ClockThứ Năm, 26/10/2023 07:48

An toàn cho sinh viên trong mùa mưa lũ

TTH - Trước tình hình nhiều phòng trọ của sinh viên ở vùng thấp trũng bị ngập sâu trong mùa mưa lũ, không đảm bảo an toàn, các cơ sở đào tạo triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ.

Mưa lũ diễn biến phức tạp, học sinh toàn tỉnh nghỉ họcKhông để sinh viên bị đói, rét do mưa lũ

Đưa các sinh viên trong các xóm trọ Nguyễn Hữu Cảnh ra bên ngoài

“Bị sốc” bởi nước lũ

Đợt lũ đầu tiên của Huế trong năm 2023 diễn ra vào ngày 13/10 vừa qua. Đây cũng là “trải nghiệm” về lũ ở Thừa Thiên Huế đầu tiên của Rơ Chăm Hoa, cô sinh viên năm nhất của Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế. Quê của Hoa ở Gia Lai, suốt 18 năm qua chưa biết lũ là gì. Nay vừa đến Huế được 2 tháng, cô gái trẻ “bị sốc” và phen hú vía bởi nước lũ.

Rơ Chăm Hoa thuê trọ tại kiệt 12, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường An Tây, TP. Huế. Ngày 13/10, nước lũ đột ngột lên nhanh. Với sinh viên mới đến Huế, cứ nghĩ nước sẽ không ngập vào trọ. Nhưng chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ, nước đã lên vượt quá cửa sổ phòng trọ. Mọi vật dụng trong phòng đều bị ngập. Quá lo sợ, em đã liên hệ với Trường đại học Sư phạm để nhờ sự hỗ trợ.

Sau khi nhận thông tin cầu cứu từ sinh viên, đội phản ứng nhanh của Trường đại học Sư phạm đã liên hệ với lực lượng chức năng phường An Tây, phối hợp đưa sinh viên mắc kẹt đến nơi an toàn. Trên chuyến thuyền đưa sinh viên ra khỏi vùng ngập sâu, ngoài Rơ Chăm Hoa, còn có 2 sinh viên Trường đại học Kinh tế và Trường đại học Ngoại ngữ, ở cùng chung xóm trọ.

Rơ Chăm Hoa kể lại, đây là lần đầu tiên trong đời em chứng kiến nước lũ như thế. Nước lên nhanh và chảy xiết. Trước đó, nhiều anh chị trong trường có chia sẻ ở khu vực em trọ dễ bị ngập, nhưng em không nghĩ là nguy hiểm đến như thế. Ngay sau khi nước rút, em đã quay về phòng trọ và dọn dẹp, chuyển sang thuê một phòng trọ khác đường Nguyễn Huệ, chấp nhận mất tiền thuê đã đóng trước.

Chưa năm nào mà chuyện giải cứu sinh viên ra khỏi vùng “rốn lũ” Nguyễn Hữu Cảnh hết nóng. Các em bị kẹt trong các xóm trọ chủ yếu là sinh viên năm nhất, chưa từng trải qua lần lũ nào ở Huế. Các em cũng gần như không nắm được thông tin khu vực Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên bị ngập sâu khi có mưa lớn để chủ động đề phòng.

Quốc Khánh, sinh viên năm nhất Trường đại học Ngoại ngữ sau một ngày “trốn lũ” ở trên trường vẫn quyết định về phòng trọ dù đang bị ngập sâu. Khánh cho biết, khi đến khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh thuê trọ, thấy phòng mới, sạch sẽ, hỏi chủ trọ ở đây có bị ngập không, thì chủ trọ nói yên tâm, nơi đây rất cao ráo. Vì vậy, em mới quyết định thuê, nhưng qua mấy ngày mưa lớn, đường vào phòng trọ ngập đến nửa người, trong phòng trọ cũng ngập ngang cửa sổ. Em bị sốc. Trước đó, em đã thấy nhớ nhà, những lúc thế này em càng thấy nhớ nhà nhiều hơn. “Nước lũ như thế này em thấy rất lo sợ, chắc em phải chuyển sang một khu trọ khác không bị ngập để ở”, Quốc Khánh cho hay.

Nhiều cư xá, xóm trọ ở Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng mới có 2 tầng, khi có lũ thì các sinh viên ở tầng 1 sẽ di chuyển lên tầng 2 để ở tạm. Về an toàn tính mạng phần nào được đảm bảo, nhưng về tài sản, nhất là xe máy đều bị ngập dẫn đến hư hỏng. Như chia sẻ của một sinh viên, qua 2 đợt ngập vừa qua, chi phí để sửa lại xe bị hư hỏng mỗi lần như thế gần 500 nghìn đồng, một số tiền đáng kể đối với sinh viên.

Hỗ trợ sinh viên 24/24

Theo nhiều sinh viên sống lâu ở Huế và có kinh nghiệm chống lũ, khu vực trọ ở đường Nguyễn Hữu Cảnh nằm gần các Trường đại học Kinh tế, đại học Ngoại ngữ, đại học Luật, Khoa Giáo dục thể chất, có thể đi bộ đến trường nên nhiều sinh viên lựa chọn. Một phần lý do, nơi đây có nhiều phòng mới xây dựng, chủ trọ lại nói không ngập lũ để được sinh viên thuê. Nhưng sau một mùa lũ thì hầu hết sẽ chuyển sang khu vực cao ráo hơn.    

Theo lãnh đạo Đại học Huế, trước diễn biến của mưa lũ, phần trách nhiệm đảm bảo an toàn cho sinh viên thuộc về các cơ sở đào tạo. Vì vậy, hầu hết các trường đều xây dựng các phương án hỗ trợ sinh viên trước những ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt. Các trường mở cửa phòng học, chuẩn bị một số nhu yếu phẩm cần thiết, để các em sinh viên ở các khu vực thấp trũng đến tránh trú an toàn.

Chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Sư phạm Phan Thanh Lâm chia sẻ, từ nhiều năm qua, đội phản ứng nhanh của trường đã được thành lập. Cơ chế hoạt động của đội là sẽ có mặt mọi lúc, mọi nơi khi sinh viên cần hỗ trợ. Vào những ngày mưa lũ, đường dây nóng hoạt động 24/24. Như trường hợp của em Rơ Chăm Hoa vừa qua, sau khi nhận được thông tin sinh viên bị kẹt trong khu vực nước chảy xiết, đội phản ứng nhanh đã nhanh chóng đến hiện trường sau đó chưa đầy 30 phút, phối hợp với chính quyền địa phương để xác định vị trí. Nhanh chóng sau đó đã đưa được các em ra ngoài an toàn.

Đại diện Trường đại học Kinh tế cho biết, mỗi khi có thông tin từ các cơ quan chức năng về khả năng xảy ra lũ lụt, trường sẽ chuyển sang học online. Thông qua các nhóm zalo thông báo các em sinh viên ở trọ vùng thấp trũng có thể đăng ký để lên trường tạm trú. Nhà trường cũng hỗ trợ cho cả người dân, sinh viên các trường khác nếu có nhu cầu tạm trú, tránh bão lũ.

Với quy mô gần 40 nghìn sinh viên chính quy; hơn 16 nghìn sinh viên liên thông, văn bằng 2… việc đảm bảo an toàn trong mùa lũ vô cùng quan trọng. Bên cạnh sự chủ động của các cơ sở đào tạo, sinh viên cũng cần nâng cao kỹ năng bảo vệ bản thân khi gặp thiên tai. Một yếu tố không kém là các chủ trọ cần thông tin cho sinh viên biết về tình hình ngập lũ của trọ, không nên nói với sinh viên là trọ không ngập để được thuê; đồng thời có phương án phòng, chống khi có lũ.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh, an toàn dịp lễ

Những ngày qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh đã chủ động luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) để cơ động xử lý tình huống khi có yêu cầu. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp lễ.

Đảm bảo an ninh, an toàn dịp lễ
20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
Sẵn sàng trong mọi tình huống

Cùng với phường Phú Nhuận, hiện nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đã thành lập các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và "Điểm chữa cháy công cộng", phát huy tác dụng trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) như Đông Ba, Phú Hội, Phú Thượng, Vĩnh Ninh...

Sẵn sàng trong mọi tình huống
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

TIN MỚI

Return to top