ClockThứ Năm, 05/09/2024 06:42

Chuẩn bị tốt cho năm học đặc biệt

TTH - 2024 - 2025 là năm học đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở tất cả các lớp, cũng là năm Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ngành giáo dục nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng của năm học, đóng góp những chỉ số phát triển giáo dục vào chỉ số chung của tỉnh.

Trên 472 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường học Quy định các khoản thu năm học 2024-2025

 Trường tiểu học Lê Lợi tổ chức lễ khai giảng năm học 2023 - 2024

Khơi gợi sự nỗ lực trong đội ngũ

Chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, Trường THPT An Lương Đông rà soát cơ sở vật chất, chuẩn bị các thiết bị dạy học ở cả 3 khối. Nhà trường tổ chức tập huấn về sử dụng sách giáo khoa lớp 12 cho giáo viên, tổ chức cho các tổ chuyên môn thảo luận, xây dựng kế hoạch dạy học bộ môn một cách chi tiết. Thông qua các chuyên đề sinh hoạt chính trị đầu năm học, nhà trường thông tin đến học sinh về Chương trình GDPT 2018, những điểm mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và hướng dẫn học sinh cách thức chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với những thay đổi.

Theo ông Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông, để thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, nhà trường xác định vai trò của giáo viên là then chốt. Do vậy, nhà trường tập trung bồi dưỡng năng lực chuyên môn, tận dụng cơ hội về sự đổi mới Chương trình GDPT, đổi mới thi tốt nghiệp THPT để khơi gợi sự nỗ lực trong toàn đội ngũ. Trường THPT An Lương Đông ưu tiên bố trí lịch sinh hoạt chuyên môn định kỳ trong khung chương trình hoạt động nhà trường; chỉ đạo các tổ chuyên môn đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, tập huấn xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, chú ý tiếp cận các định dạng câu hỏi kiểm tra mới theo cấu trúc của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

 Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trường THPT chuyên Quốc Học

Phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học được triển khai rộng rãi tại các trường THPT. Trong tháng 8, giáo viên của các trường THPT được tham gia đợt tập huấn chuyên sâu về Chương trình GDPT 2018, tập trung vào các phương pháp dạy học tích cực, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, đặc biệt là cách thức, phương hướng tiếp cận với cách ra đề kiểm tra đánh giá định kỳ học sinh theo cấu trúc mới của Bộ GD&ĐT. Sau tập huấn, các tổ chuyên môn ở các trường triển khai cho toàn bộ giáo viên trong tổ chuyên môn của mình.

Thầy giáo Nguyễn Đăng Lộc, giáo viên Trường THPT Gia Hội cho biết, trong các cuộc họp chuẩn bị cho năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường luôn nhấn mạnh việc khuyến khích giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, như dạy học theo dự án, dạy học tình huống và dạy học trải nghiệm sáng tạo. Mục tiêu là giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển các kỹ năng, như tư duy phản biện, hợp tác và giải quyết vấn đề. “Việc tự học và tự nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong Chương trình GDPT mới. Trong năm học mới, giáo viên Trường THPT Gia Hội định hướng sẽ hướng dẫn học sinh các phương pháp học tập hiệu quả, biết tự đặt câu hỏi, tìm kiếm tài liệu và giải quyết vấn đề một cách độc lập, đặc biệt là vận dụng các công cụ AI để tự tìm cách giải quyết các vấn đề trên lớp”, ông Lộc nói.

Khẳng định chất lượng

Năm học 2024-2025, Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT mới. Ngành giáo dục tập trung thực hiện tốt hai nhiệm vụ quan trọng: Vừa hoàn thành năm cuối cùng đổi mới sách giáo khoa, đồng thời phải khẳng định chất lượng của quá trình đổi mới thể hiện bằng kết quả đầu ra của lớp 9 và lớp 12.

Ngành tập trung triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Chủ động rà soát và phát triển chương trình GDPT bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tế triển khai tại các cơ sở giáo dục. Tiến hành rà soát, đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích nghiêm túc, cụ thể kết quả phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, kết quả sau 4 năm thực hiện chương trình sách giáo khoa mới để có giải pháp cụ thể nhằm phát huy, khắc phục và đưa ra định hướng chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục tại mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở GD&ĐT cũng chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi tuyển sinh các lớp đầu cấp và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của đề án nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, ngành tiếp tục phân tích các kết quả dữ liệu thi qua các năm, phân tích môn nào là thế mạnh của tỉnh, môn nào chưa phải là thế mạnh để khắc phục, tạo đột phá. Các trường cần nghiên cứu, sớm có các định hướng về thi cử để học sinh có nhận thức đầy đủ về các kỳ thi, có sự chuẩn bị chủ động. Ngoài ra, các cuộc thi học sinh giỏi, tranh biện tiếng Anh, các cuộc thi thể thao, văn hóa, các hoạt động ngoại khóa, các CLB trong trường học… cũng được khuyến khích nhằm tạo sân chơi cho học sinh phát triển các kỹ năng toàn diện theo mục tiêu của Chương trình GDPT mới.

Sở GD&ĐT cũng tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung; triển khai thực hiện học bạ số…

Năm học 2024 – 2025 được ngành giáo dục xác định chủ đề năm học là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Toàn tỉnh hiện có 569 trường mầm non và phổ thông; 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh.

Vào sáng 5/9, tất cả các trường đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới với sự tham gia của khoảng 291 nghìn học sinh, trong đó có trên 64 nghìn trẻ mầm non, 223 nghìn học sinh phổ thông và 3.800 học viên giáo dục thường xuyên.


Bài, ảnh: MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trường cao đẳng Du lịch Huế:
Nhiều tập thể, cá nhân được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL tặng bằng khen

Sáng 28/10, Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường (28/10/1999 - 28/10/2024) và khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Đến dự buổi lễ, có các ông: Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL); Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Nhiều tập thể, cá nhân được Bộ trưởng Bộ VH,TT DL tặng bằng khen

TIN MỚI

Return to top