ClockThứ Tư, 09/02/2022 15:07

Để không gian mạng an toàn với trẻ em

TTH - Trong thời gian đại dịch COVID-19, không gian mạng là nơi cung cấp các giải pháp để việc học tập của trẻ em không bị gián đoạn bằng hình thức online. Tuy nhiên, từ hoạt động tương tác trên mạng xã hội, giải trí bằng các ứng dụng trên các nền tảng số, bên cạnh những lợi ích mang lại, không gian mạng luôn có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn, nhất là đối với trẻ em.

Linh hoạt nhiều phương án, đảm bảo an toàn cho học sinhTổ chức dạy học trực tiếp bình thường trở lại kể từ ngày 13/12

Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ em khi tham gia trên không gian mạng, tránh những hệ quả xấu có thể xảy ra. Ảnh: MC

Rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn

Theo cảnh báo của tổ chức UNICEF Việt Nam, việc trẻ em sử dụng không gian mạng đang tồn tại một số rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn. Các em có thể bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm bất cứ lúc nào, có thể gọi những thông tin xấu độc đang là một căn bệnh khó chữa và lây lan rất nhanh trên các ứng dụng mạng xã hội, nền tảng số và việc vô tình bắt gặp các thông tin này trên không gian mạng rất cao.

Việc các em bị xâm phạm đời tư trên không gian mạng, các thông tin, hình ảnh đăng tải hay chia sẻ của các em có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu như tung tin, lừa đảo, bêu riếu hay đe dọa cũng là điều cần phải quan tâm, lưu ý.

Bên cạnh đó, các em có thể bị bắt nạt trên không gian mạng, có thể bị “cư dân mạng” chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý, thậm chí các em có thể bị công kích, đe dọa hoặc xuyên tạc các thông tin hình ảnh có liên quan đến các em. Và nguy hiểm hơn, đó chính là nguy cơ các em bị xâm hại tình dục trên không gian mạng, một số kẻ xấu có thể tiếp cận, làm quen và gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm. Chúng có thể dùng những hình ảnh và tin nhắn này để ép buộc, đe dọa khiến các em phải vâng lời làm theo các yêu cầu khác và có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Trang bị kiến thức và nguyên tắc sử dụng để tự bảo vệ mình

Để tránh gặp phải những rắc rối khi sử dụng không gian mạng, chính bản thân trẻ em cần phải có những kiến thức và nguyên tắc nhất định khi có các hoạt động trên không gian mạng. Các em cần có nguyên tắc trong việc kết bạn, hạn chế làm quen và trò chuyện với người lạ, người mà mình không quen biết ngoài đời thực. Không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin, hình ảnh nhạy cảm, tâm trạng riêng tư trên không gian mạng vì việc này có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Luôn lưu ý thoát khỏi chương trình, trang thông tin, phòng chat, xóa phần mềm ứng dụng, tắt máy tính hay điện thoại khi không cần thiết. Không chia sẻ vị trí định vị của bạn khi sử dụng các ứng dụng trên mạng, chú ý các thao tác bảo mật thông tin và các điều khoản cam kết sử dụng của các chương trình trên không gian mạng, nếu có dấu hiện bất thường thì tuyệt đối không dùng. Chia sẻ với bố mẹ, thầy cô, người thân, người mà các em tin tưởng về các vấn đề đang gặp phải trên không gian mạng, điều này có thể giúp các em giải quyết các rắc rối. Cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, bình luận một nội dung, hình ảnh của người khác. Không nên a dua, có những bình luận ác ý, hay hành vi khiếm nhã khi tương tác trên không gian mạng, vì nên nhớ, các hành động của các em có thể ảnh hưởng xấu, gây đau khổ cho bạn bè và những người khác. Hãy luôn nhắc nhở bản thân mình rằng, không gian mạng là ảo nhưng hậu quả là thật, có hiểu biết và thực hiện các nguyên tắc khi sử dụng không gian mạng là đang tự bảo vệ mình và mọi người.

Sự giúp đỡ từ gia đình, người thân

Để không gian mạng luôn an toàn đối với trẻ em, phụ huynh nên trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng internet và điện thoại di động như quy định không gian được sử dụng các thiết bị số, thảo luận thời gian giới hạn của các em khi sử dụng không gian mạng cho mục đích giải trí. Đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình để cùng tương tác, giám sát và hỗ trợ lẫn nhau.

Việc hiểu và sử dụng các giải pháp công nghệ cũng là một biện pháp bảo vệ tốt cho các em trước các nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng. Phụ huynh có thể cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em. Theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của các em một cách tinh tế để nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp. Điều quan trọng nhất của mọi giải pháp, hãy trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để biết được các em thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao. Hướng dẫn các em cách kết bạn, giao tiếp và cách chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo ngay khi gặp rắc rối trên mạng và cách tự bảo vệ mình.

Vũ Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top