ClockThứ Sáu, 04/09/2020 07:30

Bồi dưỡng học sinh giỏi, chuyện những người thầy

TTH - Tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 - 2020, có nhiều cá nhân là giáo viên làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) được tuyên dương và khen thưởng.

“Quả ngọt” từ giáo dục mũi nhọnĐộng lực đến từ học sinh

Hồ Việt Đức (thứ hai từ trái sang) cùng với đội tuyển quốc gia Việt Nam trước ngày thi

Đãi cát tìm vàng

Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hạnh, Tổ trưởng sinh học Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Quốc Học, có bề dày 20 năm kinh nghiệm, đúc kết 3 giải pháp bồi dưỡng đội tuyển HSG giỏi. Lần lượt đó là, thống nhất chương trình, nội dung trong tổ bộ môn và cập nhật tài liệu. Tiếp theo là tìm hiểu, chọn kỹ học sinh xuất sắc qua kỳ thi tuyển vào lớp 10 và chọn đội tuyển Olympic lớp 10, phân công giáo viên bồi dưỡng. Cuối cùng là liên hệ, trao đổi với giáo viên môn sinh ở trong và ngoài tỉnh.

Giai đoạn 2015 - 2020, thành tích môn sinh của Thừa Thiên Huế nâng cao rõ rệt, với 86% học sinh dự thi đạt giải HSG quốc gia, trong đó có 30 học sinh đạt từ giải ba trở lên, được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược Huế; 8 học sinh đạt giải nhất và giải nhì được tiếp tục tham gia kỳ thi chọn đội tuyển HSG dự thi quốc tế. Trường THPT chuyên Quốc Học tự hào khi có học sinh Trương Đông Hưng đạt huy chương vàng quốc tế năm học 2016 - 2017. Hồ Việt Đức, HCV quốc tế môn sinh năm học 2019 - 2020.

Trương Đông Hưng,  Hồ Việt Đức là những học sinh điển hình mà cô giáo Diệu Hạnh và tổ chuyên sinh áp dụng có hiệu quả phương pháp tuyển chọn, bồi dưỡng ngay từ khi em vào lớp 10. Trước khi đạt đỉnh cao với tấm huy chương vàng quốc tế năm học 2016 - 2017, Hưng lần lượt đạt giải nhì HSG quốc gia sinh lớp 11, giải nhất HSG quốc gia sinh lớp 12. Cô giáo Diệu Hạnh chia sẻ, những học sinh có đủ mọi khả năng ra đấu trường quốc tế là những em hội tụ được các tố chất sau: Thật sự đam mê sinh học, khả năng tư duy toán học cực kỳ tốt, ngoại ngữ giỏi và có thể lực tốt. Tôi hiểu, đó phải thứ “vàng ròng” và những thầy cô giáo như cô Diệu Hạnh là những người “đãi cát tìm vàng”.

Không chỉ “dạy cho xong chuyện”

Cô giáo dạy văn Hoàng Thị Huyền Hương (Trường THPT Hai Bà Trưng) được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng HSG từ đầu năm 2012, chia sẻ đây là công việc đầy thử thách, khó khăn và chịu không ít áp lực. Thế nhưng, bằng tâm huyết nghề nghiệp cùng với các đồng nghiệp ở tổ văn, cô Huyền Hương đã góp phần dẫn dắt đội tuyển HSG văn của trường liên tục dẫn đầu khối trung học phổ thông trong kỳ thi HSG cấp tỉnh, và trong 7 mùa giải đó có 10/12 giải nhất cá nhân; đạt 2 giải ba và nhiều giải khuyến khích khối chuyên.

Đối tượng HSG của cô giáo Huyền Hương không ở độ cao quốc tế của Trương Đông Hưng, thậm chí không dám mơ nhiều đến giải thưởng quốc gia. Thế nhưng, không vì thế mà công tác bồi dưỡng chỉ là “dạy cho xong chuyện”. Theo cô giáo Huyền Hương, thành công của bồi dưỡng HSG bắt đầu từ giáo viên, vì thế phải say mê, tìm tòi và không ngừng sáng tạo. Nhờ say mê mà họ không ngại khó, ngại khổ, không “dạy cho xong chuyện”. Người thầy phải biết gieo mầm yêu thương; tường tận hoàn cảnh, suy nghĩ và hoàn cảnh của học sinh; biết các em muốn giúp đỡ gì, hỗ trợ gì, khuyến khích gì, đồng viên gì để kịp thời đáp ứng.  

Cái khó là nội dung bồi dưỡng HSG đều do giáo viên tự  biên soạn, đó có thể là phần nâng cao bám sát chương trình, cũng có thể là phần đào sâu kiến thức. Tiếp đến, rất quan trọng là phương pháp bồi dưỡng. Kinh nghiệm là chú trọng xây dựng nội dung bài giảng bám sát chương trình có nâng cao, nội dung theo chuyên đề. Kết hợp giảng dạy truyền thống với đổi mới bằng cách giao nhiệm vụ cho học sinh, hướng dẫn cách giải quyết vấn đề, tìm nguồn tài liệu, kích thích sự tìm tòi. Sau phần cung cấp kiến thức, học sinh làm bài kiểm tra, cô giáo dành thời gian chấm và sửa kỹ. Thông qua đó, phát hiện vấn đề chưa đạt để điều chỉnh và hơn thế, còn từ bài làm, cô tìm ý mới của học sinh để khích lệ.

Cần có chính sách tương xứng

Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai từ tiểu học đến trung học phổ thông nhằm tìm tòi, phát hiện học sinh có năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu. Những năm học qua, ngành giáo dục tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những đơn vị điểm sáng về chất lượng giáo dục mũi nhọn của cả nước. Tính từ năm học 2015 - 2016 đến nay, chỉ riêng Trường THPT chuyên Quốc Học đã có 248 giải quốc gia, trong đó 10 giải nhất; 3 HCV khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 2 HC quốc tế (1 vàng và 1 đồng).

Tuy nhiên, không toàn cả là một màu hồng, nhiều giáo viên trẻ thổ lộ, họ thực sự áp lực khi dạy trường chuyên hay tham gia công tác bồi dưỡng HSG. Tốt nghiệp bằng giỏi ở Trường đại học Sư phạm chưa đủ khi họ chưa qua một chương trình đào tạo nào dành cho giáo viên bồi dưỡng HSG nên thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trong giảng dạy. Dạy học sinh chuyên hay bồi dưỡng HSG vất vả và áp lực, nhưng chính sách ưu đãi dành cho giáo viên theo quy định của Nhà nước lại đang rất thấp. So với các tỉnh bạn, chế độ ưu đãi cho giáo viên dạy chuyên ở Thừa Thiên Huế còn quá khiêm tốn khi chưa có sự hỗ trợ từ công tác xã hội hóa.

Để có được đội ngũ có năng lực và tâm huyết, cần có chính sách khuyến khích dành cho người thầy được triển khai. Ví như, để nâng cao trình độ, những giáo viên được đưa vào quy hoạch sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo quy định của tỉnh. Đặc biệt, đối với Trường THPT chuyên Quốc Học, “thế hệ vàng” chuyên luyện “gà chọi” đang vắng dần những thầy cô giáo có tài, có tâm huyết và kinh nghiệm thật sự để tiếp tục tạo nên “cú hích” ở những đấu trường trí tuệ lớn. Vậy nên, đào tạo ra sao, làm gì để thắp lửa đam mê, tâm huyết vào từng bài giảng, bài luyện cho học sinh là bài toán cần lời giải...

Tôi tâm đắc với câu nói của ai đó, rằng một người thầy bình thường sẽ chỉ nói; một người thầy giỏi sẽ giải thích; một người thầy xuất sắc sẽ chứng minh điều mình nói; còn một người thầy vĩ đại sẽ là người truyền cảm hứng. Rõ ràng, muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi!

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Thi đua sản xuất giỏi

Trên địa bàn tỉnh hiện có 60 Câu lạc bộ (CLB) Nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD), với tổng số khoảng 700 thành viên. Các CLB được thành lập đã góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi, thúc đẩy sản xuất, giúp hội viên, nông dân (HVND) vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Thi đua sản xuất giỏi
Chăm lo lưu học sinh Lào

Là trường cao đẳng duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) Lào, Trường Cao đẳng Huế đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tích cực chăm lo cho LHS.

Chăm lo lưu học sinh Lào

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top