ClockThứ Sáu, 01/10/2021 06:55
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10)

Chăm sóc người cao tuổi giữa mùa dịch

TTH - Chăm sóc người cao tuổi trong điều kiện sống bình thường đã là việc không đơn giản, giữa mùa dịch COVID-19 phức tạp lại càng khó khăn hơn và cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Chủ tịch nước: Người cao tuổi là trụ cột của gia đình và xã hộiChăm lo người có công bằng việc làm cụ thể

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người cao tuổi

Tăng sức đề kháng với COVID-19

Tiêm phòng vắc-xin COVID-19 là biện pháp hữu hiệu và rất quan trọng để giúp người cao tuổi giảm nguy cơ mắc và đẩy lùi COVID-19. Tuy nhiên, do số lượng vắc-xin hạn chế nên không phải người cao tuổi nào cũng có thể sớm được phòng ngừa COVID-19 bằng cách này. Gia đình chị Hoàng Kim Ni (thị xã Hương Thủy) có đến 4 người cao tuổi từ 67 tuổi trở lên. Nhưng từ thời điểm Thừa Thiên Huế bắt đầu triển khai tiêm phòng vắc-xin COVID-19 cho người trên 65 và có bệnh nền đến nay, cũng mới chỉ có bố ruột và bố chồng chị được UBND phường lần lượt gọi tiêm. Cả hai ông đều có bệnh nền cao huyết áp và có bệnh về dạ dày.

Người cao tuổi có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao gấp nhiều lần so với người trẻ. Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt, nhưng không vì vậy mà gia đình có người cao tuổi như chị Ni có phần chủ quan. Bình thường, việc chợ búa lặt vặt được mẹ chị Ni đỡ đần vì chỉ cần ra đầu ngõ là có chợ tạm. Nhưng khi dịch bùng phát đến nay, bất cứ việc gì cần ra khỏi ngõ thì các con trong nhà chị Ni không còn nhờ vả cha mẹ nữa. Ai cũng sợ “cơn gió độc” COVID-19 xuất hiện thình lình làm rụng “quả chuối chín cây” bất cứ lúc nào. Thậm chí, việc tiếp khách xa hay đón bạn trà mỗi sáng của ông bà cũng được giảm hẳn, hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc người ngoài gia đình. Bù lại, để con cháu không quá lo lắng cho mình, bố mẹ chị Ni luôn chủ động hợp tác trước các đề nghị của con. Ông bà chỉ theo dõi tình hình dịch bệnh trên các kênh của đài truyền hình tỉnh, đài quốc gia, đảm bảo 5K trong sinh hoạt và tích cực bồi bổ sức khỏe.

“Bố mẹ chúng tôi đều cao tuổi, có bệnh nền và rất mong manh. Thật may là ông bà rất hiểu tình hình dịch bệnh, hiểu những áp lực của con cái và cũng khá chủ động phòng dịch nên không quá lo lắng, sợ hãi. Chỉ mong chúng ta có đủ vắc-xin để có thể phòng dịch đủ cho người lớn tuổi. Hơn hết, cùng với giá trị phòng bệnh cho cơ thể, việc được tiêm vắc-xin COVID-19 cũng là bài thuốc tinh thần rất tốt cho người già”, chị Ni nói thêm.

Cùng chung tay

Năm 1990, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã lấy ngày 1/10 hàng năm làm Ngày quốc tế Người cao tuổi. Ngày quốc tế Người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 1/10/1991. Ngày quốc tế Người cao tuổi là một ngày hành động quốc tế do Liên Hiệp quốc đặt ra nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ các người cao tuổi trong mọi nước thành viên. Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của những người xung quanh, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 kéo dài như hiện nay. Năm nay, giữa thời điểm tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Ngày quốc tế Người Cao tuổi được kỷ niệm với chủ đề: “Chủ động thích ứng với già hóa dân số: Gia đình, cộng đồng và toàn xã hội cùng chung tay chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”.

Tại Thừa Thiên Huế, cùng với cả nước, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ khá nhanh. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009, Thừa Thiên Huế có 10,3% số người 60 tuổi trở lên. Đến năm 2019, tỉ lệ này là 15,6%. Hầu hết người cao tuổi thuộc diện hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc hộ nghèo,... đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Nhờ đó, số người cao tuổi khám sức khỏe định kỳ không ngừng tăng lên. Các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đều tổ chức khám và điều trị cho người cao tuổi. Ở tuyến xã, các trạm y tế đều thực hiện quản lý cập nhật danh sách và lập sổ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi. Trong 9 tháng đầu năm 2021 đã có 78.965 người cao tuổi được truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe; có 74.885 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, chiếm 46,2% số người cao tuổi toàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 20/1/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh đến năm 2030, Chi cục Dân số-KHHGĐ đã triển khai đồng bộ các hoạt động, gồm: truyền thông giáo dục thay đổi hành vi về chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cộng đồng; nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế - dân số và các đoàn thể các cấp, nghiên cứu khoa học... Các xã, phường, thị trấn đã triển khai các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường cung cấp thông tin về thực trạng già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Mọi nỗ lực đều vì một mục tiêu: Thêm tiếng nói để mỗi thành viên trong cộng đồng, gia đình đều chung tay chăm sóc, giúp đỡ để người cao tuổi có một cuộc sống có chất lượng, mạnh khỏe, thoải mái và luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, chiều 18/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức buổi tọa đàm gặp mặt cán bộ Mặt trận tỉnh qua các thời kỳ.

Xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân

TIN MỚI

Đau Dạ dày và nguyên nhân
Return to top