ClockThứ Ba, 14/02/2023 06:45

Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT

TTH - Sự xuất hiện của ChatGPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành giáo dục, trong đó nỗi lo ở bậc đại học (ĐH) là ảnh hưởng vấn đề “liêm chính học thuật”. Song, trước xu thế của thời đại, việc chủ động đón nhận và định hướng người học tiếp cận các giá trị tích cực mà ChatGPT là điều nên làm.

Tương lai khác từ ChatGPT

ChatGPT có thể là công cụ hỗ trợ học tập cho sinh viên nếu sử dụng đúng cách

Lắm cơ hội, nhiều thách thức

Đặt ra vài bài toán để trải nghiệm với ChatGPT, một số giảng viên ở Huế nhận lại phần lời giải phù hợp. Họ cũng thử yêu cầu tương tự để ChatGPT làm bài tham luận với nội dung được yêu cầu, chỉ trong một thời gian ngắn, ChatGPT hồi đáp với kết quả khá ưng ý. Một giảng viên của ĐH Huế đánh giá, ChatGPT chưa thể thay thế được người thầy, nhưng có thể hỗ trợ tốt cho học tập nếu biết sử dụng đúng cách.

Kể từ sau khi xuất hiện vào cuối tháng 11/2022, ChatGPT nhanh chóng “gây bão” cho người dùng trên toàn thế giới. ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo để tạo ra văn bản giống như con người tạo ra, dựa trên dữ liệu đầu vào mà nó nhận được. Nó có thể được sử dụng để tạo gợi ý cho các bài viết mang tính sáng tạo, những cuộc trò chuyện thú vị hoặc giải một bài toán đơn giản gần như hoàn chỉnh chỉ trong một vài phút.

Cũng vì những đặc điểm trên, theo nhiều chuyên gia về công nghệ thông tin và giáo dục, ChatGPT có 2 mặt, vừa có thể mang lại giá trị tích cực nhưng cũng có thể tạo ra những lo ngại, liên quan đến ý thức, cách thức sử dụng của người dùng. Theo TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế, sự tiến bộ của xã hội là điều không thể cấm được. Với ChatGPT, nếu có thể giúp sinh viên, học viên sử dụng như công cụ hỗ trợ cho việc học thì rất tốt. Đó có thể là kênh thông tin để người học tra cứu, tìm hiểu, tham khảo, hỗ trợ trong quá trình học tập và nghiên cứu một cách khá nhanh.

Sinh viên có thể sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ, tham khảo trong học tập và nghiên cứu

Vấn đề đáng lo ngại nhất theo TS. Lịch và nhiều chuyên gia khác là ảnh hưởng đến “liêm chính học thuật”, nếu người sử dụng không đúng cách. Theo đánh giá chung, phần mềm này có nhiều tính năng, làm dấy lên lo ngại về vấn đề “đạo văn”. TS. Bùi Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết, về lâu dài, chắc chắn sẽ có những giải pháp kiểm soát tốt, hiện nay đã có những phần mềm kiểm soát đạo văn, tuy nhiên với ChatGPT còn rất mới, nên trước mắt vẫn còn những nỗi lo.

Nhìn rộng ra thế giới, trước sự bùng nổ với hàng triệu người dùng, nhiều nhà xuất bản thể hiện lo ngại ảnh hưởng của Chatbot AI này trong khoa học và học thuật. Mới đây, Science đã cập nhật chính sách xuất bản mới, cho biết cấm các tác giả đưa vào bài báo khoa học những đoạn văn, biểu đồ, hình ảnh là sản phẩm của ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các ứng dụng này cũng không được phép đứng tên tác giả bài báo. Tạp chí Science cho biết, việc vi phạm quy định này cũng bị xem là hành vi vi phạm liêm chính khoa học nghiêm trọng tương tự chỉnh sửa kết quả hay đạo văn.

Một số giảng viên tại ĐH Huế trăn trở, việc lạm dụng ChatGPT sẽ dễ làm cho học sinh, sinh viên lười suy nghĩ và phụ thuộc hoàn toàn vào ứng dụng này, dẫn đến thụ động trong việc học bởi trong nhiều tình huống, ChatGPT đang trở thành “chuyên gia viết hộ” hoàn toàn miễn phí cho người dùng. Mối lo này hoàn toàn có cơ sở khi hiện nhiều trường học ở Mỹ, Úc… đã cấm học sinh sử dụng ChatGPT và một số chatbot AI khác có khả năng tạo lập văn bản như bài luận, bài kiểm tra.

Chủ động đón nhận nhưng có định hướng

TS. Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho rằng sự xuất hiện của ChatGPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành giáo dục. Do đó, việc cần làm là thích ứng với phần mềm ứng dụng này và hướng dẫn người học sử dụng một cách thông minh. “ChatGPT cũng có thể được xem như tra cứu google. Khi google ra đời, nhiều người vẫn đặt ra những nỗi lo. Tuy nhiên, nếu linh hoạt phương pháp, con người có thể hoàn toàn kiểm soát và biến thách thức trở lại thành cơ hội”, TS. Hà khẳng định.

Theo các chuyên gia, ChatGPT không thể thay thế người dạy và hoàn toàn không hoàn hảo như suy nghĩ của nhiều người. Việc vận dụng ChatGPT vào dạy học nếu theo cách khai thác, sử dụng như công cụ hỗ trợ thì hoàn toàn mang lại giá trị tốt.

Trước nỗi lo bảo vệ “liêm chính học thuật”, các chuyên gia giáo dục cho rằng cơ chế kiểm soát của con người bằng cách chủ động có thể làm tốt. Đơn cử, nếu bài tập giao cho sinh viên theo hướng mở hoặc một số vấn đề cụ thể thì ChatGPT khó có thể giải quyết được.

Quan trọng hơn, đối với các đề tài nghiên cứu, các khóa luận, luận văn, luận án, các Hội đồng được thành lập sẽ giám sát, phản biện và với chuyên môn có thể phát hiện ra được các gian lận. Từ đó, xóa bỏ nguy cơ ChatGPT làm thay.

Một giải pháp trước mắt và rất quan trọng đó là tính định hướng từ nhà trường, các thầy cô giáo cho người học để khai thác yếu tố có lợi, sử dụng ChatGPT hiệu quả, phục vụ cho hoạt động học tập và tìm kiếm thông tin trong đời sống xã hội.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top