ClockThứ Ba, 24/05/2016 09:27

15 cuộc thi một năm còn sức đâu giảng dạy?

Từ đặt hàng của một giáo viên đến tân Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, các chuyên gia giáo dục cùng bàn luận câu hỏi: "15 cuộc thi trong một năm có là quá nhiều đối với các giáo viên?".

Giáo viên "bở hơi tai" với nhiều cuộc thi mang đậm tính thành tích, làm ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy

Giáo viên không những phải tham gia nhiều cuộc thi như thi giáo viên dạy giỏi, thi đồ dùng dạy học tự làm… mà còn chịu trách nhiệm hướng dẫn học sinh đi thi học sinh giỏi, văn hay chữ tốt, hùng biện tiếng Anh,…

“Không hiểu sao áp lực lên các giáo viên bây giờ ngày càng dồn dập, không những phải tham gia nhiều cuộc thi mà còn phải làm sổ sách, viết sáng kiến, đảm bảo chỉ tiêu học sinh giỏi, học sinh lên lớp…” - PGS.TS Trần Hữu Tá, chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, nêu nhận xét.

Câu hỏi đặt ra là liệu rằng dưới nhiều tầng áp lực như thế thì các giáo viên có đảm bảo được chất lượng giảng dạy?

Quá nhiều cuộc thi, quá nhiều áp lực

Một giáo viên chia sẻ sự mệt mỏi trước các cuộc thi mà mình phải tham gia: “Giáo viên ngoài trách nhiệm giảng dạy cho học sinh còn nhiều nhiệm vụ khác liên quan đến các hoạt động toàn diện của trường. Khi phát động các cuộc thi, giáo viên không thể không tham gia. Mà đã tham gia thì phải cố gắng hết sức chứ không thể làm qua loa vì đó là danh dự của mình, của bộ môn và của cả nhà trường. Nhưng như vậy thì tốn rất nhiều công sức và không còn thời gian đầu tư cho các tiết dạy”.

Chia sẻ với những áp lực này, GS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người - cho rằng không nên tổ chức quá nhiều cuộc thi dành cho giáo viên và buộc họ phải tham gia một cách gượng ép.

Theo GS Nguyễn Võ Kỳ Anh, trong một năm học nhà trường chỉ nên lựa chọn một số cuộc thi nhất định cho giáo viên tham gia để kích hoạt sự sáng tạo và năng lực giảng dạy chứ không nên buộc giáo viên phải thi nhiều cuộc thi.

“Một năm mười mấy cuộc thi như thế thì còn đâu thì giờ để đầu tư cho chất lượng giảng dạy nữa” - GS Nguyễn Võ Kỳ Anh nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ThS Lê Thị Loan - nguyên trưởng khoa giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục Hà Nội) cho rằng mỗi nhà trường nên chọn ra một nhiệm vụ chính của năm học, thông qua đó tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao trình độ giáo viên. Không nên tổ chức thi tràn lan vì đó là biểu hiện của bệnh thành tích.

ThS Lê Hoàng Giang - giảng viên Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng nhiều giáo viên cũng tự đặt nặng vấn đề thành tích lên bản thân, dẫn đến việc chểnh mảng trong công tác giáo dục cho học sinh.

ThS Lê Hoàng Giang cũng không phủ nhận tính thực tế của một số cuộc thi dành cho giáo viên. Tuy nhiên điều quan trọng là chính các giáo viên khi tham gia các cuộc thi này có hướng đến hiệu quả lâu dài mang lại cho học sinh hay không hay chỉ đặt nặng vấn đề thành tích.

Cần tổ chức lại các cuộc thi

Các chuyên gia giáo dục đều đồng tình rằng 15 cuộc thi trong một năm là quá nhiều.

ThS Lê Hoàng Giang cho rằng nội dung của nhiều cuộc thi bị chồng chéo về mặt chuyên môn, cần phải tổ chức lại.

ThS Lê Thị Loan đề xuất nên thay các cuộc thi bằng những hình thức khác như chuyên đề, hội diễn, giao lưu, tọa đàm học hỏi giữa các giáo viên với nhau.

Ở những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, những cuộc thi của giáo viên lẫn học sinh đều như những cuộc chơi, mục đích chính là để người tham gia giao lưu và học hỏi chứ không có ganh đua thành tích, ThS Lê Thị Loan dẫn chứng.

Theo ThS Lê Thị Loan, mỗi nền giáo dục đều có cách khác nhau. Không phủ nhận các cuộc thi nhưng nếu lạm dụng thì có thể gây tác dụng ngược.

Nên tạo điều kiện để giáo viên đầu tư giảng dạy

Theo PGS.TS Trần Hữu Tá, trong giáo dục nên bớt những cuộc thi mang tính hình thức mà tập trung vào phát triển chiều sâu của việc giảng dạy nhiều hơn.

Bởi hiệu quả công việc của người giáo viên không thể đánh giá qua những cuộc thi mà qua chính những công việc thầm lặng của họ trong từng buổi học, từng tiết dạy.

“Không phủ nhận tính hiệu quả của những đợt thi đua, những phong trào phát động nhưng chỉ nên coi những hoạt động này là bổ trợ chứ không nên coi là mục đích và phương tiện giảng dạy chủ yếu” - PGS.TS Trần Hữu Tá nêu ý kiến.

PGS.TS Trần Hữu Tá cho rằng thật sai lầm khi xem những cuộc thi này là công cụ chủ yếu để đẩy mạnh chất lượng dạy và học.

Thay vào đó, hãy để người giáo viên có thời gian bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, học hỏi lẫn nhau trong tập thể khối, tập thể trường. Từ đó chất lượng giảng dạy của họ sẽ được nâng cao, chứ không phải thông qua những hình thức hào nhoáng.

Không chỉ là 15 cuộc thi!

Bên cạnh 15 cuộc thi trong một năm do bạn đọc Võ Văn Khởi (GV trường THCS Võ Văn Chỉnh, Gò Công Đông, Tiền Giang) nêu trong thư đặt hàng với tân Bộ trưởng Bộ GD – ĐT, nhiều bạn đọc còn “bổ sung” thêm nhiều cuộc thi như thi văn nghệ, thi thể thao, thi hội khỏe Phù Đổng, thi nghi thức Đội, thi về ngày 20-11 (thao giảng, giáo án tốt,…), thi tìm hiểu về công đoàn ngành... và hàng chục cuộc thi tìm hiểu khác nữa.

Ngay cả cuộc thi giáo viên giỏi cũng bị nhiều bạn đọc đánh giá là không thực chất, lãng phí sức lực, tiền bạc và thời gian của cả thầy và trò.

“Cả trường cùng tất bật cho một tiết dạy với khoảng thời gian chuẩn bị và dạy thử khổng lồ. Một giáo viên đi thi có hàng chục đạo diễn đứng sau, người soạn giáo án, người làm đồ dùng dạy học, rồi người dự giờ góp ý năm lần bảy lượt. Danh hiệu của một người, công sức cả chục người. Ôi thành tích!!!” - một bạn đọc nói.

Theo Tuổi trẻ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học

Từ ngày 27-29/11 tại TP. Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn cho giáo viên tiếng Pháp cấp tiểu học.

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Return to top