ClockThứ Ba, 01/11/2016 10:26

Chất lượng đội ngũ giáo viên: Cần có sự đánh giá đa chiều

TTH - Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục hiện nay.

Trong đợt tuyển dụng gần đây nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thừa Thiên Huế đã phải “gạt” hơn 500 ứng viên có kết quả đào tạo bậc đại học từ loại khá trở xuống, khi điều kiện thi tuyển dụng của ngành là các giáo sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc và thạc sĩ… Mặc dù vậy, tỷ lệ “chọi” của đợt thi tuyển cũng rất cao. Hàng loạt những ứng viên có bằng tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, là thạc sĩ… đã phải rớt dài. Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD & ĐT bày tỏ: “Chúng tôi không thể chịu trách nhiệm về sự đào tạo ồ ạt nhân lực cho ngành giáo dục như hiện nay. Cũng không thể có ưu tiên trong tuyển dụng nhân sự, vì chúng tôi đang thật sự cần người giỏi và chúng tôi có điều kiện để tuyển lựa người giỏi.”

Cuộc “đua” chất lượng cũng như “ý tưởng” giúp giáo sinh trẻ ra trường có thêm điều kiện tốt xin việc, đã khiến không ít cơ sở đào tạo ngành sư phạm dễ dãi trong việc cho điểm, xếp loại. Hàng năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tăng nhanh. Các cơ sở càng không “chính quy”, tỷ lệ giỏi càng cao. Những trường phía Bắc, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cao hơn hẳn Trường đại học Sư phạm Huế. Nhiều người lo âu, chất lượng giáo viên tuyển dụng vẫn bấp bênh dù điều kiện dự tuyển cao ngất ngưỡng. Điều này sẽ tác động và ảnh hưởng đến những cơ sở đào tạo nghiêm túc và ngành GD&ĐT vẫn khó chọn được người thực giỏi, mặc dù theo Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, ngành đã phối hợp với cơ quan hữu trách thực hiện nghiêm khâu tuyển chọn. Đây là cơ sở để đội ngũ của giáo dục Thừa Thiên Huế đi đúng lộ trình chuẩn hoá.

Đội ngũ theo quy chuẩn của toàn ngành GD & ĐT tỉnh ta hiện nay được công nhận là 100% đạt và vượt chuẩn. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng khẳng định trong trường mình có từ 10% đến 15%, thậm chí 20% giáo viên không theo kịp sự đổi mới. Đội ngũ này có nhiều bất cập, như kém về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, không theo kịp các chương trình sách giáo khoa mới và cả một tỷ lệ không nhỏ thiếu nhiệt tình nghề nghiệp. Đây chính là một khoảng “tối” trong quản lý nhân lực. Ông Phan Nam, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Huế cho rằng, phản ánh của các hiệu trưởng về tỷ lệ giáo viên không đáp ứng được nhu cầu… như trên là có cơ sở. Nhưng, cơ sở  “phân loại” để đào thải không có.

Việc “đánh giá chất lượng giáo viên” hiện nay theo đúng quy trình. Sau mỗi học kỳ và mỗi năm học, giáo viên được góp ý của tổ bộ môn để xếp loại, kết quả đưa lên hiệu trưởng và hiệu trưởng đưa lên cấp cao hơn. Thế nhưng ngay từ đánh giá, không ít tổ chuyên môn ở các trường đã rất cảm tính. Biết là đồng nghiệp còn yếu kém, có góp ý nhưng chỉ là để rút kinh nghiệm, cho qua để bảo vệ thành tích tập thể… là căn bệnh trầm kha. Ông Nam đưa ví dụ, một giáo viên được cơ sở giới thiệu tham gia thi GV dạy giỏi, cả hai nội dung thi đều “phạm huý” nhưng khi đưa ra, hội đồng lại cân nhắc theo hướng, “tội” cho đối tượng, nếu về cơ sở như vậy thì “mất mặt”. Về đội hình, không có hội đồng nào có GV yếu kém, “tự dưng” hội đồng mình có một người, cá nhân ảnh hưởng tập thể, vậy là “nâng” và… cho qua, để rồi cuối cùng nhân tố nọ “lọt” luôn vào danh sách được công nhận… giáo viên dạy giỏi.

Thầy giáo Nguyễn Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Huế) cho rằng việc đánh giá xếp loại giáo viên hiện nay chưa minh bạch, theo kiểu “cơm vua ngày trời” khiến chất lượng giáo dục khó phát triển toàn diện. Chất lượng giáo viên thấp thì không thể có học sinh giỏi, nhưng làm thế nào để có đội ngũ giáo viên giỏi lại là một lộ trình gian khó.

Lao động của giáo viên còn bất cập

Khi được hỏi về chất lượng giáo viên của trường mình, thầy giáo Nguyễn Phước bất ngờ đưa ra lịch công tác của GV trong học kỳ I năm học 2016 - 2017. Theo đó, với 19 tuần khít khao từ 28/8/2016 đến 30/12/2016, GV không thể nghỉ bất cứ buổi nào mới đảm bảo chương trình. Tuy nhiên, thời gian này lại có rất nhiều hoạt động, như khai giảng, hội nghị CNVC, Tết Trung thu, 20/11, khảo sát học sinh đầu cấp, họp phụ huynh học sinh, sơ kết học kỳ và cả nghỉ lụt. Như vậy, cứ thêm một hoạt động là thêm một lần giáo viên phải dạy bù, học sinh học bù. Để đảm bảo chương trình  giáo viên phải rút tiết, dạy bù… thì chất lượng dạy và học không cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, đối diện với thực trạng ở hầu hết các trường THCS hiện nay, cần ưu tiên bố trí GV đầu cấp (cả GV chủ nhiệm lẫn bộ môn), GV bồi dưỡng học sinh giỏi, rèn luyện năng khiếu. Dứt khoát phải đổi mới từ nội dung chương trình đến phương pháp dạy học phân hóa đối tượng, trong đó phụ đạo cho học sinh yếu ngay trong tiết học, tổ chức hình thức dạy - học offline. Bản thân cán bộ quản lý phải tăng cường dự giờ có góp ý, rút kinh nghiệm tối thiểu 2 tiết/giáo viên, dự giờ theo chuyên đề (kiểm tra sử dụng thiết bị dạy học, ứng dụng CNTT, dạy - học ở phòng học bộ môn, triển khai giáo dục địa phương, GD lồng ghép với nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nội bộ trường học để sâu sát. Giáo viên bắt buộc nắm vững và có kế hoạch cụ thể về số tiết, thời gian hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn; dạy học theo dự án (Intel), dạy học theo chủ đề tích hợp”. Với khối công việc này, cộng với một “lịch hoạt động đầu năm” do Sở GD&ĐT cung cấp, GV, theo nhiều người tính thì làm… đêm cũng không hết việc.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, ngành hiện rất chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ theo hướng thực chất. Điều này được Sở GD&ĐT thực hiện theo nhiều hình thức mà kết quả cuối cùng là hướng về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, một trong những biện pháp là thông qua tập huấn, bồi dưỡng, nhưng không chỉ cán bộ quản lý mà ngay cả các học viên các lớp tập huấn, bồi dưỡng cũng cho rằng hình thức này chỉ là “hình thức”, chưa thật sự nâng cao trình độ GV như mong muốn. Về nhận thức, bản thân các nhà giáo đều công nhận việc tự học, tự nâng cao trình độ một cách tự giác là quan trọng. Cộng thêm, nếu được lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện, rất nhiều nhà giáo đã chủ động “bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn và và nghiệp vụ sư phạm” để tiếp nhận sự đổi mới của giáo dục hiện đại. Việc đổi mới đánh giá xếp loại cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GD&ĐT tỉnh quan tâm để khuyến khích những nhà giáo có tâm, nâng tầm và đào thải những người thiếu trách nhiệm, không yêu nghề dẫn tới yếu kém chuyên môn.

Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho học sinh tiểu học

“Tìm kiếm tài năng tiếng Anh” là cuộc thi dành cho học sinh lớp 5 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 9/11 mang đến cho các em học sinh không khí học tập sôi nổi, trải nghiệm đầy cảm hứng về môn học.

Bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho học sinh tiểu học
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước
Return to top