ở lại trên nương trên rẫy, trong rừng suốt cả trưa hoặc đến tối mịch về cũng được. Áo có sờn thì vá lại. Vợ chồng mình vất vả hơn đến mấy cũng được, nhưng không để các con phải bỏ học. Lần nào nhà trường mời họp phụ huynh, bận cách chi vợ chồng mình cũng “phân công” một người đến dự, để nắm bắt tình hình học tập của con cái, để biết con có ngoan không” - Người nông dân Tà ôi bộc bạch. Cô con gái ngước nhìn cha mẹ, ánh mắt lấp lánh yêu thương trìu mến. Mai nói trong lúc nhiều bạn cùng lứa tuổi phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, còn mình được cha mẹ ưu tiên. Ở trường, các thầy cô giáo lúc nào cũng quan tâm, động viên, cổ vũ, nên em không muốn phụ lòng cha mẹ, thầy cô.
“Tia nắng” ấm áp
Chăm chỉ học và làm thật tốt tất cả những lời dạy bảo của thầy cô, cha mẹ là cách đền đáp của Hồ Thị Hương Mai. Chỉ một lần cha dặn, nhưng chưa bao giờ em quên khi ra đường, nếu trời nắng bụi bặm, trời mưa đọng nước, phải đi nhẹ nhàng ý tứ để không làm té nước, té bụi lên người khác. Giúp đỡ hay nhường nhịn người già trẻ nhỏ là việc đương nhiên phải làm… Có lẽ vì vậy mà cô học trò nhỏ luôn được những người xung quanh yêu mến vì tính cách hòa đồng, thân thiện hay giúp đỡ người khác. “Em thích Mai vì bạn thường nhiệt tình giảng giải bài tập em chưa hiểu”, “em thích chị Mai vì chị dẫn chương trình văn nghệ rất hay”, “em thích vì Mai không chỉ học giỏi mà còn hát hay, múa đẹp, hay cười”… Một cô giáo hãnh diện “bổ sung”: “Được cha mẹ ưu tiên thời gian cho việc học, nhưng cô học trò này cũng rất giỏi việc nhà. Ngày nghỉ hoặc kỳ hè, em lên nương trỉa lúa, ngô, trồng sắn, làm cỏ. Không việc gì là không biết. Thời gian ở trường, Mai tham gia các hoạt động phong trào rất sôi nổi. Em đá bóng giỏi lắm, là cầu thủ kỳ cựu trong đội bóng đá nữ của trường, từng đạt danh hiệu “Vua phá lưới” và giải nhất cấp huyện môn ném bóng”.
Cô Trần Thị Lệ nhớ lại cảm xúc lâng lâng khi cô học trò nhỏ của trường làm đội trưởng văn nghệ (do Huyện đoàn dẫn đi) tham dự cuộc thi “Tiếng hát hoa hoa phượng đỏ” cấp tỉnh năm học 2013-2014. Tiết mục tam ca có Mai tham gia trình diễn bài hát “Hè về mưa rơi” đoạt giải đặc biệt. “Các năm học, Mai đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm nay em ở trong đội tuyển học sinh giỏi (môn văn) của trường, chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Học giỏi, hát hay, hoạt động phong trào sôi nổi, ghi được nhiều “dấu ấn”, Hồ Thị Hương Mai là niềm kiêu hãnh, đại diện cho học trò ở miền cao A Lưới, chứng tỏ dù hoàn cảnh sống, học tập còn khó khăn thiếu thốn hơn các bạn bè ở thành phố, nhưng vẫn không hề “thua chị kém em”. Mai như một tia nắng ấm áp là điều đáng tự hào nhất”.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để giảng đường không khói thuốc lá

Với nhiều biện pháp tích cực, nhiều trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Huế (ĐHH) đã hạn chế tối đa cán bộ, giảng viên, sinh viên hút thuốc lá trên giảng đường.

Để giảng đường không khói thuốc lá
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Return to top