ClockThứ Bảy, 18/11/2017 13:16

“A kay” đến lớp

TTH - Thập niên 90 của thế kỷ trước, Trường mầm non xã Hồng Bắc (huyện A Lưới) ra đời. Không còn theo mẹ trên lưng lên nương rẫy, “A kay” được đến trường, học hát, học múa và hơn thế, được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ.

Trẻ em ở Hồng Bắc được chăm sóc tốt

Mọi chuyện lúc đầu không dễ dàng. Chính quyền địa phương chỉ xây dựng được hai phòng học mới ở cơ sở 1 Lê Ninh, còn cơ sở 2 Lê Lộc phải tận dụng trường tiểu học cũ. Cô trò nơm nớp lo khi mưa bão. Bàn ghế cũng thiếu, chừng 40 bộ nên bọn trẻ cứ ngồi nằm la liệt dưới nền mà vẽ, mà chơi. Sân trường không có cây xanh, không sân chơi mà cũng chẳng có hàng rào, lụp xụp và tạm bợ. Đường đến trường lại càng vất vả hơn khi có nhiều bà mẹ phải địu con gần 3 km. Trời mưa đường lầy lội, đất đỏ văng tung tóe nên khi đến trường, mặt bọn trẻ trông nhem nhuốc, tội nghiệp. Toàn xã có 170 cháu nhưng đi không đều, bữa học, bữa nghỉ.

Cô giáo Trần Thị Nghiêu, Hiệu trưởng Trường mầm non Hồng Bắc, nhớ lại: "Đi lại khó khăn, mỗi ngày đạp xe gần 10km. Vào trường, giáo viên phải gửi xe, đi bộ từ trạm biên phòng vào hơn 1 km. Lúc ấy, toàn trường chỉ có 10 giáo viên, nhân viên, trong đó, có đến 5 giáo viên hợp đồng, tiền công chưa đến 300 nghìn đồng/tháng. Tiền bạc ít ỏi, dù “khéo co” nhưng chẳng đủ để trang trải cuộc sống. Buổi trưa, các cô đem theo những gói cơm nấu bằng gạo hẩm góp lại cùng ăn. Thức ăn chỉ là cá khô, ít rau luộc và trường kỳ vẫn là món ớt tươi đâm trộn muối. Thế nhưng, không ai muốn bỏ cuộc...".

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên, dân tộc Pa Cô, bộc bạch: “Tôi được nhà trường tạo điều kiện để thi vào Trường đại học Sư phạm Huế, Khoa Tiểu học. Vất vả, khó khăn trăm bề nhưng chúng tôi động viên nhau hoàn thành tốt việc học, việc trường. Sau 4 năm kiên trì học tập và làm việc, tôi nhận được bằng tốt nghiệp cùng với giấy khen "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở" của Sở Giáo dục và Đào tạo”. Sau hơn 10 năm, 25/30 giáo viên của trường tốt nghiệp các lớp cao đẳng, đại học sư phạm ở Huế. Nhiều giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Trường mầm non Hồng Bắc đạt chuẩn quốc gia.

Ước mơ có một ngôi trường khang trang, rợp bóng cây xanh thành hiện thực khi năm 2008, xã Hồng Bắc đã linh hoạt kết hợp nhiều chương trình, dự án để xây ngôi trường với 3 dãy phòng học kiên cố. Trường mầm non Hồng Bắc nằm ngay sát con đường nhựa dẫn vào trung tâm xã. Ba dãy phòng với 19 phòng học, phòng chức năng khang trang, ngăn nắp theo hình chữ U chừa lại khoảnh sân rất rộng phía trước. Những góc vui chơi ngoài trời của học sinh trong trường có cầu trượt, xích đu... và những hồ câu cá "nhân tạo" bằng những chiếc chậu nhựa xinh xinh.

Hồng Bắc là một xã khó khăn, trong 495 hộ gia đình có trên 80 hộ nghèo, phần đông là dân tộc Pa Cô, kinh tế chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, thu nhập khá thấp. Hiệu trưởng Trần Thị Nghiêu kể: "Những đêm rét mướt mưa dầm, đường trơn lầy lội, Bí thư Đảng ủy Lê Văn Tà Lo và Chủ tịch UBND xã Lê Minh Rói cùng các cô lặn lội đến từng bản vận động người dân đóng góp xây dựng bán trú nuôi trẻ. Sự tận tâm của các cô đã thuyết phục được đồng bào. Phụ huynh đóng góp 13 triệu đồng và cộng thêm 10 triệu đồng do UBND xã hỗ trợ, nhà trường mua sắm đồ dùng. Giấc mơ “cơm có thịt" đã trở thành hiện thực với con trẻ ở xã Hồng Bắc".

Từ khi được Nhà nước hỗ trợ ăn trưa cho trẻ theo chương trình, đề án 239 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉ lệ trẻ ra lớp cũng đông hơn. Các cô linh động trong việc thu phí nên nếu phụ huynh không đủ tiền nộp một lần, cô giáo có thể thu nhiều lần. Thậm chí, phụ huynh khó khăn quá, cô giáo sẵn sàng cho mượn hoặc hỗ trợ cho các cháu, trồng thêm rau, trái góp vào để bảo đảm tiêu chuẩn bữa ăn cho các cháu. Thế nên, có đến 100% trẻ từ 3 - 5 tuổi và gần 50% trẻ từ 0 - 2 tuổi ở xã Hồng Bắc đã được đến trường.

Hơn một nửa giáo viên là người Kinh nên các trẻ được dạy tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi trong ngày với cô, với bạn và được rèn kỹ năng sống. Nhiều tiết học được xây dựng, lồng ghép theo chủ đề tái hiện các lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn bản sắc địa phương. Mỗi tuần, cô giáo và học sinh đều mặc trang phục truyền thống của người Pa Cô từ 2 đến 3 ngày. Đây cũng là cách giúp các em ghi nhớ về bản sắc dân tộc mình.

Rời Hồng Bắc, tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng cười giòn tan của bọn trẻ khi chân xoay tròn, miệng hô vang những tiếng "hây! hây!" theo hướng dẫn của cô giáo trong điệu múa lễ hội truyền thống của người Pa Cô. Đã bao đời, những đứa bé dân tộc vùng cao luôn được mẹ địu lên rẫy bẻ ngô, trồng sắn... lấm lem, vất vả. Còn bây giờ quá khác, nơi sân trường, các “A Kay” trông duyên dáng và đáng yêu lạ.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Chuyện về những giáo viên không cầm phấn

Thật ngạc nhiên và cảm động khi chứng kiến một lớp học không cần bảng đen, những giáo viên dạy trẻ khiếm thị chỉ bằng tiếng gõ lạch cạch, cái sờ tay và bằng cả trái tim yêu thương.

Chuyện về những giáo viên không cầm phấn
Return to top