Giao quyền chủ động cho các trường
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo (GD - ĐT), ứng phó khi bão, lũ, sở đã giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn căn cứ tình hình thực tế để cho học sinh nghỉ học khi thời tiết diễn biến bất thường.
Học sinh đến trường khi đường ngập, không an toàn
Trong đợt lũ xảy ra ngày 20/11, các trường đã đưa bản thông báo ngắn gọn về việc cho học sinh nghỉ học ngay từ đêm trước. Tuy nhiên, trong ngày 21/11 vẫn xảy ra tình trạng nhiều trường không thông báo, hoặc thông báo quá trễ khiến phụ huynh chở con đến trường rồi lại chở con về trong cơn mưa tầm tã.
Chị Nguyễn Thị Mỹ, có con đang học ở một trường trung học cỏ sở (TP. Huế) cho biết: “Khi chở con về đến nhà, tôi mới thấy trường thông báo cho học sinh nghỉ học. Việc thông báo quá trễ làm phụ huynh đi lại rất khó khăn, nguy hiểm”. Đáng lo nhất là tình trạng nhiều em học sinh đến trường thấy thông báo nghỉ học không về nhà ngay mà la cà đi chơi. Thậm chí, ở những vùng thấp trũng, vì sợ con mất bài nên nhiều phụ huynh sẵn sàng chèo thuyền đưa con đi học, nguy hiểm khôn lường!
Việc quản lý học sinh trong khi mưa lũ cũng là vấn đề đặt ra. Khi mưa bão tràn về, nhiều gia đình lo chống bão, không quản lý các em chặt chẽ. Đây là nguyên nhân chính xẩy ra rủi ro, mất mát. Trong thời gian nghỉ học do lũ, nhiều em rủ bạn bè lội nước đi chơi. Không ít giáo viên chủ nhiệm phải vất vả nhắn tin cho phụ huynh để nhắc nhở quản lý các em khi nước sông dâng cao. Thậm chí, có nơi thầy hiệu trưởng còn phải đích thân lội nước, yêu cầu phụ huynh không cho con em ra bờ sông xem cất vó. Sẽ rất khó quản lý hết học sinh nếu chính phụ huynh không thay đổi suy nghĩ chủ quan.
Cần trang bị kỹ năng cho học sinh
Ở các vùng thấp trũng của huyện Quảng Điền, khi nước đã rút ở sân trường, nhưng đường đến trường vẫn còn ngập sâu nên việc đi học của các em chủ yếu bằng xuồng, ghe, cũng rất nguy hiểm.
Học sinh ở phường Tây Lộc (TP. Huế) lội nước khi được nghỉ học, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Ông Nguyễn Văn Phước, có con đang theo học lớp 5 lo lắng: “Thấy con ham học tôi cũng mừng, nhưng cho đi học kiểu này tôi thấy cũng lo. Bắt nghỉ học thì sợ con không theo kịp bạn bè, còn để con đi học lại không yên tâm”. Đây cũng là nỗi lo của tất cả phụ huynh có con em học trong vùng lũ.
Trong chương trình giáo dục thể chất ở các trường lại chưa có nội dung, bài học lý thuyết hay thực hành dạy bơi cho học sinh. Việc trang bị phao cứu sinh cho học sinh ở những vùng thường xuyên có nguy cơ xảy ra lũ lụt vẫn chưa được chú trọng. Nhà trường và các bậc phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến việc trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng xử lý cơ bản khi tham gia giao thông những vùng bị ngập lụt. Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Giáo dục & Đào tạo cần đưa môn bơi vào chương trình thể dục để dạy cho học sinh ở các trường, nhất là những nơi thấp trũng.
Để các em yên tâm, kế hoạch bố trí lịch học bù cũng đã được ngành giáo dục chủ động xây dựng. TS. Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở GD & ĐT cho biết: “Đối với việc nghỉ học và chương trình dạy bù, chúng tôi giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng các nhà trường. Tuỳ mực nước trên địa bàn mà linh động cho học sinh nghỉ, cũng tuỳ thời gian để bố trí lịch học bù cho các em với phương châm đảm bảo mặt bằng chung về tiến độ theo khung chương trình của tỉnh, không cắt xén chương trình. Cụ thể, ở bậc THCS có thể bố trí ở các buổi chiều, bậc tiểu học áp dụng bằng cách tăng số tiết trong tuần...”.
Học sinh vùng thấp chưa đi học
Sau hai ngày nghỉ học do diễn biến phức tạp của bão số 14, ngày 22/11, các trường ở khu vực cao ráo đi học trở lại. Riêng, một số trường học tại các huyện, thị xã: Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy, Hương Trà vẫn còn ngập nước. Các trường đang tiến hành tổng vệ sinh để các em có thể sớm trở lại trường. Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường tùy vào tình hình thực tế của địa phương để có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh; đồng thời, tổ chức học bù cho các em sau khi nước rút.
Bài, ảnh: Huế Thu