ClockChủ Nhật, 12/05/2024 15:39

“Có sự chuẩn bị, khi cờ đến tay bạn mới có năng lực để phất”

TTH - Đó là những chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách đề án VinFast. Ông đang là cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup. Theo ông, thế hệ trẻ đang sống trong giai đoạn nhiều cơ hội với trí tuệ nhân tạo (AI), là “thế giới phẳng”nhưng cũng là thách thức lớn. Điều đó đòi hỏi mỗi người trẻ phải có sự thay đổi, có sự chuẩn bị, trang bị các kỹ năng để khi “cờ” đến tay mới có thể “phất” được.

Cơ hội việc làm cho sinh viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế tại Nhật BảnHơn 280 giải thưởng được trao tại “Hue – ICT Challenge - 2024”

Ông Võ Quang Huệ. Ảnh: Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế 

Đầu tiên, xin ông có thể chia sẻ quá trình trở thành một trong những thành viên để hình thành nên thương hiệu xe VinFast?

Tôi tốt nghiệp chuyên ngành ô tô và động cơ ô tô tại Đức. Tôi có 24 năm làm việc tại BMW trong bộ phận phát triển xe mới, rồi đề án sản xuất, kinh doanh của hãng tại các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, Mexico và Ai Cập. Năm 2007, tôi được Tập đoàn Bosch mời làm việc để mở công ty tại Việt Nam.

Sau 10 năm làm ở Bosch, đến năm 2017, tôi nghỉ hưu theo chế độ làm việc của nước Đức (Tập đoàn Bosch thuộc nước Đức). Lúc đó, tôi 65 tuổi. Khi chuẩn bị về hưu thì Tập đoàn Vingroup mời tôi làm việc nghiên cứu phát triển, lắp ráp và sản xuất ô tô mang thương hiệu đầu tiên của Việt Nam - VinFast.

Ở Đức nổi tiếng làm việc theo quy trình. Nhưng với đề án VinFast thì phải làm đồng thời nhiều việc. Đó là vừa nghiên cứu phát triển dòng xe mới, vừa thương thảo hợp đồng với các đối tác, xây dựng nhà máy, chuẩn bị lực lượng sản xuất, lực lượng bán hàng, hậu mãi. Và như mọi người đã biết, VinFast ra đời là cả một kỳ tích, khi chỉ trong vòng 1 năm đã hoàn thành nhà máy sản xuất và chỉ trong 21 tháng, sản phẩm đã được ra đời bán ra thị trường.

Chặng đường đi của ông nhiều thành công, song sẽ không ít khó khăn và thách thức, ông có thể chia sẻ bí quyết để khắc phục khó khăn?

Để kể cặn kẽ sẽ rất khó, tuy nhiên tôi muốn nêu một ví dụ cụ thể. Năm 1994, BMW muốn mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Lãnh đạo công ty muốn tôi làm giám đốc sản xuất đặt tại Hà Nội. Lúc đó tôi đang làm ở trung tâm nghiên cứu, hoàn toàn không biết về sản xuất. Vậy là tôi quyết định vào làm công nhân tại nhà máy sản xuất của công ty. Qua thời gian đó, tôi nắm bắt từng bộ phận, từng con ốc vít, quy trình sản xuất chi tiết… nên khi điều hành nhà máy sản xuất ở Việt Nam đã thành công.

Khi ở Việt Nam giai đoạn quản lý nhà máy sản xuất, các đối tác của BMW đến làm việc giao tiếp bằng tiếng Anh. Tôi không thể giao tiếp vì chỉ biết tiếng Đức và tiếng Việt. Vậy là, tôi quyết định đi học tiếng Anh vào ban đêm, khi đó tôi đã hơn 40 tuổi. Để có thể học nhanh và hiệu quả, tôi đã xin đi làm hướng dẫn viên du lịch không công. Sau thời gian trở lại Đức, vốn tiếng Anh của mình đã tốt lên so với những người trong công ty, nên lãnh đạo tiếp tục giao phụ trách các dự án nước ngoài. Tôi thấy rằng, rèn luyện và học tập là cách để vượt qua khó khăn.

Trong cuốn “Dặm đường tôi đi - Hành trình từ BMW, Bosch đến VinFast” của ông vừa mới phát hành đầu năm 2024 có câu: “Trên đường đời vạn nẻo, không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa”, ông có thể chia sẻ ý nghĩa của câu đó?

Chúng ta đang sống trong giai đoạn công nghệ phát triển như vũ bão. Thời kỳ của AI giải quyết tất cả. Một số ngành nghề mất đi và một số ngành ra đời liên tục.

Điều tôi muốn nói là, hôm nay diễn ra như thế nào thì ngày mai cũng khác đi. Những thay đổi đến bất ngờ, nếu thiếu những kỹ năng để xử lý sẽ dẫn đến thua thiệt. Những trang bị trong trường học, giảng đường đôi lúc không bắt kịp với thực tế. Vì vậy, phải luôn có sự chuẩn bị về suy nghĩ, cách xử lý, cách sáng tạo, thương thảo, kỹ năng mềm và quan trọng là có tâm thế. Hay có những chuẩn bị về quản lý rủi ro, quản lý tài chính…

Trên đường đời vạn nẻo, không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa. Khi chuẩn bị đủ tốt, dù trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ vượt qua khó khăn. Đặc biệt là khi cờ đến tay, bạn có đủ năng lực mới có thể phất lá cờ đó. Có nghĩa là khi cơ hội đến sẽ có đủ năng lực để nắm bắt và tận dụng cơ hội.

Với sinh viên, chuyển từ đi học sang đi làm là thách thức, ông có tư vấn gì cho các em?

Từ ba mẹ nuôi ăn học, nay sang giai đoạn tự kiếm tiền. Nhiều sinh viên xem chuyển từ đi học sang đi làm là thách thức. Đầu tiên, sinh viên cần xác định lại đó là sứ mệnh, niềm vui và cơ hội chứ không phải là thách thức. Chuyển từ học sang làm, từ phụ thuộc ba mẹ sang tự chủ, tự kiếm tiền nuôi bản thân đó là thời điểm mở ra cơ hội cho mọi người.

 Ông Võ Quang Huệ (bìa trái) tặng sách cho giảng viên và sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế

Nhiều em thấy áp lực là do thiếu sự chuẩn bị. Ngay từ sinh viên, phải vừa học vừa làm. Hãy xin vào các công ty, nhà máy để thực hành nhiều hơn. Nếu có kinh phí thì tốt, không cũng không sao. Đó là thời gian để tích lũy kinh nghiệm, khi ra trường các em đủ tự tin để làm việc.

Điều tôi muốn nhấn mạnh, ngày hôm nay là ngày đẹp nhất, hãy sống nhiệt huyết hết lòng. Hôm nay đi học thì học đàng hoàng, dồn hết tâm trí, sức lực cho học tập.

Như ông đã nói, sự thay đổi của xã hội là liên tục, ông có lời khuyên nào cho giới trẻ hiện nay?

Tôi vừa quay lại Đức. Trước đây, có một trung tâm mua sắm sầm uất, nay 2/3 cửa hàng phải đóng cửa. Lý do là kinh doanh qua mạng quá phát triển. Như thế để thấy, cái gì cũng thay đổi, song có một số yếu tố là bất biến. Đó là tâm trí, sức khỏe. Không có sức khỏe thì làm gì cũng không được. Bất biến nữa là cái gì đúng hôm nay, nhưng chưa chắc đúng ngày mai, nên giới trẻ hiện nay cần đầu tư, học tập để trở thành công dân toàn cầu, có nghĩa là đi đâu cũng sống được. Giới trẻ phải cố gắng biết tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác.

Tôi muốn có một câu dành cho các bạn trẻ, đó là cuộc đời mỗi người đều có khát vọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là hết lòng, hết trí tuệ cho công việc đang làm. Các bạn hãy tập trung hết lòng cho công việc, xác định những ưu tiên 1, 2, 3… và ưu tiên thời gian và sức lực để giải quyết các công việc theo những ưu tiên đó. Một vấn đề nữa là xã hội hiện nay đang mất niềm tin, thức ăn có an toàn không, liệu người làm việc với mình có lừa mình hay không... Chính vì thế, thà bạn mất tiền chứ không để mất niềm tin. Niềm tin là tài sản vô giá.

Ông từng sống ở Huế một thời gian, ông cảm nhận gì về nơi từng gắn bó?

Đúng thế, tôi từng có khoảng thời gian lớn lên tại Huế. Với tôi, khi nào nói về Huế thì có sự tự hào mãnh liệt. Huế ngày nay thật đẹp, những con đường cây canh rợp bóng mát, thành phố xanh và yên bình. Làm cho tôi mỗi lần trở về là cả sự nôn nao, chờ đợi để được ra bờ sông Hương, dạo quanh các con phố… Ở Huế tôi có những người bạn thân thương, bao nhiêu năm vẫn còn trân quý tình cảm.

Ai đi nước ngoài rồi mới thấy, quê hương mình đẹp vô cùng.

Xin cảm ơn ông!

Đức Quang (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top