ClockThứ Năm, 29/06/2017 14:06

Bí quyết để 90% học viên có việc làm sau ngày tốt nghiệp

TTH - Kiếm một công việc sau ngày ra trường là hành trình hết sức nhọc nhằn kể cả đối với rất nhiều cử nhân, thạc sĩ. Vậy mà tại Huế, có một địa chỉ đào tạo nghề luôn có đến 90% học viên ra trường là lập tức có việc, thu nhập ổn định. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên TP. Huế, Trưởng ban dự án Reach Huế, để tìm xem bí quyết của câu chuyện...

Ông Lê Mạnh Dũng. Ảnh: Võ Nhân

Rất nhiều năm hoạt động và rất nhiều khóa đã được đào tạo, học viên của Reach tốt nghiệp bao giờ cũng đạt tỷ lệ có việc làm trên 90%. Con số này có thể tin cậy được chăng trong lúc bên ngoài, tìm kiếm một công việc đối với bạn trẻ là không hề dễ, ngay cả sinh viên ra trường nhiều bạn cũng phải “giấu bằng” để đi làm công nhân?

Reach - dự án đào tạo nghề cho “thanh niên có hoàn cảnh khó khăn theo định hướng thị trường”; đây là dự án đào tạo nghề sơ cấp được đánh giá rất hiệu quả và khẳng định vị trí của mình trên thị trường đào tạo nghề hiện nay của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoạt động tại Huế đã trên 10 năm, khoảng thời gian ấy cũng đủ để khẳng định thương hiệu cho công tác đào tạo của Reach. Hàng năm với trên 300 học viên tốt nghiệp và tỉ lệ có việc làm trên 90% là một điều không đơn giản. Chúng tôi cho rằng, sự phân định thành bại trong đào tạo của một cơ sở đào tạo nghề suy cho cùng là “đầu ra” của sản phẩm. Có thể nhìn rộng ra trên bức tranh tổng thể về các cơ sở đào tạo nghề hiện nay thì “việc làm” là nhân tố quyết định. Reach có trên 90% học viên có việc làm là một câu chuyện không dễ dàng chút nào. Đó là con số mơ ước của nhiều cơ sở đào tạo nghề.

Vậy Reach “bắt mạch” vấn đề ở đâu?

Trước hết, phải xuất phát từ sự đam mê của người học. Chính người học là chủ thể của quá trình đào tạo chứ không ai khác. Khi họ đam mê chính cái họ chọn thì tự họ sẽ đi đến tận cùng của việc học tập, điều  này được minh chứng cho trên 10 năm tồn tại của dự án, nhiều học viên đến với Reach từ những cơ sở đào tạo nghề nơi khác, nhiều học viên đến với Reach từ những nghề nghiệp khác nhau để rồi Reach là sự chọn lựa cuối cùng. Sự đam mê Reach đã cho họ sự chọn lựa mà họ cho là lý tưởng nhất trong tình hình hiện nay.

Thứ hai, chương trình đào tạo của Reach khác với các nơi khác ở chỗ “hướng vào người học, vì người học, dạy cái mà ngươi học cần chứ không phải dạy cái mà nhà trường có”. Nhiều học viên khi chúng tôi tiếp xúc, chia sẻ thông tin đều cho cảm nhận chung là rất lý thú và yêu thích nghề nghiệp tương lai mà mình bước đầu đang chọn lựa.

Thứ ba, người học được tự mình góp ý, xây dựng chương trình học. Đặc biệt là xây dựng nội quy lớp học, nội quy của dự án, kỹ năng đi làm việc. Reach thường xuyên huấn luyện các kỹ năng mềm: kỹ năng sống, kỹ năng xanh,...

Thứ tư, Reach luôn xem việc kết nối với các doanh nghiệp sau này sử dụng học viên tốt nghiệp là một kết nối có tính bắt buộc trong đào tạo. Thông thường mỗi khoá, mỗi lớp chúng tôi mời ít nhất 6 doanh nghiệp đến thăm lớp, họ là lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, họ chia sẻ các kiến thức chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong làm việc đồng thời thông qua đó doanh nghiệp cũng nắm bắt được học viên học được cái gì, chất lượng học viên thế nào, có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp không, từ đó có những định hướng để sau này chọn học viên khi ra trường.

Và cuối cùng, phải công bằng mà nói là chất lượng đội ngũ giảng dạy của Reach. Trong một chừng mực nhất định, tôi có thể nói đây chính là nhân tố quyết định đến chất lượng của người học. Dự án có “bộ công cụ đo nghiệm” về chất lượng giảng viên mà tôi thấy hiệu quả, cái hay là ở chỗ người giảng viên không chỉ truyền thụ kiến thức chuyên môn mà còn là người định hướng, chia sẻ và là người tìm việc làm cho học viên khi tốt nghiệp.

Vài chia sẻ như trên để kiến giải cho con số 90% có việc làm của học viên Reach, hy vọng thoả mãn câu hỏi của nhà báo.

Có việc, nhưng tính bền vững của công việc, thu nhập và cơ hội thăng tiến của học viên? REACH có bao giờ tìm hiểu về điều này?

Có việc làm nhưng tính bền vững của công việc, thu nhập, cơ hội thăng tiến của học viên quả là điều khó khăn nhất, vì lẽ tất yếu “mọi suy nghĩ đều đi qua dạ dày” trước đã, nên chúng tôi rất chú ý “tính biện chứng” của câu chuyện này. Tất cả các điều mà nhà báo hỏi tôi có thể quy về cả hai phía: Người học và người sử dụng lao động, mà trong đó người học là yếu tố quyết định.

Công việc có bền vững hay không là do người làm có đáp ứng hết yêu cầu của doanh nghiệp hay không? Cái logic của vấn đề là ở chỗ: người làm đáp ứng hết yêu cầu của doanh nghiệp nghĩa là doanh nghiệp cần anh thì công việc của anh sẽ bền vững, thu nhập của anh sẽ ổn định và phát triển, anh sẽ có nhiều cơ hội để thăng tiến, nhà báo đồng ý với tôi chứ?

Tôi có thể dẫn chứng một danh sách khá dài về những học viên thành công với công việc như Nguyễn Văn Tuấn, Chủ Công ty TNHH TM&DV Hồng Ân (Công ty riêng) kiêm Phó Giám đốc DNTN Thành Mai; Nguyễn Văn Cần, Giảng viên Nhà hàng pha chế của TT REACH Huế; Nguyễn Văn Công, Giám đốc bộ phận ẩm thực khách sạn Grand Tourane Hotel; Nguyễn Hữu Hồng Phương, Chuyên viên huấn luyện nhân sự công ty bảo hiểm Daichi - Life; Nguyễn Thị Thu Phong, Tổng Quản lý Khách sạn Rosaleen; Nguyễn Viết  Anh, Giám đốc miền Trung Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Thái Bình Dương; Nguyễn Viết  Hoàng Tùng, Bar Manager Công ty cổ phần Du lịch DMZ; Tô Lệ Ninh, Trưởng bộ phận buồng phòng Khách sạn Cherish... Rất nhiều học viên của các khóa gần đây cũng khẳng định được chỗ đứng tại nhiều doanh nghiệp tiếng tăm khác: Nguyễn Thị Tường Vy, Khách sạn La Residence (5 sao); Nguyễn Xuân Huy, Võ Thị Thảo Nhi, Khu du lịch Laguna Lăng Cô (5 sao); Nguyễn Văn Boi, Resort Ana mandara (5 sao); Trần Quang Lai, Nguyễn Thị Như Ngọc, Khách sạn Century Hue (4 sao); Tào Thế Phong, Tập đoàn Tôn Hoa Sen....

Các khóa đào tạo của Reach là vậy, nhưng ngược lại, với các trường nghề, việc thu hút học viên thời gian qua vẫn là một bài toán không hề dễ, công việc sau khi ra trường cho học viên vẫn là một ẩn số nhọc nhằn. Có kinh nghiệm gì từ Reach mà các trường nghề có thể học được, theo ông?

Chúng tôi không dám so sánh về công tác đào tạo của Reach với các trường nghề vì mọi sự so sánh đều khập khiễng và mang yếu tố chủ quan. Xin chia sẻ với nhà báo trong những dịp tổng kết năm thì các ban, ngành của thành phố và tỉnh đều đánh giá dự án đã hoạt động rất có hiệu quả (so với các trường nghề được đầu tư về ngân sách, con người, cơ chế...).

Có được thành tích bước đầu ấy theo tôi, cần phải nghĩ rằng, Reach đang có một sứ mệnh rõ ràng, có đội ngũ giảng viên được đào tạo “thầy ra thầy”, không có hiện tượng giảng viên “râu ông nọ chắp cằm bà kia”, chương trình đào tạo tiên tiến đáp ứng yêu cầu của người học, của thị trường lao động và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Reach xây dựng và thường xuyên phát triển các điều kiện phục vụ cho công tác đào tạo như thiết bị dạy học, phương pháp dạy học hấp dẫn, thật sự làm cho người học cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”!

Những điều chúng tôi vừa trao đổi với nhà báo về dự án Reach: Sứ mệnh, tuyển sinh, chương trình đào tạo, giảng viên, thiết bị dạy học, đặc biệt là tạo việc làm cho học viên đó chính là những nhân tố làm nên tính hiệu quả của dự án Reach để đủ sức cạnh tranh và có chỗ đứng trong lòng thanh niên trên con đường khởi nghiệp. Sẽ còn nhiều yếu tố phụ song theo chúng tôi: Dạy thật - học thật - chất lượng thật - việc làm sau đào tạo sẽ là thước đo cho tính hiệu quả của dự án.

Có thể “đối chiếu” những vấn đề trên vào các cơ sở đào tạo nghề để tìm ra lời giải thích hợp trong công tác tuyển sinh của các trường nghề trong bối cảnh hiện nay.

Ông có thể đề cập một chút về những dự định tiếp theo của Reach nói chung và Reach trên đất Huế nói riêng? Có cơ sở gì để tin rằng những dự định ấy rồi cũng sẽ có những thành quả tốt đẹp?

Hiện nay, Reach Việt Nam đã triển khai 6 cơ sở đào tạo tại Hải Dương, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An và TP. Hồ chí Minh. Reach đang làm việc với các tổ chức quốc tế và trong nước để được công nhận thương hiệu Reach đạt chuẩn khu vực ASEAN nhằm tạo điều kiện học viên có thể làm việc ở các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các chương trình đào tạo, phát triển các trung tâm cố định tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An trở thành các trung tâm đào tạo chất lượng cao.

Tại Huế, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố, chúng tôi đang tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt đề án “Liên kết đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, đề án được phê duyệt sẽ mang lại bộ mặt mới cho Reach tại Huế với cơ sở vật chất được nâng cấp, xây dựng mới một nhà hàng hoặc một khách sạn mẫu với các nghề bếp Á, bếp Nhật và một số nghề mới trong lĩnh vực du lịch. Các ban ngành của thành phố đã thẩm định một bước về đề án và cơ bản nhất trí với đề án đã lập. Hy vọng rằng trong thời gian ngắn chúng tôi sẽ điều chỉnh, bổ sung theo góp ý của các thành viên trong hội đồng thẩm định để đề án sớm mang tính khả thi và đảm bảo tiến độ triển khai tại Huế.

Chúng tôi nghĩ, thiên thời - địa lợi - nhân hoà là ba nhân tố quyết định đến thành công của dự án và Reach Huế cũng đang tiến bước dần đến thành công trong công cuộc góp phần ổn định an sinh xã hội, góp phần từng bước thực hiện chức năng “nâng cao dân trí - đào tạo nhân lực - bồi dưỡng nhân tài” cho tỉnh nhà. Âu đó cũng là một khía cạnh của tinh thần nhân bản của các cơ sở dạy nghề trong tình hình hiện nay.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

REACH (Ray of Everlasting and Continuous Hope - Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn) tiền thân là LABS – dự án “Đào tạo và phát triển nghề theo định hướng thị trường cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn” do Tổ chức quốc tế Plan tài trợ; Triển khai thí điểm tại Hà Nội vào tháng 4/2004, sau đó là Huế và Đà Nẵng. Tháng 3/2008, các khóa LABS dần được tổ chức dưới sự quản lý trực tiếp REACH và sự tài trợ của Plan.

DIÊN THỐNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Hàng nghìn cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại Hà Nội

Tuyển công nhân đóng gói tại Hà Nội đang thu hút sự chú ý của người lao động, với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Trong bối cảnh nhu cầu sản xuất ngày càng tăng, các doanh nghiệp cần bổ sung hàng ngàn lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu thị trường. Dưới đây là thông tin chi tiết về cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại thủ đô

Hàng nghìn cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại Hà Nội
Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động

Ngày 15/11, Trường đại học Phú Xuân, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện “PXUni Job Festival 2024” với sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mang đến hơn 500 cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên và người lao động.

Cơ hội việc làm cho sinh viên, người lao động
Chuẩn bị trước kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình mới

Bắt đầu từ năm 2025, các em học sinh cuối cấp trung học phổ thông (THPT) sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Việc thay đổi hình thức ra đề thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp với chương trình giáo dục mới đang được các nhà trường, thầy cô giáo, học sinh và xã hội đặc biệt quan tâm.

Chuẩn bị trước kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình mới

TIN MỚI

Return to top