Cô giáo Đoàn Thị Sang chăm chút tra bữa ăn cho các em
Về Trường Mầm non Lộc Bình mới thấy được bộ mặt đổi thay của một ngôi trường đang chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Trường có đầy đủ các trang thiết bị vui chơi, phòng học rộng rãi, thoáng mát. Sân vườn rộng, nhiều bóng cây, vườn rau để các bé vui chơi và trải nghiệm.
Nói về quá trình thay đổi diện mạo ngôi trường nằm ở một xã khó khăn như Lộc Bình, cô Sang bày tỏ, đó là sự đoàn kết, nỗ lực quan tâm của lãnh đạo ngành, người dân và của cả tập thể giáo viên, công nhân viên trong trường. “Là cán bộ lãnh đạo, để cấp dưới đồng thuận thì phải hiểu từng cá nhân, xử lý công việc phải hợp tình, hợp lý. Ví như, mỗi lần trường tổ chức lao động vệ sinh, tôi cũng tham gia và chủ động tạo những câu chuyện vui, giúp mọi người thỏa mái và gần nhau hơn. Khi đó, nếu có vướng mắc hay những bức xúc gì ai cũng mạnh dạn nói ra. Những tồn tại được tháo gỡ, tất cả đều tìm được tiếng nói chung sẽ cùng hướng đến mục tiêu vì học sinh, vì nhà trường”. Cô Sang chia sẻ.
Trước năm 2008, cô Đoàn Thị Sang công tác ở Trường Mầm non Vinh Mỹ. Năm 2008, cô được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc phân công làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Vinh Hải (lúc đó Trường Vinh Hải có nhiều tồn tại bất cập). Sau 5 năm nhận công tác và đưa Trường Mầm non Vinh Hải thành trường điểm của huyện thì cô Sang lại được tín nhiệm về công tác tại Lộc Bình.
|
Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc tự hào: “Nếu không có sự tận tâm, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm của cô Sang thì Trường Mầm non Lộc Bình không thể nhanh chóng chuyển mình. Từ một trường thiếu thốn về vật chất, nội bộ mất đoàn kết, nay trở thành trường điểm của cả huyện, được huyện lập hồ sơ để công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia”.
Cô Đoàn Thị Sang cho hay, thời điểm khó khăn nhất khi cô về làm Hiệu trưởng ở Trường Mầm non Lộc Bình là lúc gộp các điểm trường lẻ lại. Địa hình xã Lộc Bình phức tạp, đồi núi nhiều và trải dài. Những thôn ở hai đầu xã, khi gom lại, gặp sự phản đối của người dân, cho rằng trường vì thành tích mà làm khó họ. Đó là người dân không hiểu, như ở thôn Tân An, cả cơ sở chỉ có 3 em theo học. Học sinh không đủ để tổ chức bán trú. Ban giám hiệu nhà trường phải về các điểm để họp phụ huynh và phân tích cho người dân hiểu rằng, khi về trường chính, các em được học bán trú, có cơ sở vật chất đầy đủ, điều kiện vui chơi, ăn uống tốt hơn. Giữ điểm lẻ này cũng được, nhưng buổi trưa phụ huynh phải đón con về. Sau cùng, thấy việc về điểm chính là cấp thiết nên người dân đồng tình.
Năm học 2016-2017, Trường Mầm non Lộc Bình huy động được 100% trẻ 5 tuổi đến trường, 98% trẻ 3-4 tuổi và 30% từ 1-2 tuổi. Đây là trường có tỷ lệ huy động trẻ đến trường dẫn đầu của huyện Phú Lộc.
|
Khó khăn là đưa đón các em đi học, khi đi làm rừng người dân phải đi sớm về muộn. “Trường có một cô giáo ở thôn Tân An, tôi vận động cô buổi sáng đi làm ghé chở các em đi cùng, chiều lại chở về. Nhà trường cũng đề xuất giải pháp là các phụ huynh luân phiên chở các em đi. Mỗi người chỉ chở 1-2 buổi trong tuần. Đồng thời, nhà trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, bữa ăn phải đảm bảo, làm cho phụ huynh yên lòng”, cô Sang cho biết.
Gần đây, xã hội hóa giáo dục được Trường Mầm non Lộc Bình làm rất tốt. Phụ huynh chia sẻ nhiều hơn với khó khăn của nhà trường. Chẳng hạn như làm vườn rau, giàn bầu, hay che thêm mái hiên để các em có không gian vui chơi, đã có sự góp sức của phụ huynh. Nhà trường còn huy động được các nguồn lao động khác, mỗi khi làm những công việc liên quan đến xây dựng thì có chồng các cô giáo làm nghề thợ xây xung phong đảm nhận. Nhờ vậy, nhà trường bớt được những chi phí, tập trung đầu tư trang thiết bị giảng dạy và nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ.
Bài, ảnh: Đức Quang