ClockThứ Năm, 05/10/2017 13:01

Cậu học trò nghèo vượt khó

TTH - Gia đình thuộc hộ nghèo tại xã biên giới Hồng Vân - huyện A Lưới, hoàn cảnh rất khó khăn. Vậy nên, Hồ Văn Náp, cựu học sinh lớp 12B2 Trường trung học phổ thông (THPT) Hồng Vân luôn nung nấu phải vươn lên bằng con đường học tập. Kỳ thi vừa qua, Náp đã đạt được kết quả đáng nể.

Bộ đội biên phòng đến chia sẻ niềm vui đỗ đại học cùng Hồ Văn Náp

Ngôi nhà của gia đình Hồ Văn Náp tại thôn Ka Cú 1, xã Hồng Vân, huyện A Lưới tềnh toàng, không có vật dụng nào đáng giá ngoài những bằng khen treo “chi chít” trên vách. Bố mẹ Náp, những người nông dân suốt đời lam lũ trên nương rẫy, da đen sạm, dáng vẻ khắc khổ, nhưng ánh mắt sáng niềm tự hào. “Mẹ Náp mắc chứng đau đầu kinh niên, còn tôi mấy năm trước chẳng may bị tai nạn gãy xương bả vai nên sức khỏe yếu đi nhiều. Vợ chồng cứ thay nhau thường xuyên đến trạm xá chữa trị. Nhà có 5 đứa con, vị chi cả gia đình là 7 miệng ăn. Cố gắng lắm cũng chỉ đắp đổi bữa cơm bữa sắn. Thương cha mẹ, ngoài giờ học, Náp hết làm rẫy nhà mình lại đi làm rẫy thuê, bốc sắn thuê. Con trai tôi tâm sự phải cố gắng vươn lên bằng con đường học hành, nên Náp có ý thức lắm”. Cha của Náp kể.

Thượng úy Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân chia sẻ: "Đồn Hồng Vân quản lý 3 xã Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Trung. Nắm thông tin từ Trường THPT Hồng Vân, được biết Hồ Văn Náp là học sinh nghèo, nhưng rất có ý thức học tập vươn lên, do đó hơn 2 năm qua đã hỗ trợ Náp mỗi tháng 500 nghìn đồng từ chương trình “Nâng bước em đến trường” của lực lượng bộ đội biên phòng".

“Đối với người dân ở một xã biên giới nghèo, hàng ngày chỉ sống bằng hạt lúa, củ sắn trồng được trên rẫy, con cá, con ốc bắt được dưới suối, đây là số tiền khá lớn không chỉ giúp em có thể mua quần áo sách vở, dụng cụ phục vụ học tập, mà còn mang ý nghĩa về tinh thần. Đây còn là món quà từ những tấm lòng của bộ đội biên phòng, là sự hy vọng của các chú, các anh, mong em học tốt. Vậy nên em không thể không cố gắng”. Náp chia sẻ.

Sự cố gắng của Náp bắt đầu từ lúc thức dậy lúc 4 giờ sáng mỗi ngày để học bài. “Lúc này không khí mát mẻ lại yên tĩnh nên học rất dễ “vào”, dễ hiểu. Lúc ở trường, em cố gắng tập trung nghe lời giảng của các thầy cô giáo, hiểu thật kỹ, nhớ thật kỹ. Có gì không hiểu là phải hỏi ngay để còn được thầy cô giải đáp, chỉ vẽ. Phương pháp học đến đâu hiểu chắc và nhớ chắc đến đó làm nền tảng cho em thuận lợi trong việc phát triển kiến thức rộng hơn, sâu hơn. Mặt khác, bằng phương pháp học này, em tiết kiệm được nhiều thời gian, dành để phụ giúp cha mẹ mưu sinh”. Náp vui vẻ nói.

Khi có kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế, không chỉ bản thân Náp, gia đình, mà những người trong thôn ai cũng vui mừng. “Ở xã biên giới xa xôi còn nhiều khó khăn này, có một học trò đạt kết quả tốt như vậy là niềm động viên, sự khích lệ cho các em khác. Nghị lực vượt khó vươn lên học giỏi của Náp xứng đáng là tấm gương cho các bạn, các em học sinh ở địa phương noi theo”. Thượng úy Lê Anh Tuấn bày tỏ niềm tự hào.

Còn Náp cho biết, Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông lâm là sự lựa chọn của mình. "Hiện tại em đã bắt đầu việc học được gần 2 tháng. Được đi học, gặp gỡ nhiều bạn bè và học hỏi thêm những điều mới mẻ nên em rất vui. Đặc biệt nhà trường đã quan tâm giúp đỡ nên em được miễn học phí và tiền phòng ở ký túc xá, em sẽ lấy đó làm động lực để cố gắng mỗi ngày. Quá trình học tập, em biết mình phải nỗ lực cố gắng thật nhiều hơn nữa, nắm vững kiến thức để sau này quay trở lại gắn bó với núi rừng quê hương A Lưới. Hy vọng, những người trẻ như chúng em sẽ có đóng góp, dù nhỏ, để xây dựng quê nhà”. Náp bày tỏ. 

Bài, ảnh:  Võ Thùy Trang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗ lực xóa hết hộ nghèo

Sau khi triển khai rà soát hộ nghèo vào cuối năm 2023, phường Phường Đúc (TP. Huế) còn 2 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,07%. Thực hiện mục tiêu "sạch" hộ nghèo, từ đầu năm đến nay chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững (GNBV). Đến cuối tháng 11/2024, Phường Đúc trở thành địa phương không có hộ nghèo của thành phố.

Nỗ lực xóa hết hộ nghèo
Trao sinh kế, xóa hộ nghèo

Toàn phường chỉ có 11 hộ nghèo, để giảm xuống còn 5 hộ vào cuối năm 2024 theo kế hoạch, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phường Thuận Hòa (TP. Huế) đã chú trọng đến việc trao phương tiện sinh kế và hỗ trợ sửa chữa nhà để các hộ nghèo an cư, ổn định cuộc sống.

Trao sinh kế, xóa hộ nghèo
Rà soát và phân loại hộ nghèo

Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm số hộ nghèo trong năm 2024, từ ngày 15/9 đến ngày 10/11/2024, UBND phường Thuận An (TP. Huế) tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm xác định, lập danh sách về hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều để có giải pháp giảm nghèo trong năm 2025.

Rà soát và phân loại hộ nghèo
Trao 3 mô hình sinh kế trị giá 26 triệu đồng

Ngày 28/10, UBND phường Thuận Lộc (TP. Huế) tổ chức trao hỗ trợ sinh kế cho 3 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo trên địa bàn nhằm giúp các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống để thoát nghèo.

Trao 3 mô hình sinh kế trị giá 26 triệu đồng
Return to top