Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ trong suốt 10 năm tổ chức
Sân chơi bổ ích
Là sân chơi nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo KHKT của học sinh, cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh khối THCS và THPT của tỉnh những năm qua có sức hấp dẫn lớn và đã thu hút một lượng không nhỏ học sinh tham gia, với nhiều đề tài, nội dung phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đề tài toán học, vật lý, hóa - sinh cho đến các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - hành vi. Mỗi đề tài đều có một mục đích cụ thể, một ý nghĩa đặc biệt.
Cuộc thi trở thành một hoạt động thiết thực, thật sự là một sân chơi trí tuệ đỉnh cao, bổ ích và hấp dẫn cho các em học sinh. Đến với cuộc thi, các em học sinh dần hình thành và phát triển tư duy khoa học, ý tưởng sáng tạo, khả năng vận dụng các kiến thức được học vào việc tìm tòi, phát hiện và giải quyết các vấn đề của thực tiễn của cuộc sống. Cuộc thi còn là cơ hội giúp học sinh giao lưu học tập, chia sẻ ý tưởng sáng tạo với các bạn bè trong và ngoài trường.
Theo thầy giáo Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã góp phần thúc đẩy mạnh công tác đổi mới cách dạy, cách học, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong các nhà trường phổ thông. Từ đó, việc đổi mới phương pháp dạy học lại có tác dụng thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh đạt chất lượng cao hơn. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu sáng tạo chưa cao, nhưng sự nỗ lực của thầy cô giáo cùng với lòng say mê tìm tòi, quyết tâm khám phá cái mới của các em học sinh đã làm cho không khí nghiên cứu khoa học trong các cơ sở trường học ngày càng sôi nổi, tích cực hơn.
Còn nhớ trong những ngày đầu phát động cuộc thi, năm 2010 chỉ có 15 đề tài tham gia cuộc thi cấp tỉnh đến từ 2 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Những năm về sau, số lượng đề tài và đơn vị tham gia ngày một tăng. Năm 2021, cả tỉnh có tổng cộng 132 đề tài đến từ 66 đơn vị tham gia.
Từ khi tham gia Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp Quốc gia đến nay, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã đoạt tổng cộng 54 giải Quốc gia, trong đó 39 giải lĩnh vực và 15 giải toàn cuộc. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế được vinh dự hai lần có sản phẩm tham dự Cuộc thi KHKT Quốc tế tại Hoa Kỳ. Lần đầu tiên vào năm 2011, đề tài “Đo chiều cao và góc trong không gian nhờ hệ gương phẳng” của Hà Thúc Tiến và Phạm Phước Long (Trường THPT chuyên Quốc Học Huế) được tham gia dự thi tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Vào năm 2021, dự án “Kích thích tư duy toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch” của 2 em Huỳnh Đăng Khoa và Lê Anh Châu (Trường THCS Nguyễn Tri Phương) đoạt giải đặc biệt do Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ trao tặng.
Năm học 2021-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh dừng đến trường, nhưng Thừa Thiên Huế vẫn tổ chức thành công cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dưới hình thức trực tiếp với quy mô ngày càng lớn và thu hút sự tham gia sôi nổi của học sinh. Có thể nói, phong trào thi đua tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu KHKT của học sinh phát triển khá nhanh, mạnh, từ bề rộng lan đang tỏa và chuyển thành chiều sâu.
Tiếp tục phát triển
Sau 10 năm triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường THCS và THPT, đến nay đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng đã có nhận thức đúng hơn về vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh với việc phát triển giáo dục trung học; góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy và học; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học sinh, phát triển năng lực của học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Thầy giáo Đặng Phước Mỹ thông tin, hoạt động nghiên cứu trong học sinh là một trong những hoạt động hữu ích và tác động rất lớn đến việc đổi mới phương pháp và tổ chức dạy học trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, việc duy trì cho được hoạt động này trong các trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, sự quan tâm của các đơn vị đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. “Cần bền bỉ, thúc đẩy và hỗ trợ từ nhiều phía như: chính sách vĩ mô từ Bộ GD&ĐT, việc liên kết giữa các nhà khoa học với các trường phổ thông, hỗ trợ học sinh tiến hành thí nghiệm chỉ có ở các phòng thí nghiệm đặt biệt,… mới mong duy trì hoạt động này lâu dài”, thầy Đặng Phước Mỹ cho biết.
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH