ClockThứ Bảy, 06/01/2024 13:02

Các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên khó vào thực tế

TTH - Rất nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên cho thấy tính khả thi cao, có thể đưa vào thực tế và thương mại hóa. Tuy nhiên, tất cả mới dừng lại ở mức ý tưởng.

Mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo miền Trung và Tây NguyênĐào tạo kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

 Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là lĩnh vực mới được khuyến khích phát triển trong môi trường đại học

Khó triển khai

Hơn 1 năm về trước, các ý tưởng lần lượt đạt giải top đầu tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022 của Đại học Huế được đánh giá rất cao, vì rất tiềm năng để đưa vào thực tiễn bằng những mô hình kinh doanh. Trở về với hiện tại, thời gian hơn 1 năm được cho là đủ để một dự án khởi nghiệp có những bước chuyển mình đầu tiên. Nhưng rồi, điều băn khoăn là cả 3 dự án đạt giải hoàn toàn không được triển khai thành mô hình kinh doanh như kỳ vọng, hoặc có cũng đã nhanh chóng chấm dứt sau một thời gian ngắn ngủi.

Riêng hai ý tưởng khởi nghiệp về công nghệ là dự án Nhà xe thông minh và Nền tảng công nghệ kết nối, phân phối nông sản Việt được cho là có tính thực tiễn cao, phù hợp với cuộc cách mạng 4.0. Song bởi những lý do khác nhau mà đến hiện tại, một dự án còn đang ấp ủ, còn một dự án đã chính thức dừng lại.

Đặng Văn An (sinh viên Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế), đại diện nhóm dự án Nhà xe thông minh cho biết, các em còn là sinh viên, nên dự án đang còn để vậy, sau này ra trường sẽ triển khai. Dù vẫn còn những kỳ vọng, nhưng với khả năng của sinh viên, vốn để triển khai dự án là vô cùng khó. Dự án triển khai được sẽ cần ít nhất 900 triệu đồng, với hệ thống công nghệ (khoảng 300 triệu đồng) và cơ sở vật chất đi kèm (khoảng 600 triệu đồng). Lý do nữa mà các em thiếu đi sự tự tin là những cam kết hỗ trợ đầu tư từ phía doanh nghiệp đến hiện tại đều không có. Hoàn toàn không có sự kết nối, hay có sự thống nhất nào, các em rơi vào tình huống chẳng khác gì “ôm cây đợi thỏ”.

Chuyển động tích cực hơn sau cuộc thi, dự án Nền tảng công nghệ kết nối và phân phối nông sản Việt đã có kết hợp với doanh nghiệp hỗ trợ tại cuộc thi và triển khai tại một số cửa hàng, hệ thống website. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Hồng, đại diện của dự án thông tin, hợp tác chỉ được một thời gian ngắn đã buộc phải chấm dứt vì các bạn tập trung cho học tập. Với sinh viên, quả thật chưa có sự sẵn sàng để thương mại hóa những dự án của mình.

Theo Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo – Đại học Huế, Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức được 6 lần. Qua 6 lần đó, đã có hàng trăm ý tưởng được hình thành và tham gia cuộc thi. Có nhiều ý tưởng được đánh giá cao về tính thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển, có tính thương mại hóa cao… Công tác kết nối sau đó cũng được triển khai bằng các hình thức khác nhau, nhưng đến hiện nay chưa có một dự án nào được triển khai đúng tiêu chí, chứ chưa nói là hiệu quả, mang lại lợi nhuận.

Thiếu sự kết nối

Trong Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ VI, năm 2023 của Đại học Huế, dự án Lớp học hạnh phúc xuất sắc vượt qua nhiều dự án khác đề giành giải Nhất. Tại chung kết, không ít doanh nghiệp đã có những cam kết đầu tư vốn cho dự án. Nhưng cũng đã 3 tháng trôi qua từ ngày kết thúc cuộc thi, chưa có một cuộc làm việc nào giữa dự án và nhà đầu tư để có những kết nối, hay cam kết cụ thể để triển khai sau này. Từ thực tế đó có thể thấy, nguy cơ đi vào “vết xe đổ” như mọi năm là khó tránh khỏi.

Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để một dự án của sinh viên có thể triển khai thì cần hai yếu tố. Đầu tiên là vốn. Sinh viên chỉ có ý tưởng, nhiệt huyết, còn kinh phí gần như là con số không. Sinh viên sẽ rất thiếu kinh nghiệm, nhất là khả năng vạch ra chiến lược, hiểu rõ về tính pháp lý nên yếu tố thứ hai vô cùng quan trọng là cần một người dẫn dắt. Người dẫn dắt đó cần hỗ trợ một cách tối đa và lâu dài. Điều này thường sẽ khó vì người hỗ trợ chỉ giúp trong một thời gian nhất định. Chính vì thế, khó khăn có thể được chỉ ra, song khó để khắc phục.

TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo – Đại học Huế đưa ra lý do khiến các dự án khó triển khai là lâu nay, các dự án và doanh nghiệp thường chỉ làm trực tiếp với nhau, bỏ qua đơn vị kết nối. Trong khi đó, một dự án khởi nghiệp chỉ dừng ở mức ý tưởng, còn thiếu rất nhiều về tính pháp lý, xây dựng kế hoạch triển khai, nghiên cứu thị trường… Nên hai bên mất rất nhiều thời gian và khó đi đến thống nhất. Chỉ khi nào việc xúc tiến khó, hoặc gặp vấn đề nào đó mới quay lại trở lại tìm kiếm đơn vị kết nối ban đầu.

Một thực trạng khác được chỉ ra khiến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong môi trường đại học gặp khó là sự thờ ơ của sinh viên. Điều này được chỉ ra từ những con số thực tế trong các tiết dạy về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là trong một nhóm có 100 em, thì đăng ký học 30 em, nhưng thực tế đi học chỉ 5 em. Hay ngay như nhóm 30 thủ khoa đầu vào năm 2023 vừa qua được kỳ vọng rất nhiều, song đăng ký học chỉ 6 em, còn đi học thực tế chỉ 3 em.

Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo – Đại học Huế cho rằng, nhận thức là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong môi trường đại học. Vì vậy, trong thời gian đến sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi, các sân chơi, hình thức để nâng cao nhận thức. Kết hợp đưa chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào giảng dạy. Về vĩ mô, tiếp tục hoàn thiện các chính sách, thể chế để thúc đẩy các hoạt động, xây dựng các nguồn quỹ để hỗ trợ khởi nghiệp.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các dự án giao thông chạy “nước rút” thi công, giải ngân

Thời điểm cuối năm này, các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải đang tập trung cao độ, phối hợp với nhà thầu thi công tăng tốc tiến độ thi công các hạng mục, dự án nhằm chạy “nước rút” về khối lượng giải ngân vốn đầu tư công.

Các dự án giao thông chạy “nước rút” thi công, giải ngân
Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

Trong 2 ngày 23 và 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình
Dự án Khu nhà ở Tam Thai: Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý

Trong 5 kiến nghị mà kết luận Thanh tra tỉnh chỉ ra và yêu cầu Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế - chủ đầu tư Dự án (DA) Khu nhà ở Tam Thai và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, đến nay mới chỉ thực hiện xong 1 kiến nghị. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát DA, tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án Khu nhà ở Tam Thai Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý

TIN MỚI

Return to top