ClockThứ Năm, 25/06/2015 15:47

Chăm trẻ mầm non khuyết tật

TTH - Lớp học đầu tiên dành cho trẻ khuyết tật mầm non tại Huế, ở Trường Mầm non I, phường Phú Nhuận, sự vất vả của cô giáo còn nhân lên gấp bội, khi hàng ngày phải đóng đủ các vai: cô, mẹ, bạn... Nhưng, điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất, chính là tình cảm, sự yêu thương chân thành đến từ các cô giáo dành cho những đứa trẻ kém may mắn.

Chăm từng muỗng cháo

Ê a học nói

Xuất phát từ sự hỗ trợ ban đầu của hai vợ chồng người nước ngoài, Trường Mầm Non I mở lớp cho trẻ chuyên biệt, nhằm chia sẻ với những gia đình kém may mắn có con khuyết tật tìm được nơi chăm sóc, hỗ trợ, giáo dục để hòa nhập cộng đồng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trường vẫn dành kinh phí để lắp điều hòa, chọn phòng học rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng để các cháu được học tập trong môi trường tốt nhất, mà không tăng kinh phí so với trẻ bình thường. Ngoài Mầm Non I, ở bậc tiểu học, mô hình này cũng được hai vợ chồng nói trên hỗ trợ ban đầu để mở lớp ở Hương Long (Huế).

Gần 9 giờ sáng, 7 trẻ khuyết tật, (3 bị hội chứng down, 4 tự kỷ) được tập trung ngồi hai dãy, đối diện nhau, bắt đầu tô vẽ theo hình. 3 trẻ nhỏ nhất tô màu ngôi nhà 4 đứa lớn hơn, nghịch ngợm một chút lật nhanh từng trang sách, nhìn cười theo hình rồi nói những âm thanh không rõ.
Tôi đặc biệt chú ý cậu bé có khuôn mặt sáng, lanh lợi tên N.H.M đang chăm chú nhìn vào bức ảnh chân dung Bác Hồ. Khi cô giáo hỏi người trong ảnh là ai, cậu bé đáp ngay là Bác Hồ, dù cách phát âm của cậu chưa thật chuẩn. Tôi chú ý N.H.M là bởi, nếu không gặp ở lớp học này, tôi không nghĩ cháu bị tự kỷ, bởi vẻ bề ngoài của M không khác gì một đứa trẻ bình thường, thậm chí còn tuấn tú, khôi ngô hơn nhiều bạn cùng trang lứa.
Cô giáo dạy chính Đỗ Thị Tuyết cho hay, so với ngày đầu đến lớp M tiến bộ hơn rất nhiều. Dù nói chưa chuẩn, nhưng hành vi của cháu đã kiềm chế hơn trước. M thuộc diện tự kỷ và tăng động.
Mỗi khi có điều không vừa ý, như đang chơi đồ chơi mà bị bạn giật, M rất hung dữ. Ít nhất là cắn, cào bạn hoặc bất cứ ai M bắt được, không thì phá nát tất cả đồ chơi trong lớp học. Sau khi nắm được bệnh lý của M, các cô giáo ở đây đã tìm cách hướng dẫn, dỗ dành nên cháu thân thiện với bạn bè hơn trước. M rất biết nghe lời cô Tuyết, dù đôi khi cô bảo M uốn lưỡi nói dạ, chào vâng thì em nói ngược lại...
Trường hợp khác là em P.H.H, năm nay đã 6 tuổi chuẩn bị vào lớp một, thuộc diện “thâm niên” nhất tại lớp học chuyên biệt này, kể từ khi lớp mới thành lập 2013. H cũng bị tự kỷ. Cũng như M, bề ngoài H khá lanh lợi, hiền lành. Em chưa nói rõ cả câu, nhưng khi cô giáo bảo chào cô, H nói khá rành rọt. “So với lúc mới nhận, cháu nói khá hơn nhiều, biết vâng lời cô và không còn phá phách như trước. Bây giờ gia đình cháu đang chuẩn bị hồ sơ cho cháu vào lớp một ở một trường gần nhà, nhưng họ có nguyện vọng gửi ở đây vài tháng hè để cháu tiến bộ thêm”, cô Tuyết nói về lý do H chưa chia tay lớp mầm non.
Yêu trẻ như chính bản thân mình
Ngoài cô giáo chính Đỗ Thị Tuyết, tốt nghiệp ngành tâm lý giáo dục, lớp còn có thêm hai cô khác. Bên cạnh đó, lớp thường xuyên có cô hiệu phó và nhân viên y tế túc trực để chăm sóc, hỗ trợ mỗi ngày.
Nhìn cô Phạm Thị Nhật Lệ, hiện là nhân viên y tế, tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa sang lớp mầm non chuyên biệt đút từng muỗng cháo cho bé L.T mới nhận 3 ngày, tôi cảm nhận được sự yêu thương đến từ tấm lòng chứ không chỉ là trách nhiệm.
T dị ứng với tôm nên thức ăn của cháu được nấu riêng. Ở nhà bố mẹ cho ăn cháo xay nên T khá vất vả với cháo nghiền, dù cô Phạm Thị Nhật Lệ đã cẩn trọng trong chế biến. “Nếu không yêu trẻ thì khó mà theo nghề. Phụ cấp dù được gấp đôi so với dạy lớp trẻ bình thường nhưng lớp ít cháu nên cũng không được bao nhiêu”, cô Tuyết bộc bạch.
Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là cô giáo chính Đỗ Thị Tuyết năm nay mới 25 tuổi và chưa lập gia đình. Từ sau khi ra trường, Tuyết gắn bó với chuyên biệt này và yêu trẻ hơn cả lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Lúc đầu tôi còn chưa biết mặc bỉm cho trẻ. Cháu không bình thường nên các hoạt động, sinh hoạt cũng khác thường. Để nắm được tâm lý đã khó, hiểu được điều trẻ muốn, sở thích... càng khó hơn”, cô Tuyết chia sẻ.
Cô Đỗ Thị Tuyết không nhớ bao lần mình bị trẻ đánh, trẻ cào, hất đổ thức ăn, không vâng lời... Nhưng với Tuyết, niềm vui lớn nhất bây giờ là sự “trưởng thành, ổn định” của trẻ, khi các cháu phân biệt được màu sắc, tập nói, tập ăn, nói được và ăn được, bỏ rác vào thùng rác và hơn cả là lớp do Tuyết phụ trách đã có 3 cháu được hòa nhập vào các lớp trẻ bình thường.
Bài, ảnh: TÂM HUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.

Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Làm bạn cùng con tuổi teen

Bạn sẽ làm gì khi con nói dối; khi con yêu sớm; khi con không vâng lời; khi con mất kết nối... Rất nhiều tình huống khó đã được đặt ra tại buổi chia sẻ “Làm bạn cùng con tuổi teen” với hai diễn giả đến từ ngành giáo dục.

Làm bạn cùng con tuổi teen
Return to top