*Ông có thể cho một số lời khuyên và lưu ý để thí sinh làm bài thi môn vẽ mỹ thuật đạt điểm cao?
Để thi vào Trường đại học Nghệ thuật Huế, ngoại trừ ngành điêu khắc, các ngành còn lại thí sinh phải thi môn vẽ mỹ thuật, gồm hình họa và trang trí.
Sinh viên Khoa Hội họa, Trường đại học Nghệ thuật Huế trong giờ thực hành
Đối với bài thi môn hình họa, đây là môn mang tính chất tích lũy kỹ năng. Muốn làm tốt thí sinh phải học, luyện tập nhiều từ trước; tuy nhiên, có một số điểm thí sinh cần lưu ý đối với môn hình họa là: phải biết dựng hình - đây là điều quan trọng nhất; thứ hai là phần đánh bóng, nên lưu ý đánh sao cho khi nhìn vào hình vẽ thấy rõ hình vẽ đó được phân ra thành 3 diện: diện sáng, diện trung gian và diện tối. Thường những bài thấy được 3 diện chính đó sẽ có điểm cao hơn vì chứng tỏ sinh viên đã làm chủ được cách nhìn, cách vẽ. Ngoài ra, thí sinh cần lưu ý về việc vẽ chi tiết. Vẽ được chi tiết mẫu là tốt, nhưng nếu vẽ quá chi tiết trong khi chưa nắm được 2 kỹ năng trên thì làm bài hư thêm. Mặc khác, đây là bài thi đầu vào nên chưa đòi hỏi phải diễn tả quá chi tiết, đôi khi diễn tả quá chi tiết khiến bài bị vụn, hư.
Đối với môn thi trang trí, lời khuyên đầu tiên là nên đọc đề thật kỹ, phải cân nhắc mỗi câu chữ. Đây là chìa khóa và là điểm quan trọng nhất bởi những năm trước đã có nhiều thí sinh hoặc đọc đề không kỹ, hoặc là làm bài tủ, tức là các em đi luyện thi có một số bài tủ rồi khi vào thi cứ đưa bài tủ ra, không chịu đọc kỹ đề. Thông thường những kiểu lạc đề như vậy khiến thí sinh mất điểm rất nghiêm trọng. Những yêu cầu như bố cục, màu sắc, họa tiết... được nêu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong đề thi; ví dụ đề yêu cầu như thế nào về hòa sắc? Thể thức bố cục bắt buộc phải theo một kiểu đăng đối nào đó, hay cho phép bố cục tự do? Các loại họa tiết nào là phù hợp với tính chất bài làm?... Tóm lại, chìa khóa của bài thi trang trí là đọc và phân tích đề kỹ. Thí sinh cũng nên luyện tập cách điệu họa tiết ở nhà, vì những họa tiết đó chắc chắn sẽ được vận dụng vào bài thi. Cách điệu là xử lý đường nét, màu sắc, hình thể của các đối tượng khác nhau trong cuộc sống như các loại thảo mộc, động vật, vật dụng, con người… cho đẹp hơn, thường là theo hướng kỷ hà hóa. Lúc vào thi, tùy theo tính chất của đề mà thí sinh đem những họa tiết cách điệu đã được luyện tập để áp dụng sao cho phù hợp.
*Từng tham gia chấm thi nhiều năm, ông có thể cho biết bài thi như thế nào sẽ gây “ấn tượng” đối với hội đồng chấm thi và giúp thí sinh có điểm cao? Trong bài thi môn vẽ mỹ thuật, tính sáng tạo có được đánh giá cao?
Mỗi bài thi hình họa, trang trí được thiết kế để đánh giá các khả năng khác nhau của thí sinh. Bài hình họa chủ yếu là đo lường khả năng quan sát và diễn tả của thí sinh, còn tính sáng tạo thì được đánh giá thông qua bài thi trang trí. Bài trang trí là bài không có mẫu trực quan để tái hiện nên đòi hỏi khả năng sáng tạo và khả năng vận dụng ở thí sinh. Đối với bài trang trí, khi luyện thi hoặc tự luyện tập ở nhà, thí sinh chỉ có thể làm quen với vài ba dạng bài phổ biến, nhưng khi vào thi thí sinh có thể gặp một dạng bài hoàn toàn khác. Lúc này, thí sinh phải thông minh, biết vận dụng, chọn lấy những phần này phần khác trong những bài đã được làm quen để tập hợp vào một bài thi sao cho phù hợp, như vậy sẽ tốt hơn làm một bài tủ từ đầu tới cuối. Vì vậy, có thể nói tính sáng tạo nằm ở khả năng vận dụng nữa và khả năng này rất quan trọng, được người chấm thi đánh giá cao.
*Ngoài những điểm đã nói ở trên, thí sinh còn cần lưu ý điều gì nữa khi đi thi, thưa ông?
Khi đi thi, cần lưu ý những thứ không được mang vào phòng thi thì đừng mang vào. Những thứ được phép mang vào phòng thi thì trong thông báo tuyển sinh đã nói rõ, ví dụ thi hình họa cần mang bút chì, tẩy, que đo, dây dọi, kẹp giấy, bảng vẽ, ngoài ra cần mang theo gọt bút chì. Còn thi trang trí thì đem theo bút chì, bút lông, màu vẽ, keo, vật dụng đựng nước, bảng hòa màu, compa, thước kẻ, kẹp giấy, bảng vẽ. Lưu ý thêm là thí sinh đã quen vẽ bằng loại màu gì thì đem theo loại màu đó để làm bài thi, đừng đổi qua loại màu khác vào giờ chót.
Kỹ năng tô màu, hòa màu cũng là một tiêu chí trong thang điểm chấm thi. Với những bài thi có cùng chất lượng về bố cục, nhưng bài nào màu tô đều, sắc sảo, không xù xì, trình bày cân đối, sạch sẽ thì chắc chắn điểm sẽ cao hơn. Điều này ít thí sinh lưu ý đến, nhiều thí sinh chỉ nghĩ bố cục đẹp là được nhưng nếu bố cục đẹp mà tô màu không thể hiện được kỹ năng tô chỉnh chu thì sẽ mất điểm một cách đáng tiếc.
*Xin cảm ơn ông!
Ngọc Hà (thực hiện